| Hotline: 0983.970.780

Chuyện lạ Cao Bằng: Chú rể 11 tuổi

Thứ Ba 23/06/2020 , 09:01 (GMT+7)

Lúc thầy cúng khấn vái trong một thủ tục kéo dài cả ngày để báo với tổ tiên hôm nay có dâu mới thì chú rể mải gắp thịt gà rồi nằm lăn ra ngủ…

Chuổng đang tắm cho con. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chuổng đang tắm cho con. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lấy vợ cả năm rồi, mày sang ngủ với nó đi

Chú rể Đặng Ton Chuổng khi ấy giờ đã làm bố và vẫn đang học lớp 8 ở xã Yên Sơn (Hà Quảng, Cao Bằng). Chuổng là con út trong một gia đình có ba chị em, một lấy chồng sát nhà, một lấy chồng cũng ngay tại bản.

Một hôm bố gọi cậu lại, nói như ra lệnh rằng: “Tao đang bị bệnh tim không làm được việc nên mày phải lấy vợ để có người làm”. Vậy là cậu đến lớp thông báo: “Cô ơi, em sắp lấy vợ”.

Nhà neo người, cậu không phải đi ở rể nên thủ tục khá tốn kém. Để lấy vợ cho Chuổng, bố mẹ cậu phải nộp 10 triệu tiền mặt, 6 con lợn tạ và 50 lít rượu. Lúc cưới năm 2017, Chuổng mới 11 tuổi (sinh năm 2006) còn vợ Đặng Mùi Kiều 16 tuổi (sinh năm 2001), người cùng bản Cốc Lùng, đã học hết lớp 5 rồi bỏ.

Khi thầy cúng còn lầm rầm đọc những câu khấn cổ của người Dao trong một thủ tục kéo dài cả ngày để báo với tổ tiên nhà ông Đặng Quầy Hin rằng hôm nay có con dâu mới thì chú rể mải lựa gắp thịt gà. Khi đã ăn đẫy hai bát cơm, ngồi một lát bên cô dâu rồi Chuổng lẩn vào giường nằm vì buồn ngủ díp cả mắt.

Gia đình nhỏ của Chuổng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gia đình nhỏ của Chuổng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lúc lấy vợ cháu đã biết thích chưa? Tôi hỏi. Chuổng hồn nhiên đáp: “Bình thường thôi, cháu chưa thích”. Tôi tin rằng cậu nói thật bởi lúc đó mới chỉ nặng hơn 31 - 32kg.

Còn Kiều thì cười rúc rích: “Xưa chúng cháu học cùng trường, cháu lớp 5 còn chồng lớp 3, gặp vẫn gọi nhau là chị em nhưng không thân nên chưa bao giờ cho cái kẹo, que kem nào…

Mẹ cháu bị bệnh, nhà có bốn chị em, đều là gái cả nên khi gia đình bảo lấy chồng thì cháu chấp nhận. Khi đã lấy nhau rồi, có một lần chồng đi chợ dưới thị trấn mua cho cháu 1 cái khăn 30.000 đồng”.

1 năm đầu cô dâu chú rể không hề ngủ chung mà vợ ngủ riêng một giường, chồng ngủ riêng một giường. Về sau, bố mẹ nhiều lần bảo rằng: “Mày có vợ rồi sang ngủ với vợ đi” nên Chuổng đành phải sang ngủ chung, dù lúc đó chưa hề dậy thì.

Ngủ chung nửa năm thì Chuổng bảo “ngủ” thực sự. Mấy tháng sau, vào tháng 11/2019, Kiều đẻ ra một đứa con gái, đặt tên là Đặng Mùi Khe.

Dù có con nhưng Chuổng vẫn chỉ nhỏ như một cậu bé và vẫn còn ham nghịch. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dù có con nhưng Chuổng vẫn chỉ nhỏ như một cậu bé và vẫn còn ham nghịch. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tuy học lực trung bình nhưng Chuổng vẫn đi học, thỉnh thoảng đi lấy ít cỏ bò còn vợ 5 giờ sáng đã phải dậy nấu cơm cho người, nấu cám cho lợn, lấy cỏ cho bò rồi lại lên nương trồng ngô với đứa con vẫn còn địu trên vai.

Mọi việc từ nấu cháo, cho con ăn đến rửa ráy, tắm táp cho nó hầu hết cũng phải đến tay vợ còn Chuổng thì bận rộn vào mạng với cái điện thoại thông minh mới mua giá 1,5 triệu đồng từ tiền dư của các khoản hỗ trợ khi đi học.

Những lúc rảnh rỗi, cậu bế con ra đường, gặp người lạ, vẫn được khen là hai anh em nom đến kháu. Phải đợi ít nhất 6 năm nữa Chuổng mới có thể ra xã để làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Màn ra mắt nhà vợ tương lai của anh chàng 13 tuổi

Dạo này giáo viên cả điểm trường Ngàm Vạng đều dồn sức để vận động Đặng Tòn Nhậy - học sinh lớp 5 (sinh năm 2007) đang xao lãng chuyện học hành vì chuẩn bị phải đi ở rể.

Từ trung tâm xã vào đến điểm trường này mất khoảng hơn 30 phút chạy xe, nửa chặng đầu đường tương đối tốt và rộng, nửa sau thì toàn đèo dốc quanh co, mặt đường thu nhỏ lại chỉ vừa một cái xe máy.

Lớp học chỉ có 2 học sinh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lớp học chỉ có 2 học sinh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tuy chỉ nặng 34kg nhưng vẻ ngoài của Nhậy khá nổi bật với mái tóc vàng hoe tự nhuộm bằng loại thuốc mua ở chợ giá 10.000 đồng. Gặp khách lạ là tôi, cậu tỏ ra khá ngượng ngùng.

Cô giáo phải động viên mãi cậu mới nhận là có chuyện bố mẹ đang định cho mình đi ở rể nhưng nhất định không chịu nhận mình đã về “ra mắt” nhà gái.   

Nhậy e thẹn khi nói về chuyện sẽ phải đi ở rể. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhậy e thẹn khi nói về chuyện sẽ phải đi ở rể. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lúc tôi đến, lớp 5 của Nhậy có đúng 2 em. Cô Triệu Thị Kiêm - giáo viên chủ nhiệm cho biết bình thường có 4 học sinh nhưng 1 xin nghỉ kiêng bố mất 15 ngày, 1 xin nghỉ để làm ruộng tận xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, không biết bao giờ đi học lại. Rất còi cọc nhưng nhiều em đã trở thành lao động phụ trong nhà, thường xuyên giúp bố mẹ vun ngô, lấy cỏ bò, rau lợn hay lấy củi nên phải nghỉ học.

Vợ tương lai của Nhậy tên là Phấy, người cùng bản, vẫn còn đang học lớp 8. Nếu lấy rể về ở cùng, nhà gái phải trả cho nhà trai 20 - 30 triệu coi như “mua đứt”. Nhà gái lúc đó chẳng khác nào sắm được một con nghé mới, bắt đầu vực, bắt làm quần quật, bắt không được ngủ cùng vợ trong 1 - 2 năm đầu.

Cô Triệu Thị Kiêm - giáo viên chủ nhiệm - đang hướng dẫn Nhậy ôn tập kiến thức cũ.

Từ điểm trường, Nhậy dẫn tôi ngược dốc về nhà, chừng 15 phút, mồ hôi ra đẫm lưng áo là vừa tới. Bản có 19 hộ, toàn dân tộc Dao, 100% thuộc diện hộ nghèo, người trình độ cao nhất mới học xong lớp 9.

Nhà Nhậy mới bị một cơn lốc thổi bay mất mái, cả gia đình phải chui rúc ở dưới bếp trong lúc đợi Nhà nước hỗ trợ đủ để lợp một mái nhà mới bằng fibro xi măng.

Thân hình bé nhỏ của Nhậy lọt thỏm trong giá đèo hàng của cái xe máy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thân hình bé nhỏ của Nhậy lọt thỏm trong giá đèo hàng của cái xe máy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi chỉ có hai người, tôi gặng hỏi thì Nhậy mới thú nhận đầu vụ, bố có chở cậu sang nhà vợ tương lai để ra mắt bằng màn đi trồng ngô hộ. Buổi đổi công hôm đó có hơn 20 người đến giúp, Phấy và Nhậy tuy làm cách nhau chỉ 4 - 5m nhưng cũng không nói với nhau một câu nào.

Bữa trưa, dù có thịt gà nhưng Nhậy chỉ dám ăn có 1 bát rồi lại tiếp tục làm cho đến hết chiều… Tôi ngó quanh nhà Nhậy, râu trên bắp ngô đã ngả sang màu nâu, sắp cho thu hoạch, tức màn ra mắt kia của cậu phải cỡ 3 tháng trước.

Thủ tục đổi sang họ nhà vợ, nhà chồng   

Yên Sơn có diện tích 30km2 nhưng dân số chỉ hơn 1.200 người với 71% gia đình thuộc hộ nghèo, tỷ lệ cao nhất nhì của huyện.

Nhiều bản vùng sâu ở đây đi lại rất khó khăn, lắm bà con ngay cả trung tâm xã còn ít xuống chứ không nói đến thị trấn huyện cũ (Thông Nông) và nay là huyện mới Hà Quảng xa lắc, xa lơ, muốn xin một con dấu có khi đi mất hơn 1 ngày trời.

Chị Hiếu - Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Yên Sơn bảo bởi thế mà mỗi lần xuống Ủy ban xã làm giấy chứng nhận hộ nghèo nhiều người đã lạc cả vào trường học.

Thổi kèn cuống bí, trò chơi của hai đứa trẻ người Dao. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thổi kèn cuống bí, trò chơi của hai đứa trẻ người Dao. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bù lại, học sinh ở đây được Nhà nước cấp cho mỗi tháng 15kg gạo, thường chỉ ăn hết 10kg còn 5kg, nhà nào không có xe máy, thầy, cô giáo phải chở về hộ.

Tiền hỗ trợ bán trú, hộ nghèo được khoảng 600.000 đồng/học sinh/tháng trong khi mỗi bữa ăn chỉ 15.000 đồng nên nhiều em tiết kiệm mỗi học kỳ đưa về cho bố mẹ 1 triệu. Thế mà vẫn có một số vẫn bỏ học bởi xa nhà, bởi bố mẹ bắt làm nương hay ép lấy vợ, lấy chồng.

Anh Triệu Văn Diển - Chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho biết ngoài nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở địa phương mình còn có tục khi ở rể hay về làm dâu sẽ phải đổi sang họ của nhà vợ hoặc nhà chồng.

“Tục này phổ biến ở người Dao, Mông với ý nghĩa anh hoặc chị về ăn hoa lợi từ ruộng đất nhà tôi, thờ tổ tiên của nhà tôi nên phải mang họ của nhà tôi.

Trước đây cán bộ xã do chưa hiểu biết nên khi dân ra xin làm thủ tục đổi họ cũng đồng ý nhưng giờ mới thấy nó phát sinh ra nhiều vấn đề như kết nạp Đảng, làm giấy khai sinh cho con, làm thủ tục hộ nghèo…

Bởi thế, khi tôi về làm Chủ tịch xã mấy tháng trước, lúc kiểm tra cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thấy có vài chục người con khác họ với bố đẻ nên mới đề nghị phải chỉnh sửa, trả về họ gốc. Còn chuyện đổi họ trong giấy tờ để cúng theo phong tục thì đành kệ họ thôi”, Chủ tịch Diển nói.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.