| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch xã cậy quyền

Thứ Ba 07/04/2015 , 10:02 (GMT+7)

Người dân rất bức xúc vì những diện tích đất rẫy họ bỏ công khai hoang từ đầu thập niên 80 (thế kỷ 20) bỗng dưng bị ông Nguyễn Văn Sửu, khi ấy là Chủ tịch UBND xã Ân Tường thuộc huyện Hoài Ân (Bình Định) “phù phép” thâu tóm toàn bộ.

Nhiều năm liền, hàng chục hộ dân mất đất gửi đơn khiếu nại lên các ngành chức năng nhưng không được giải quyết. Mới đây, họ tiếp tục gửi đơn đến Báo NNVN...

Đất có chủ quyền vẫn bị chiếm đoạt

Mặc dù chuyện xảy ra đã hơn 20 năm, nhưng khi tìm gặp những hộ dân mất đất, tôi vẫn cảm nhận được nỗi uất ức ngùn ngụt toát ra từ những nông dân tay lấm chân bùn.

Nông dân Trần Văn Ngữa (1958) ở thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông (Hoài Ân-Bình Định), người đại diện cho 12 hộ dân bị mất đất, bức xúc: “Là người dân vùng đất núi, ruộng nương được cấp chẳng là bao, từ năm 1983 đến năm 1991, chúng tôi rủ nhau vào gò Trọc nằm trên địa bàn thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông khai hoang lấy đất trồng mì kiếm thêm lương thực nuôi sống gia đình.

Để có được miếng đất SX đâu có dễ, trong chiến tranh đây là vùng căn cứ địa cách mạng, bom đạn Mỹ rải đầy. Chúng tôi phải đánh đổi mạng sống từng ngày đào bới hết bom đạn mới dám canh tác. Vậy mà làm ăn chưa được bao lâu đã bị ông chủ tịch xã cậy quyền đoạt mất”.

Theo trình bày của 12 hộ dân mất đất, sau khi khai hoang được gần 5 ha đất ở gò Trọc (nay thuộc khoảnh 1, tiểu khu 139B) họ đã tiến hành trồng mì, trồng mít, làm ăn ổn định.

Vào năm 1992, ông Nguyễn Văn Sửu, khi ấy là Chủ tịch UBND xã Ân Tường (nay chia thành 2 xã Ân Tường Đông và Ân Tường Tây) đến nhà từng hộ dân có đất khai hoang ở gò Trọc thông báo là phải nhổ hết mì, giao đất lại để địa phương trồng rừng theo chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc thuộc Dự án 327.

Mặc dù đang rất cần đất SX, nhưng những hộ dân nói trên vẫn chấp hành. Thế nhưng thực tế không như vậy, sau khi được 12 chủ đất tại gò Trọc giao đất, vào ngày 16/4/1994, ông Sửu tiến hành làm đơn xin nhận 5 ha đất rừng tại gò Trọc để sản xuất kinh doanh lâm nghiệp.

Đầu tháng 8/1994, UBND huyện Hoài Ân ra quyết định giao diện tích đất nói trên cho ông Sửu sử dụng lâu dài. Vậy là số đất của 12 hộ dân đánh đổi cả mạng sống, vật lộn với từng quả bom, trái đạn để khai hoang bỗng dưng lọt vào tay ông Sửu mà không nhận lại được khoản hỗ trợ nào.

“Ông Sửu vừa được đất, vừa được tiền. Bởi khi thực hiện trồng rừng theo Dự án 327, ông Sửu còn được nhận nhiều khoản hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có công khai hoang đất.

Công sức khai hoang của chúng tôi trở thành…công cốc, mồ hôi nước mắt của chúng tôi hóa thành tiền để ông Sửu hưởng”, ông Liễu Xuân Ninh, 1 trong 12 hộ dân mất đất ở xã Ân Tường Đông, bức xúc nói.

Trường hợp mất đất của ông Huỳnh Văn Lợi (1955) cùng ở thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông (Hoài Ân-Bình Định) nghe còn uất ức hơn.

Bởi diện tích 750 m2 đất tại gò Me (giáp ranh với gò Trọc) mà gia đình ông Lợi khai hoang vào năm 1983 dù đã được UBND huyện Hoài Ân cấp quyết định giao đất, giao rừng cho ông Lợi vào tháng 9/1993 (QĐ số 421/QĐ-UB), nhưng vẫn bị ông Sửu ngang nhiên tước đoạt.

Ông Lợi cho biết, vào năm 2003, ông Sửu “ban lệnh” thu hồi diện tích 750 m2 đất tại gò Me do gia đình ông khai hoang để địa phương “trồng rừng dự án”. Cùng lúc với ông Lợi, còn có 3 hộ khác là Nguyễn Thị Cài, Nguyễn Thanh Định và Liễu Phước Tân cùng ở thôn Lộc Giang cũng lâm cảnh tương tự.

“Lúc ông Sửu đến thông báo với tôi về việc thu hồi đất, tôi có trình ra quyết định giao đất của UBND huyện Hoài Ân cấp, thế nhưng ông Sửu vẫn khăng khăng là bây giờ đất rừng không còn của riêng ai, mà tất cả phải phục vụ cho dự án.

Dù ông Sửu không đưa ra văn bản thu hồi đất, nhưng khi chủ tịch xã đã tuyên bố thì đố ai dám không tuân theo, thế là tôi mất đất một cách oan ức”, ông Lợi ấm ức nói.

Đơn xin đất “tự biên tự diễn”

Lục lại hồ sơ, chúng tôi hiểu vì sao ông Nguyễn Văn Sửu, nguyên Chủ tịch UBND xã Ân Tường (Hoài Ân-Bình Định) có cách “thâu tóm” 5 ha đất rẫy của 12 hộ dân ở 2 thôn Tân Thành và Lộc Giang, nay thuộc xã Ân Tường Đông dễ dàng đến vậy.

Sau khi dùng “chiêu” vận động 12 hộ dân giao lại đất rẫy để địa phương thực hiện trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo Dự án 327, ông Sửu tiến hành trồng cây bạch đàn để phủ kín gò Trọc.

Sau đó, vào ngày 16/3/1994, ông Sửu đứng đơn “xin nhận đất rừng để sản xuất-kinh doanh lâm nghiệp” gửi UBND huyện Hoài Ân. Trong đơn, ông Sửu đề nghị UBND huyện Hoài Ân giao cho gia đình ông 5 ha đất tại gò Trọc nằm trên địa bàn thôn Lộc Giang để ông trồng rừng.

“Đơn xin cấp đất để sử dụng vào mục đích lâm nghiệp phải được thường trực UBND xã xem xét, nếu thấy không có gì vướng mắc, mới chuyển cho chủ tịch hoặc phó chủ tịch xã ký xác nhận.
Trường hợp ông Nguyễn Văn Sửu, trong đơn xin đất ông Sửu vừa ký với tư cách người xin đất, vừa ký xác nhận với tư cách là Chủ tịch UBND xã là việc làm sai trái, đơn xin đất này là không hợp lệ”, ông Huỳnh Văn Việt, Phó Chánh Văn phòng UBND-Trưởng bộ phận tiếp dân huyện Hoài Ân, nguyên Phó phòng TN-MT huyện Hoài Ân, nói.

Dưới đơn, phía bên người làm đơn (chủ hộ), ông Sửu ký mỗi một cái tên “Sửu” với nét chữ chân phương, rất dân dã; còn bên xác nhận của chính quyền xã, cũng chính ông ký tên mình một cách hoa mỹ đúng cách một chủ tịch xã để “xác nhận” cho lá đơn xin đất của chính mình.

Năm tháng sau, vào ngày 8/8/1994, UBND huyện Hoài Ân cấp QĐ số 304/QĐ-UB chính thức giao cho ông Sửu 5 ha đất tại gò Trọc để SXKD lâm nghiệp với thời hạn 50 năm.

Điều đáng nói ở đây là trước khi ra quyết định cấp 5 ha đất ở gò Trọc cho ông Sửu, có lẽ các ngành chức năng của huyện Hoài Ân không đi thẩm tra nguồn gốc đất.

Nếu có, chắc chắn 12 hộ dân ở thôn Tân Thành và thôn Lộc Giang, những chủ đất đã ra sức khai hoang 5 ha đất ở gò Trọc sẽ không dễ dàng để diện tích đất rẫy nói trên lọt vào tay ông Sửu!

Nhiều năm nay, 12 hộ dân đệ đơn khiếu nại lên các ngành chức năng ở huyện Hoài Ân nhờ giải quyết. Thanh tra huyện Hoài Ân đã thành lập tổ công tác xác minh, thẩm tra nội dung đơn khiếu nại của 12 hộ dân mất đất.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Tánh, Phó Chánh thanh tra huyện Hoài Ân, việc tranh chấp đất của 12 hộ dân với ông Sửu không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính. Vì thế, tổ công tác đã làm việc với 12 hộ dân và hướng dẫn họ khởi kiện ra TAND huyện Hoài Ân để được giải quyết.

12 hộ dân mất đất đệ đơn khiếu nại đến Tòa án Nhân dân huyện Hoài Ân. Mãi đến 10 tháng sau tòa án mới thụ lý hồ sơ và tổ chức hòa giải. Tại buổi hòa giải, tòa án đề nghị 12 hộ dân nhận tiền hỗ trợ công khai hoang từ ông Sửu với mức 500.000đ/sào.

Tuy nhiên, với mức hỗ trợ này 12 hộ dân không đồng ý, tiếp tục làm đơn khiếu nại đòi lại đất.

Ngày 15/1/2015, UBND huyện Hoài Ân ban hành Quyết định số 27/QĐ-UBND không công nhận nội dung đơn khiếu nại của 12 hộ dân. Bởi diện tích đất tại Gò Trọc đã được UBND huyện Hoài Ân giao cho ông Sửu sử dụng lâu dài.

Không đồng tình với quyết định trên, 12 hộ dân mất đất đã tiếp tục khiếu nại đến UBND tỉnh Bình Định. Ngày 24/3/2015, Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Bình Định đã có buổi làm việc với 12 hộ dân khiếu nại và ghi nhận lời khai của họ về nguồn gốc đất đai và quá trình sử dụng 5 ha đất tại gò Trọc.

Trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiến hành thẩm tra, xác minh, giải quyết rốt ráo vụ việc.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất