Dự án nghiên cứu các dòng sâm
Việc triển khai dự án trồng dược liệu tại khu vực đèo Ô Quý Hồ đã vấp phải sự phản ứng của người dân Lai Châu. Sau đó, cơ quan chức năng cả 2 bên đã cùng ngồi lại để làm rõ nội dung này nhất là việc trồng sâm vào đúng khu vực chồng lấn địa giới giữa 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Mặc dù mỗi bên đều có lý lẽ riêng. Tuy nhiên, ngay sau đó, UBND tỉnh Lào Cai đã ra văn bản đề nghị Vườn Quốc gia Hoàng Liên tạm dừng dự án để thống nhất với tỉnh Lai Châu về địa giới hành chính.
Tại buổi làm việc giữa UBND huyện Tam Đường (Lai Châu) với Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai), ông Vũ Đức Quyền, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho rằng, toàn bộ diện tích đang thực hiện dự án "Xây dựng mô hình thí điểm trồng cây dược liệu dưới tán rừng khu vực đèo Ô Quý Hồ" thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên quản lý theo quyết định số 90/2002/QĐ-TTg ngày 12/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Sa Pa thành Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Mục đích của dự án này để nghiên cứu các dòng sâm, không làm ảnh hưởng đến mục đích quản lý, sử dụng rừng đặc dụng, không làm mất đi giá trị của rừng, không ảnh hưởng đến môi trường rừng; bảo tồn và khai thác có hiệu quả nguồn gen cây dược liệu bản địa quý của Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Do đó, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đề nghị cơ quan chuyên môn xác định lại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tam Đường chồng lấn vào diện tích được giao cho Vườn Quốc gia Hoàng Liên quản lý.
Ngoài ra, cơ quan này cũng đề nghị huyện Tam Đường và các bên tạo điều kiện thuận lợi cho dự án được tiếp tục triển khai. Vườn Quốc gia Hoàng Liên cam kết không làm mất đi giá trị của rừng, không làm ảnh hưởng đến dịch vụ môi trường rừng của hai bên...
Đề nghị di dời lán trại, cây giống khỏi khu vực chồng lấn
Trong khi đó, ông Phong Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho rằng, căn cứ vào các ý kiến của các cơ quan và chính quyền địa phương xã Sơn Bình thuộc huyện này, đề nghị Vườn Quốc gia Hoàng Liên tạm dừng thực hiện việc triển khai dự án trồng thí điểm cây dược liệu dưới tán rừng khu vực đèo Ô Quý Hồ để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Huyện này cũng đề nghị di dời lán trại, cây giống của dự án do Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã triển khai ra khỏi khu vực đang chưa thống nhất về địa giới hành chính. Đặc biệt là đề nghị Vườn Quốc gia Hoàng Liên cung cấp các văn bản về việc giao quyền sử dụng đất theo quyết định số 90/2002/QĐ-TTg ngày 12/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển khu bảo tồn Hoàng Liên Sa Pa thành Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Huyện Tam Đường cũng giao UBND xã Sơn Bình thường xuyên chỉ đạo cộng đồng nhân dân bản Tân Hợp thực hiện tuần tra bảo vệ rừng trên diện tích được giao khoán.
Ông Phạm Văn Định, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình (huyện Tam Đường, Lai Châu) xác nhận, đất trong khu vực thực hiện dự án đã được UBND huyện Phong Thổ cũ (nay là UBND huyện Tam Đường) giao cho ông Trần Đình Hà ở bản 46 xã Sơn Bình quản lý.
Theo bản đồ hiện trạng rừng của xã Sơn Bình năm 2022 thì khu vực đang thực hiện dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng, UBND xã đang giao khoán cho cộng đồng bản Tân Hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng ổn định từ năm 2012 đến nay.
Do vậy, xã này đề nghị khu vực đang thực hiện dự án tạm dừng khi chưa có sự thống nhất của tỉnh Lai Châu và Lào Cai, đề nghị các bên giữ nguyên hiện trạng không chặt phá cây rừng.
Đại diện cho người dân của tỉnh Lai Châu sinh sống gần khu vực rừng, ông Nguyễn Duy Lin, Trưởng bản Tân Hợp, xã Sơn Bình (huyện Tam Đường, Lai Châu) cho biết, "khu vực rừng trên được Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tam Đường và UBND xã Sơn Bình giao khoán cho cộng đồng dân cư bản chúng tôi thực hiện bảo vệ rừng và để chi trả dịch vụ môi trường rừng cho bà con. Vì vậy, kính mong các cấp tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho nhân dân bản; Bà con mong muốn Vườn Quốc gia Hoàng Liên thực hiện dự án thì thông báo lại cho cộng đồng Tân Hợp biết".
Theo Phòng Nội vụ huyện Tam Đường (Lai Châu), căn cứ vào bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp giữa tỉnh Lai Châu và tỉnh Lào Cai được lập từ năm 1994 theo Chỉ thị 364/CT đã được 2 tỉnh ký pháp lý và đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước nghiệm thu đưa vào quản lý sử dụng từ năm 1994 đến nay. Khu vực đang phát dọn thực bì dưới tán rừng để trồng cây dược liệu tại khu vực đỉnh đèo có diện tích 1.200m2 tại các lô 16b, 14, 14c, 141 khoảnh 1 tiểu khu 193B, xã Sơn Bình (huyện Tam Đường) đang là khu vực chồng lấn địa giới hành chính giữa 2 tỉnh.