| Hotline: 0983.970.780

Cần khẩn trương lên kế hoạch hành động tái hoang dã tại Việt Nam

Thứ Ba 21/03/2023 , 14:18 (GMT+7)

Tái hoang dã là phương pháp quan trọng để phục hồi và bảo vệ đa dạng sinh học tại Việt Nam, nâng cao chức năng hệ sinh thái, thúc đẩy phát triển bền vững.

Chuỗi hội thảo về bảo tồn loài được tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: USAID.

Chuỗi hội thảo về bảo tồn loài được tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: USAID.

Nhằm tạo tiền đề xây dựng kế hoạch bảo tồn các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, giai đoạn 2023-2035, chuỗi hội thảo về bảo tồn loài được tổ chức, từ ngày 13 đến ngày 17/3/2023 tại Hà Nội, với sự tham gia của các chuyên gia bảo tồn loài trong và quốc tế, cán bộ kỹ thuật và quản lý các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Hội thảo được tổ chức bởi Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học - Dự án Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn Đa dạng Sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Hội thảo được dẫn dắt về chuyên môn bởi các chuyên gia bảo tồn của Tổ chức Re:wild và Nhóm Chuyên gia Chuyển dời Bảo tồn thuộc Ủy ban Bảo tồn Loài (SSC) – Tổ chức IUCN.

Chuỗi hội thảo tập trung vào 3 chuyên đề: "Xây dựng kế hoạch bảo tồn loài", "Khái niệm thực hành tái thả, chuyển dời, tái hoang dã" và "Xây dựng kế hoạch tái thả loài".

Đa dạng sinh học tại Việt Nam đang suy giảm

Tái hoang dã (rewilding) là một cách tiếp cận bao gồm các hoạt động: khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên, đưa các loài bản địa trở lại sinh cảnh sống và bảo vệ các chu trình sinh thái học. Tái hoang dã có thể giúp khôi phục đa dạng sinh học, cải thiện các chức năng và nhiệm vụ của hệ sinh thái, đồng thời tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái trước các tác nhân gây áp lực lên môi trường và biến đổi khí hậu.

Việt Nam là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới, với số lượng lớn các loài động, thực vật đặc hữu. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã trải qua quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh chóng, khiến môi trường sống tự nhiên bị huỷ hoại, tài nguyên bị khai thác quá mức và đa dạng sinh học bị suy giảm.

Mất môi trường sống: Sinh cảnh bị mất, suy thoái và phân mảnh là những mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học Việt Nam. Nhiều diện tích rừng, vùng đất ngập nước và các hệ sinh thái khác đã bị phá hủy hoặc suy thoái do mở rộng đất canh tác nông nghiệp, khai thác gỗ, khai thác mỏ và đô thị hóa; cũng như sự mất mát của các quần thể động vật hoang dã giúp duy trì các chức năng của rừng. Việc tái hoang dã có thể giúp khôi phục và kết nối lại các sinh cảnh bị phân mảnh, tạo ra các hệ sinh thái lớn hơn và đa dạng hơn, có thể hỗ trợ nhiều loài hơn.

Suy giảm quần thể các loài hoang dã: Nhiều loài tại Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống, nạn săn bắt và các hoạt động khác của con người. Hoạt động săn bắt động vật hoang dã trong nhiều thập kỷ qua tại Việt Nam đã gây ra hiện tượng “rừng rỗng” (empty forest), rất ít khu rừng có thể phục hồi tự nhiên, kể cả khi các mối đe dọa giảm đi đáng kể.

Tái hoang dã, thông qua việc tái thả các loài động vật hoang dã bản địa vào môi trường sống ban đầu của chúng, là một trong những cách tiếp cận giúp khôi phục các loài động vật hoang dã tại Việt Nam trong ngắn và trung hạn. Nhiều loài động vật hoang dã có chức năng quan trọng đối với rừng, ví dụ như sự phân tán hạt giống. Suy giảm quần thể các loài động vật hoang dã là một yếu tố chính dẫn đến suy thoái rừng.

Biến đổi khí hậu: Việt Nam là một quốc gia dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu, bao gồm mực nước biển tăng, tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan tăng và thay đổi về nhiệt độ và mô hình mưa. Tái hoang dã có thể giúp tăng khả năng thích ứng của các hệ sinh thái đối với những tác động này, bằng cách khôi phục các chu trình sinh thái tự nhiên như giữ các-bon, tuần hoàn nước và hình thành đất.

Ông Nick Cox, Giám Đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học do USAID tài trợ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: USAID.

Ông Nick Cox, Giám Đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học do USAID tài trợ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: USAID.

Biện pháp quan trọng

Nhìn chung, tái hoang dã là một phương pháp quan trọng để phục hồi và bảo vệ đa dạng sinh học tại Việt Nam, nâng cao chức năng và dịch vụ của hệ sinh thái, và thúc đẩy phát triển bền vững.

"Chúng tôi tin rằng tái hoang dã là chiến lược khả thi duy nhất để khôi phục các quần thể động vật hoang dã nên có ở Việt Nam. Nếu chúng ta đã giới thiệu khái niệm tái hoang dã cách đây 20 hoặc 25 năm, có lẽ chúng ta đã có thể cứu Sao la khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Chúng tôi kêu gọi các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam hợp tác cùng chúng tôi để khôi phục các loài vẫn còn có khả năng hồi phục, thông qua việc tái hoang dã", ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học do USAID tài trợ phát biểu.

Tiến sĩ Barney Long, Giám đốc cấp cao Chiến lược Bảo tồn của Tổ chức Re:wild, cho biết: “Khôi phục hệ sinh thái tự nhiên sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi hoạt động của con người là rất quan trọng để tăng cường hiệu quả của các nỗ lực bảo tồn loài. Quá trình này bao gồm việc phục hồi các chu trình tự nhiên và chuỗi thức ăn toàn bộ (hoặc gần như toàn bộ) ở tất cả các bậc dinh dưỡng.

Điều này tạo ra một hệ sinh thái tự duy trì và bền vững cao, tạo sinh cảnh không chỉ cho một mà nhiều loài khác. Việc phát triển một Chiến lược Bảo tồn Loài sẽ cung cấp khung và hướng dẫn cho các hành động bảo tồn hiệu quả, bao gồm sự tham gia của tất cả các bên chịu trách nhiệm về các loài.

Tạo ra nơi trú ẩn an toàn cho các loài trong các Vườn Quốc gia/Khu Bảo tồn là bước đầu tiên quan trọng, nhưng việc thành lập các cơ sở nuôi giống bảo tồn cho các loài gần tuyệt chủng ở Việt Nam là bước đi quan trọng cần bắt đầu ngay bây giờ để ngăn ngừa khả năng tuyệt chủng tiềm tàng, đồng thời cung cấp tiềm năng tái giới thiệu các loài vào các Vườn Quốc gia của Việt Nam trong tương lai để phục hồi hệ sinh thái hoạt động hiệu quả.”

"Tái hoang dã đã được áp dụng trên toàn thế giới và có rất nhiều bài học thành công mà Việt Nam có thể học hỏi. Nếu có một điều chúng ta đã học được thì đó là: hành động sớm, dựa trên thông tin tốt nhất có sẵn và hợp tác là chìa khóa thành công”, Tiến sĩ Axel Moehrenschlager, Chủ tịch của Nhóm Chuyên gia Chuyển dời Bảo tồn thuộc Ủy ban Bảo tồn Loài (SSC) – Tổ chức IUCN phát biểu.

Tiến sỹ Vũ Thành Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Rừng đặc dụng, phòng hộ - Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: “Việc xây dựng, ban hành một Kế hoạch hành động về “Bảo tồn các loài động vật nguy cấp, quý hiếm, đe dọa tuyệt chủng” là rất cần thiết trong thời gian tới. Kế hoạch này sẽ giúp định hướng, điều phối các nỗ lực bảo tồn, huy động các nguồn lực theo cách tiếp cận thống nhất và đồng bộ. Hành động ưu tiên là xây dựng các kịch bản cho các loài có số lượng thấp, quần thể đơn độc hoặc các loài cực kỳ nguy cấp, đồng thời xem xét tích cực di dời, tái thả và nhân giống các loài ưu tiên".

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.