| Hotline: 0983.970.780

Cây xanh ở Singapore & triết lý của ông Lý Quang Diệu

Thứ Tư 31/03/2021 , 15:28 (GMT+7)

Trong hồi ký “Từ Thế giới thứ ba đến Thế giới thứ nhất”, ông Lý Quang Diệu chia sẻ: Sau khi độc lập, tôi quyết định phải cải thiện môi trường và cảnh quan Singapore.

Trồng cây và lập quốc

Và sau đó không lâu, vị Thủ tướng đầu tiên của Singapore đã khẳng định, phủ xanh thành phố là kế hoạch hiệu quả nhất mà ông từng phát động.

Ông Lý Quang Diệu luôn quan tâm và coi trọng việc trồng cây xanh cho đến những ngày cuối đời. Ảnh: Today

Ông Lý Quang Diệu luôn quan tâm và coi trọng việc trồng cây xanh cho đến những ngày cuối đời. Ảnh: Today

Ông Lý Quang Diệu nắm giữ vị trí lãnh đạo Singapore từ năm 1959 đến năm 1990, (cha đẻ của đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long) luôn tin rằng hình ảnh Singapore sẽ không lẫn vào các nước Thế giới thứ ba chỉ bằng cách đơn giản là “trồng thật nhiều cây xanh”.

Trước đó khi còn du học ở Anh, ông Lý đã rất quan tâm đến cách người Anh quy hoạch cây xanh trên các đường phố London và đích thân tìm hiểu về các vấn đề liên quan như đất đai, phân bón và khí hậu...

Khi trở về nắm trọng trách phát triển đất nước, ông luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của cây xanh trong đời sống nhằm giảm thiểu hệ quả tiêu cực của quá trình đô thị hóa. Và đến nay, sau khi vị cha đẻ của đảo quốc sư tử qua đời (năm 2015) người dân vẫn luôn nhắc nhớ đến ông với hàm ý “nếu không có ông Lý Quang Diệu thì sẽ không có một Singapore xanh như ngày nay”.

Ngay từ khi còn trẻ, ông Lý Quang Diệu đã là một người yêu thiên nhiên và khi bước vào sự nghiệp chính trị, ông muốn cây xanh trải khắp các con đường của hòn đảo, đồng thời chỉ thị các cơ quan liên quan trồng chúng ở bất cứ nơi nào có thể.

Có hai loại cây mà ông Lý cực kỳ ưa thích là Angsana và muồng tím (cây còng) vì chúng có thân cao và tán rộng- nay đều trở thành cây di sản của đảo quốc, đặc biệt là cây muồng tím lúc nào cũng giống như một chiếc ô to tỏa bóng mát.

Ông Wong Yew Kwan, 82 tuổi, cựu quan chức lâm nghiệp kể lại: “Ông ấy lúc nào cũng nhắc nhở ‘đừng bận tâm về màu sắc, điều đầu tiên là hãy làm xanh thành phố’. Bởi vì chúng tôi ở vùng nhiệt đới và tất nhiên rất nóng nên ông ấy muốn có bóng râm để làm mát môi trường. Đó luôn là ưu tiên hàng đầu của ông ấy”.

Hình ảnh cố Thủ tướng Lý Quang Diệu được người dân Singapore đặt trang trọng tại các công viên, vườn thực vật. Ảnh: Today

Hình ảnh cố Thủ tướng Lý Quang Diệu được người dân Singapore đặt trang trọng tại các công viên, vườn thực vật. Ảnh: Today

Tiến sĩ Leong Chee Chiew, một quan chức lâm nghiệp khác của Singapore cho rằng, tầm nhìn của ông Lý về đô thị giữa thiên nhiên là do ông luôn có niềm tin mãnh liệt để đưa đất nước vượt lên so với các nơi khác. “Điều đó khiến ông Lý lúc nào cũng thôi thúc các tiêu chuẩn cao để chứng tỏ rằng Singapore là Thế giới thứ nhất. Và trên thực tế là chúng tôi không chỉ phát triển thêm nhiều mảng xanh mà còn duy trì tốt nó”, ông Leong nói.

Ông Lý từng kể đã quan sát thấy từ khi đảo quốc còn là thuộc địa, cây xanh luôn được trồng nhiều hơn ở những khu vực nhà giàu và “cảm thấy không hài lòng về điều này”.

Ông Lý Quang Diệu từng khẳng định chiến dịch phủ xanh phải là phần thiết yếu trong quá trình xây dựng đất nước. Một thành phố xanh với khâu quản lý, quy hoạch hiệu quả sẽ gửi tín hiệu tích cực đến các nhà đầu tư. Hơn nữa, nó cũng truyền cảm hứng đến người dân Singapore, khiến họ tự hào rằng họ đang sống trong một “đô thị giữa thiên nhiên”.

Wong Chooi Sen, cựu Thư ký Nội các Singapore kể: Tầm nhìn và sự sâu sát đến từng chi tiết của ông Lý Quang Diệu khi hoạch định chính sách môi trường lúc nào cũng ám ảnh nhà lãnh đạo này tới mức, trong một lần bách bộ đi làm từ nhà riêng ở đường Oxley đến đường Istana, ông nhìn thấy một bức tường rào bị đổ thuộc khu quân sự và lập tức ông đã chỉ đạo cho trồng ngay cây xanh để lấp khoảng trống.

Bằng tình yêu thiên nhiên, ông Lý không những luôn yêu cầu mọi người trồng thêm cây xanh mà ông còn không muốn dùng hóa chất để bảo vệ cây xanh vì như vậy sẽ giết chết côn trùng khiến cho chim chóc mất đi nguồn thức ăn.

Trong những thập kỷ điều hành đất nước, ông Lý Quang Diệu luôn quyết liệt thực hiện giấc mơ xây dựng “thành phố vườn” ở Singapore. “Tôi cử người đi khắp nơi, đến các vùng xích đạo, nhiệt đới, cận nhiệt đới để tìm hiểu những giống cây mới. Ở bất cứ chỗ nào, nếu bạn dành ra chỗ để trồng cây, hoặc cây dây leo phát triển thì sự oi bức sẽ giảm…”, ông Lý Quang Diệu kể trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1998.

Chủ tịch Ủy ban quản lý công viên quốc gia Singapore Poon Hong Yuen cho biết, cây xanh đem lại những lợi ích không thể đong đếm và hiện nay, cây xanh đã phủ bóng cho gần một nửa diện tích đảo quốc khiến Singapore trở thành một trong những nơi có mật độ xanh cao nhất thế giới, thu hút nhiều du khách ghé thăm.

Chiến lược xanh của Singapore

Ngày 10/2/2021, chính phủ Singapore tiếp tục công bố Kế hoạch Xanh 2030 và chính thức phát động “phong trào toàn quốc” về trồng cây chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững giai đoạn mới.

Người dân đảo quốc sư tử dạo mát tại công viên thiên nhiên quốc gia Windsor. Ảnh: CNA

Người dân đảo quốc sư tử dạo mát tại công viên thiên nhiên quốc gia Windsor. Ảnh: CNA

Nhằm hiện thực hóa lộ trình này, chính phủ Singapore đã giao Bộ Giáo dục, Bộ Phát triển Quốc gia, Bộ Môi trường bền vững, Bộ Thương mại và Công nghiệp và Bộ Giao thông vận tải đồng tổ chức triển khai các mục tiêu xanh của đảo quốc trong 10 năm tới.

Trong một thông cáo báo chí, chính phủ đảo quốc sư tử cho biết sẽ tăng cường các cam kết theo Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc cũng như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nhằm sớm đạt được mục tiêu dài hạn không phát thải ròng "càng sớm càng tốt".

Phát biểu trên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Lý Hiển Long viết: “Cho dù Singapore có thể là một quốc gia nhỏ bé, thiếu tài nguyên thiên nhiên, nhưng chúng tôi vẫn thúc đẩy hướng tới mục tiêu bằng các giải pháp công nghệ và chính sách phát triển bền vững”.

"Chúng ta cần đảm bảo một đất nước Singapore vì thế hệ tương lai. Tất cả chúng ta phải cùng hành động và biến Singapore trở thành một hình mẫu xanh cho thế giới", ông Lý tuyên bố.

Còn Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt thì cho rằng, biến đổi khí hậu là một thách thức hiện hữu đối với Singapore, vì vậy đất nước "sẽ nỗ lực hết sức để giải quyết thách thức này".

"Tôi hy vọng Kế hoạch Xanh sẽ lan tỏa một phong trào quốc gia rộng lớn và mọi người cùng hành động nhằm đảm bảo một tương lai bền vững. Theo đó mỗi người dân Singapore đều đóng góp vai trò của mình, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ có thể xây dựng một ngôi nhà xanh hơn và sống động hơn trong tương lai”, ông Heng nói.

Trước đó, vào tháng 2 năm ngoái Bộ trưởng cấp cao Trương Chí Hiền- người đề xuất Kế hoạch Xanh cho biết, đảo quốc sư tử muốn cắt giảm một nửa lượng phát thải khí nhà kính vào giai đoạn đỉnh điểm từ năm 2030 đến năm 2050, và ra mục tiêu đưau mức phát thải về mo "càng sớm càng tốt trong nửa cuối của thế kỷ”.

Kể từ đó đến nay, hàng loạt các sáng kiến ​​mới bao gồm yêu cầu xe hơi phải chạy bằng năng lượng sạch hơn từ năm 2030 và giảm 30% lượng chất thải đưa đến bãi chôn lấp, song song với chiến dịch trồng thêm cây xanh.

Các bộ được phân công nhiệm vụ đều cam kết “tích cực tham gia” cùng với người dân và các đối tác khác để phát triển thêm các ý tưởng mới và thực hiện các sáng kiến ​​liên quan.

Theo kế hoạch chi tiết về mảng phát triển thêm nhiều không gian xanh hơn và các công viên kết nối. Cụ thể trước mắt sẽ mở thêm 1.000ha không gian xanh, trong đó 200ha là công viên là nơi giải trí, tập luyện thể thao và đi bộ thưởng ngoạn thiên nhiên cho người dân.

Cây muồng tím (còng) hiện được coi là cây di sản của Singapore vì chiếm nhiều ưu thế. Ảnh: NST 

Cây muồng tím (còng) hiện được coi là cây di sản của Singapore vì chiếm nhiều ưu thế. Ảnh: NST 

Chính phủ Singapore đề cao tính bền vững như là một “động lực mới” cho tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế. Điều này sẽ sớm triển khai bằng cách “xanh hóa” các quy trình sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng mới cho ngành công nghiệp, chẳng hạn như chuyển đổi Đảo Jurong thành một công viên năng lượng và hóa chất bền vững, đồng thời nâng cao hiệu quả của các ngành công nghiệp.

Các doanh nghiệp địa phương sẽ được hỗ trợ để áp dụng các giải pháp và tiêu chuẩn bền vững, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới.

Năm loài cây chủ lực được trồng phổ biến ở Singapore,dựa trên các nghiên cứu khoa học về điều kiện tự nhiên cũng như quy hoạch kiến trúc, bao gồm lim sét, lọng ô, muồng tím, angsana và xà cừ. Cây xanh ở Singapore được bảo vệ bằng những điều luật rất nghiêm khắc. Tùy theo mức độ vi phạm, đối tượng xâm hại cây xanh có thể bị phạt tiền, đòn roi hoặc phạt tù.

CNA/Straits Times

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm