| Hotline: 0983.970.780

Cần những hành động cụ thể

Thứ Ba 10/12/2013 , 10:26 (GMT+7)

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển Nông nghiệp Đồng Tháp Mười khi trao đổi với Báo NNVN xung quanh vấn đề người nông dân ĐBSCL mãi nghèo trên vựa lúa.

Trao đổi với Báo NNVN xung quanh vấn đề người nông dân ĐBSCL mãi nghèo trên vựa lúa, ông Nguyễn Viết Cường (ảnh), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển Nông nghiệp Đồng Tháp Mười, đã bày tỏ quan điểm: “Phải tăng cường quản lý, kiểm soát, bảo hộ sản phẩm, tìm thị trường để ổn định đầu ra cho nông dân. Bên cạnh đó, trồng giống lúa chất lượng cao nào, ở vùng nào thì phù hợp...”.

Theo ông, vì sao người nông dân không mặn mà với giống lúa chất lượng cao?

Trong các giống lúa chất lượng cao, trừ 1 số ít giống có tiềm năng, còn lại đều không dễ làm, canh tác đòi kỹ thuật cao hơn, chi phí đầu tư nhiều hơn, nhiều công chăm sóc hơn. Trên một số vùng khó khăn thì giống lúa chất lượng cao chưa hẳn đã phù hợp, nên có thể không đạt kết quả như mong muốn.

Cho nên, giả sử có trồng loại lúa này mà giá có cao hơn 5 trăm ngàn so với loại lúa chất lượng thấp, thì cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Trên thực tế, giá giữa 2 loại chất lượng cao và thấp chênh lệch không nhiều, chỉ chừng 300-400 đồng/kg.

Chính vì thế, muốn trồng loại giống này đạt kết quả cao thì phải có vùng chuyên canh mới đạt năng suất và chất lượng như mong muốn. Chứ cứ đưa vào đại trà, đất nào cũng khuyến cáo bà con trồng giống chất lượng cao thì sẽ không có kết quả, đặc biệt những vùng đất khó như phèn nặng thì giống chất lượng thấp vẫn được bà con ưu tiên vì nó dễ trồng, thả xuống là có ăn, không phải phập phồng lo lắng, lại chi phí ít…

Hiện nay, ở ĐBSCL, tùy theo vùng, có những giống lúa được trồng nhiều và vẫn đan xen một số giống khác, thì được cho là vùng chuyên canh giống lúa ấy, trong thực tế, chưa bao giờ có một vùng diện tích 1.000 ha liền kề trồng chuyên canh duy nhất 1 giống lúa.

Một lý do nữa khiến bà con nhiều nơi không mặn mà với lúa chất lượng cao là vì đầu tư nhiều. Riêng phân bón thôi đã nhiều hơn 20% so với giống lúa chất lượng thấp. Trên diện tích 1 ha, để đạt năng suất 8 tấn, nếu trồng loại lúa giá trị thấp, nhưng dễ làm, chi phí đầu tư chỉ hết 20 triệu đồng, nhưng nếu làm giống lúa chất lượng cao, thì chi phí đầu tư hết khoảng 24 triệu đồng. Còn nếu chỉ bỏ chi phí đầu tư bằng với giống lúa chất lượng thấp thì năng suất sẽ không bằng.

Bên cạnh đó, một số loại lúa chất lượng cao, phải đến 105 ngày mới thu hoạch được, trong khi giống lúa chất lượng thấp chỉ dưới 90 ngày. Chính vì thế, đa số những vùng làm lúa 3 vụ không thể trồng được giống lúa chất lượng cao này, vì không đủ thời gian.

Nhiều năm qua vẫn tồn tại nghịch lý là người nông dân sống trên vựa lúa mà vẫn nghèo và có xu hướng ngày càng nghèo hơn. Theo ông, phải làm gì khắc phục tình trạng này?

Để bảo vệ được quyền lợi của bà con, theo tôi, phải ở tầm vĩ mô. Nhà nước phải có điều tra, đánh giá cụ thể về giá thành, hay nói cách khác là chi phí đầu tư cho SX của người nông dân, từ đó mới tính được lợi nhuận 30% cho nông dân.

Phải có những hành động cụ thể chứ không chỉ có lời nói không. Ví dụ như bảo hộ sản phẩm cho nông dân chẳng hạn. Hiện, Nhà nước chưa kiểm soát được thị trường, giá nông sản, chưa hạn chế được tình trạng thao túng giá của “cò”, thương lái.

Tình trạng một số DN về ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con, rồi sau đó “xù” là có. Tôi thấy chẳng khác cái chợ, nói mua rồi không mua, cũng chả sao. Như vậy, một phần là sự vô trách nhiệm của DN, phần nữa là vấn đề quản lý, kiểm soát của Nhà nước đối với các DN này.



Người nông dân hiện vẫn chịu nhiều thiệt thòi

Theo tôi, về khoa học thì đã có đủ bằng chứng cho thấy để tạo ra một giống lúa mới, chất lượng, năng suất lúa cao không có gì khó, ngay cả người nông dân họ cũng lai tạo được những giống lúa rất tốt, thế giới phải thừa nhận và khâm phục.

Như vậy, để người nông dân được hưởng đúng với công sức họ bỏ ra trên đồng ruộng, mấu chốt vấn đề ở đây có thể tóm gọn mấy chữ là: Nhà nước phải gấp rút vào cuộc, phải có biện pháp tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, cần có những nghiên cứu để quy hoạch vùng SX, làm sao để có sản phẩm đặc trưng phù hợp với vùng đó, mang tính bản địa, và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Hiện nay, thấy rõ nhất là Nhà nước mới chỉ hỗ trợ nông dân được cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, cơ chế, chính sách thì có vay vốn ngân hàng. Còn cái rất quan trọng là chuỗi SX thì người nông dân vẫn tự bơi.

Chính vì thế, họ gặp không ít khó khăn, tôi đơn cử như vấn đề bán lúa thôi, nông dân khó bán trực tiếp cho DN vì DN không liên kết nên có khi họ không biết DN ở đâu mà chở lúa đến. Còn khi mang đến rồi, có khi lại bị vặn vẹo lúa không sạch, độ khô không đúng, nhiều tạp chất… rồi hạ giá.

Từ đó, họ có tâm lý là thôi bán ngay tại ruộng cho tiện, rẻ hơn chút cũng được, đỡ mất công vận chuyển rồi bị gây khó dễ.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất