| Hotline: 0983.970.780

Cán bộ vô cảm đẩy người dân về phía đói nghèo

Thứ Ba 11/01/2022 , 09:48 (GMT+7)

Mẹ đơn thân nuôi con bại liệt bị đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo. Cán bộ vô cảm, thiếu dân chủ đẩy người dân về phía đói nghèo.

Cán bộ vô cảm và những phận đời khốn cùng

Nơi trú ngụ của bà Nguyễn Thị Nghinh (56 tuổi) và đứa con bị bại liệt là ngôi nhà tình nghĩa chỉ vỏn vẹn vài ba chục mét vuông, được xây dựng trên mảnh đất mượn của người cháu ruột tại thôn Xuân Khánh, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa).

Cán bộ vô cảm đã đẩy mẹ đơn thân, con bại liệt ra khỏi danh sách hộ nghèo. Ảnh: VD.

Cán bộ vô cảm đã đẩy mẹ đơn thân, con bại liệt ra khỏi danh sách hộ nghèo. Ảnh: VD.

Năm nay, gia đình bà đã được “tái nghèo” sau một năm “thoát nghèo”. Thế nhưng, để được hưởng chế độ hộ nghèo, bà Nghinh đã phải nhiều lần lên xã “cầu cạnh” dù rằng bất cứ ai ở thôn Xuân Khánh cũng nghĩ rằng, chuyện gia đình bà thuộc diện hộ nghèo là không cần bàn cãi.

Cách đây 6 năm, đứa con trai duy nhất của bà (Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1986) trong một lần đi hái lá cho dê ăn đã bị rơi từ trên cao xuống khiến hai đốt sống lưng, tủy sống bị chấn thương nặng. Sau khi bán hết đất đai đi chữa trị, đứa con của bà vẫn bị liệt nửa người. Sáu năm nay, Hải nằm một bề, một vòi nước được nối vào cơ thể để nước tiểu tự chảy ra ngoài còn mọi sinh hoạt của Hải đều do người mẹ già đỡ đần.

Nhà không còn ruộng đất, con bại liệt, bà Nghinh đi làm thuê, làm mướn bữa đực, bữa cái. Thế mà năm 2021, gia đình bà Nghinh bị “ép” thoát nghèo. Nghĩ đến đó bà Nghinh uất ức trào nước mắt.

“Tôi không biết chữ, đang đi làm thuê thì về nghe thằng Hải nó bảo, cán bộ thôn vào nhà chấm điểm sau đó đề nghị con tôi ký vào một loại giấy tờ gì đó. Thế là gia đình tôi “thoát nghèo” – người mẹ đơn thân uất nghẹn.

Căn nhà tình nghĩa của mẹ con bà Nghinh được xây trên mảnh đất mượn người cháu ruột. Ảnh: VD.

Căn nhà tình nghĩa của mẹ con bà Nghinh được xây trên mảnh đất mượn người cháu ruột. Ảnh: VD.

Hải nằm cạnh người mẹ khốn khổ nói chen vào: “Họ chỉ bảo ký vào để làm gì đó, mắt em thì không thấy rõ nên nghĩ là việc tốt nên ký vào. Ai ngờ năm qua nhà em không còn được hưởng các chính sách hộ nghèo nữa”.

Chúng tôi hỏi, căn cứ vào đâu để thôn cho gia đình thoát nghèo và vì sao gia đình không có ý kiến, bà Nghinh cho biết: “Họ bảo nhà tôi được xây nhà tình nghĩa, có ti vi, âm li hat karaoke nên phải thoát nghèo. Nhưng họ cố tình không hiểu, chiếc ti vi đời cũ tôi mua 4 trăm nghìn đồng, nay đã hỏng, bán chắc được 20 nghìn đồng; chiếc loa kéo thì một mạnh thường quân thấy cháu Hải nằm một chỗ, buồn quá nên mua tặng để cháu giải trí cho khuây khỏa chứ tôi ăn còn không đủ thì tiền đâu mà mua loa đài? Sau khi gia đình tôi bị đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, bà con thôn Xuân Khánh đều rất thương, bữa cho cái này mai cho cái khác và khuyên tôi cuối năm trước lên trực tiếp gặp cán bộ xã để xin vào lại hộ nghèo. Sau nhiều lần đi lại thì năm nay gia đình tôi lại thuộc danh sách hộ nghèo” – bà Nghinh xót xa.

Rời nhà bà Nghinh, chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Tùng, sinh năm 1966. Cũng là mẹ đơn thân. Năm 2003, bà Tùng sinh được một cô con gái với hi vọng sau này nương tựa tuổi già. Thế nhưng, cách đây ít tháng, đứa con bà bụng càng ngày càng lớn lên, thể trạng ốm yếu. Qua thăm khám, bác sỹ thông báo con gái bà bị xơ gan cổ trướng và cộng thêm 9 loại bệnh tật nữa. Với tình trạng này, chẳng bao lâu nữa cháu sẽ phải rời xa mẹ vĩnh viễn. Trong lúc bà ôm con đi viện chữa trị thì thôn Xuân Khánh đã quyên góp ủng hộ gia đình bà được số tiền 9,3 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này, ông Trịnh Văn Hùng, Bí thư kiêm trưởng thôn Xuân Khánh giữ không đưa cho gia đình bà Tùng.

Bà Nguyễn Thị Tùng trao đổi về việc ông Trịnh Văn Hùng, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Xuân Khánh chậm đưa tiền quyên góp hỗ trợ mẹ con bà đi viện. Ảnh: VD.

Bà Nguyễn Thị Tùng trao đổi về việc ông Trịnh Văn Hùng, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Xuân Khánh chậm đưa tiền quyên góp hỗ trợ mẹ con bà đi viện. Ảnh: VD.

“Khoảng 1 tháng sau khi quyên góp xong tôi vẫn chưa thấy ông Hùng đưa tiền cho mình để đưa con đi viện. Lúc này tôi đến hỏi thì ông Hùng mới đưa và còn bảo là giữ lại chứ đưa cho tôi thì sợ tôi tiêu mất” – bà Tùng cho biết.

Ông Trịnh Văn Hùng, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Xuân Khánh lạnh lùng khẳng định, với hoàn cảnh của gia đình bà Nghinh thì đương nhiên thoát nghèo. Còn tiền quyên góp ủng hộ gia đình bà Tùng, ông chưa kịp đưa đến kịp thì bà Tùng đến lấy(?).

Không nộp các khoản tự nguyện thì đề nghị xã ngừng mọi giao dịch

Tìm hiểu thêm về việc thu chi tại thôn Xuân Khánh chúng tôi còn phát hiện ra nhiều điều bất thường, có biểu hiện thiếu dân chủ và vi phạm pháp luật của vị trưởng thôn này trong một thời gian dài. Điều đáng nói, lãnh đạo xã biết sự việc nhưng không hiểu sao vẫn để cán bộ thôn làm càn.

Ông Trịnh Văn Hùng, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Xuân Khánh (ngoài cùng bên phải) lý giải về nhiều khoản thu vô lý có tính áp đặt, thiếu tính dân chủ. Ảnh: VD.

Ông Trịnh Văn Hùng, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Xuân Khánh (ngoài cùng bên phải) lý giải về nhiều khoản thu vô lý có tính áp đặt, thiếu tính dân chủ. Ảnh: VD.

Theo tìm hiểu của NNVN, năm 2021 thôn Xuân Khánh tổ chức thu 13 loại quỹ. Trong số này chỉ có 3 khoản thu theo pháp lệnh. Các khoản thu ngoài pháp lệnh bao gồm, quỹ văn hóa xã hội (100.000 đồng/cử tri/năm), quỹ trại hè (100.000 đồng/hộ/năm), quỹ phong trào thôn 80.000 đồng/hộ/năm, quỹ hỗ trợ nuôi đoàn thể (40.000 đồng/hộ/năm), quỹ khuyến học (20.000 đồng/hộ/năm) …

Nhân dân đều thấy các khoản đóng góp ngoài pháp lệnh vừa cao lại thiếu dân chủ trong cách lấy ý kiến góp ý và đã có nhiều người nêu lên tại các cuộc họp thôn. Tuy nhiên, thôn không tiếp thu và vẫn triển khai. Thôn thu thì người dân cũng phải nộp chứ không chấp hành cũng không xong.

Ngoài những khoản thu trên, đầu năm 2021, người dân thôn Xuân Khánh phải nộp 1,7 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà văn hóa. Dù người dân đều không đồng tình nhưng hầu hết phải nộp, chia làm 2 lần và sẽ hoàn thành vào năm 2022. Ông Hùng cũng là người trực tiếp thu tiền và cầm khoản thu này mà không có thủ quỹ và không mở tài khoản để gửi tiền.

Mặc dù đa phần người dân đều bức xúc vì những khoản thu lớn và không minh bạch về chi tiêu nhưng ông Lữ Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Bãi Trành cho rằng, các khoản thu ngoài pháp lệnh đều được thống nhất trong chi ủy, chi bộ, thôn trước khi triển khai, đảm bảo quy chế dân chủ cơ sở, thể hiện trong các biên bản họp và các thôn đều thu như thế.

“Đây là chủ trương có từ cấp ủy, chính quyền địa phương. Thôn tự làm. Nó phải có kế hoạch. Xã sẽ hỗ trợ mỗi thôn 100 triệu đồng/thôn để xây dựng nhà văn hóa và số tiền này lấy từ tiền đóng góp của người dân, các thôn thu để hỗ trợ lẫn nhau” – ông Dũng lý giải.

Hồ sơ ông Trịnh Văn Hùng cung cấp cho thấy, rất nhiều ý kiến trong các cuộc họp thôn phản đối vì cho rằng các khoản thu ngoài pháp lệnh quá cao, không phù hợp với thu nhập của người dân thôn Xuân Khánh hiện nay. Tuy nhiên, tại phần kết luận của các cuộc họp thôn, trưởng thôn Xuân Khánh Trịnh Văn Hùng vẫn cố tình lái sự việc “đi đến thống nhất”. Các ý kiến của người dân gần như không được đếm xỉa đến.

Thôn Xuân Khánh đề nghị UBND xã Bãi Trành không giao dịch với những hộ không nộp các khoản đóng góp, kể cả những khoản tự nguyện. Ảnh: VD.

Thôn Xuân Khánh đề nghị UBND xã Bãi Trành không giao dịch với những hộ không nộp các khoản đóng góp, kể cả những khoản tự nguyện. Ảnh: VD.

Cũng theo ông Hùng, cả thôn có 206 hộ nhưng thường hàng năm chỉ thu được khoảng 172 hộ. Vì điều này, trong Hội nghị nhân dân thôn Xuân Khánh diễn ra vào ngày 1/2/2021, ông Trịnh Văn Hùng đã kết luận: “Nếu hộ nào không đóng thì cần đề nghị trưởng thôn và UBND xã không giao dịch”.

Điều đáng nói, dự và chỉ đạo hội nghị này có ông Dương Hữu Thanh, Phó Chủ tịch UBND và đại diện tổ công tác xã Bãi Trành. Tuy nhiên, trước sự việc có dấu hiệu thiếu dân chủ cơ sở, thậm chí vi phạm pháp luật nêu trên, các cán bộ xã dự họp đều không có điều chỉnh, nêu ý kiến để điều chỉnh.

Dư luận tại Bãi Trành rất bức xúc về cách thu, chi tài chính độc đoán, thiếu dân chủ tại thôn Xuân Khánh. Người dân ở đây đã nhiều lần đề nghị ông Hùng công khai, minh bạch các khoản đóng góp nhưng ông Hùng không cho người dân được thỏa nguyện. Theo danh sách các khoản chi ông Hùng cung cấp thì hầu hết các khoản thu trong năm đều được chi hết, thậm chí còn “âm”. Bản thân ông Hùng là Bí thư, kiêm trưởng thôn Xuân Khánh cũng đồng thời là thủ quỹ thôn. Vì đâu mà ông Hùng lộng hành nhiều năm qua nhưng chính quyền xã Bãi Trành vẫn không có biện pháp xử lý?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.