| Hotline: 0983.970.780

Gỡ thẻ vàng IUU - Mệnh lệnh vì lợi ích quốc gia

Chưa quan tâm đến nơi đến chốn

Thứ Ba 28/03/2023 , 15:52 (GMT+7)

Dù các địa phương đã nhiều nỗ lực trong chống khai thác IUU, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng do chưa bám sát thực tế, cần khắc phục để gỡ thẻ vàng IUU.

Chưa đáp ứng được yêu cầu

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, sau 3 lần thanh tra, Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, đi đúng hướng trong công tác chống khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tồn tại những bất cập mà chúng ta cần sớm phải khắc phục. Do đó, cần phải nỗ lực, quyết tâm hành động trong những tháng tới đây với mức cao nhất để gỡ được thẻ vàng trong đợt thanh tra lần thứ 4.

Empty

Tàu cá ngày càng tăng cao về số lượng, trong khi nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Ảnh: V.Đ.T.

Theo Thứ trưởng, trong năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt đến 11 tỷ USD, đây là con số rất lớn. Vậy nhưng, việc đầu tư hạ tầng cho ngành chưa được quan tâm từ Trung ương đến địa phương. Sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương chưa đến nơi đến chốn; bộ máy con người, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thứ đến là việc quản lý đội tàu vẫn còn lỏng lẻo. Có 1 thời kỳ lực lượng tàu cá của Việt Nam tăng lên đến trên 90.000 chiếc, đến giờ này còn 86.686 chiếc; số tàu có chiều dài trên 15m chuyên đánh bắt xa bờ là trên 30.000 chiếc. Tàu cá ngày càng tăng cao về số lượng, trong khi điều tra sản lượng hải sản trên biển chỉ có 3,95 triệu tấn tại 1 thời điểm. Tuy nhiên, có nhiều loài 1 năm khai thác 3 đến 4 vụ thì sản lượng tăng rất nhiều; khai thác ở biển là 3,72 triệu tấn, nội đồng là 200.000 tấn. Như vậy, cường lực khai thác quá lớn, không đáp ứng được yêu cầu khai thác bền vững.

Phía EC khẳng định, chỉ gỡ “thẻ vàng” khi không có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Cho đến nay, tỷ lệ lắp đặt VMS của Việt Nam đã đạt trên 96% nhưng phải nói rằng, số lượng gần 4% còn lại là những tàu có nguy cơ cao, dẫn đến tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn. Quá trình thanh tra, kiểm tra xem xét kỹ lưỡng thì việc quản lý đội tàu và rà soát lại các hoạt động trên biển gắn VMS còn rất nhiều thiếu sót; số lượng tàu mất kết nối một cách chủ động còn tương đối nhiều.

“Việc nữa là thực thi pháp luật chưa nghiêm túc. Khi thanh tra vào kiểm tra, các tỉnh thường đưa ra những lý do hoàn toàn không chính đáng, không sát thực tiễn. Tới đây, khi EC tiếp tục vào kiểm tra lần thứ 4 thì chúng ta phải có những chuyển biến tích cực. Bộ NN-PTNT sẽ sát cánh cùng địa phương, các bộ ngành, cơ quan chức năng hành động quyết liệt. Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và đặc biệt là của Thủ tướng, lần này chúng ta phải nỗ lực với mức cao nhất để gỡ được thẻ vàng sau hơn 5 năm. Không thể không gỡ thẻ vàng để khẳng định vị thế của đất nước”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Về vấn nạn 1 số tàu cá của ngư dân Bình Định vẫn còn vi phạm IUU, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, giải thích: Nguyên nhân là do một số ngư dân vì lợi ích kinh tế cá nhân đã cố ý đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Nhiều chủ tàu không trực tiếp tham gia khai thác, mà thuê mướn thuyền trưởng điều khiển tàu và tự tổ chức đánh bắt.

“Vì muốn nhanh đạt sản lượng, thuyền trưởng cố tình xâm phạm vùng biển các nước khác để khai thác hải sản bất hợp pháp. Đặc biệt là tất cả chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đều làm thủ tục xuất bến tại các cảng cá ngoài tỉnh, tập trung ở miền Nam, nhiều năm liền không đưa tàu cá về địa phương nên ngành chức năng không thể tiếp cận để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định”, ông Phúc chia sẻ.

Chạy nước rút

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, lãnh đạo tỉnh này đã chỉ đạo Sở NN-PTNT cùng các Sở, ngành liên quan và các địa phương ven biển có tàu cá đánh bắt xa bờ tập trung vào những giải pháp thật cụ thể, nỗ lực tối đa để khắc phục những vướng mắc còn tồn đọng trong công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Empty

Quảng Ngãi thực hiện cơ chế phối hợp của các đơn vị với nhau như biên phòng, quản lý cảng cũng như chính quyền địa phương. Ảnh: L.K.

“Chúng tôi đồng thời chỉ đạo cho Sở NN-PTNT Bình Định thành lập các tổ kiểm tra đi về các địa phương, đặc biệt là các địa phương có nhiều tàu cá vi phạm như xã Cát Minh, thị trấn Cát Tiến của huyện Phù Cát để phối hợp, triển khai các bước tháo gỡ khó khăn trong việc ngăn chặn tàu cá đánh bắt vi phạm IUU. Tăng cường công tác tuyên truyền giúp ngư dân nhận biết được việc đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài vừa chuốc hại cho bản thân, gia đình, còn làm ảnh hưởng đến kinh tế và hình ảnh của đất nước”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, cho hay.

Còn ở Quảng Ngãi, với những giải pháp trọng tâm, trọng điểm và quyết liệt, thời gian qua, tỉnh này đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định. Tỉnh này đã hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, khung pháp lý theo tham vấn của EC, đặc biệt là xây dựng và triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017, xây dựng cơ sở dữ liệu tàu cá kết nối từ trung ương đến địa phương.

Theo nhận định của ngành chức năng Khánh Hòa, những kết quả đạt được trong công tác chống khai thác hải sản vi phạm IUU trên địa bàn trong thời gian qua là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ các sở ban ngành và địa phương.

Qua hoạt động tuyên truyền, cộng đồng ngư dân đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa công tác chống khai thác IUU, từ đó đã đồng hành cùng các cơ quan nhà nước thực hiện các giải pháp. Sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU như Chi cục Thủy sản, Ban quản lý, Bộ đội Biên phòng tỉnh. Quan trọng là nhờ sự quan tâm hỗ trợ hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Tổng cục Thủy sản; sự phối hợp của các cơ quan liên quan các tỉnh.

Empty

Quảng Ngãi có được thành công trong công tác chống khai thác vi pạm IUU là do tỉnh đã có sự thay đổi về chỉ đạo, điều chỉnh so với những năm trước. Ảnh: Lê Khánh.

Thời gian tới đây, Khánh Hòa thì tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật có liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác IUU. Đặc biệt là công tác xử lý các trường hợp vi phạm các hành vi khai thác IUU như vượt ranh giới vùng biển; ngắt, mất kết nối thiết bị VMS trên biển. Khánh Hòa kiên quyết xử lý với mức cao nhất đối với các tàu có hành vi vi phạm về chống khai thác IUU.

“Năm 2022, lực lượng thanh tra chuyên ngành thuỷ sản của Khánh Hòa đã thành lập 43 đoàn tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chống khai thác IUU trên các vùng biển trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã thực hiện 545 chuyến tuần tra và kiểm tra hành chính 774 phương tiện; tạm giữ 16 lồng cào sò, 4 súng điện; tịch thu 23 bộ kích điện; xử phạt 79 trường hợp với tổng số tiền 766 triệu. Hồ sơ xử lý tàu cá vi phạm được lưu trữ đầy đủ và thường xuyên cập nhật công khai trên website của Sở NN-PTNT Khánh Hòa và trên phần mềm xử phạt vi phạm hành chính của Tổng cục Thuỷ sản”, ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho hay. (còn nữa)

Theo ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi: "Những chuyển biến của tỉnh trong công tác chống khai thác IUU thời gian qua đã được Bộ NN-PTNT đánh giá cao. Để có được thành công này chính là do tỉnh đã có sự thay đổi về chỉ đạo, điều chính so với những năm trước. Quảng Ngãi đã đi vào trọng tâm, trọng điểm theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT là tập trung vào những địa phương thường có tàu cá vi phạm khai thác. Xác định những tàu cá có nguy cơ cao để tập trung theo dõi với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm làm tốt công tác tuyên truyền. Đặc biệt là cơ chế phối hợp của các đơn vị với nhau như biên phòng, quản lý cảng cũng như chính quyền địa phương”.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.