Đất của dân bỗng dưng thành tài sản đảm bảo cho doanh nghiệp tại ngân hàng?
Ngân hàng MSB, HDBank bị tố cho vay qua môi giới, lừa thế chấp sổ đỏ
Ngân hàng HD Bank, MSB không giải ngân đúng, đủ tiền cho khách hàng
Đất của dân bỗng dưng thành tài sản đảm bảo cho doanh nghiệp tại ngân hàng?
Tạm đình chỉ vì không tìm được nơi chấp hành án của phạm nhân?
Tiếp sự việc ngân hàng MSB và ngân hàng HD Bank đã cho vay qua trung gian có dấu hiệu lừa đảo, các đối tượng đã lợi dụng nhu cầu vay vốn cùng sự thiếu hiểu biết của những người nông dân để chiếm đoạt tiền giải ngân rồi đẩy khoản nợ hàng tỷ đồng cho các hộ dân tại 3 xã Đông Yên, Nghĩa Hương, Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội.
Thông tin tới Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Đỗ Thị Minh là một trong những bị hại đã gửi đơn tố cáo các ông bà Nguyễn Văn Thiết và Kiều Thị Quyên (trú tại thôn Thế Trụ, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội), ông Nguyễn Huy Hoàng (địa chỉ tại số 74 ngõ Thịnh Hào 1, Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội) và các cán bộ ngân hàng khác thuộc ngân hàng Hàng Hải (ngân hàng MSB) có liên quan.
Đến nay, Công an quận Cầu Giấy thông báo đã hết thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm nhưng vẫn không thể tìm được những người bị tố cáo để tiến hành điều tra xác minh. Đồng thời lấy lý do là chưa nhận được công văn trả lời của các đơn vị có liên quan dẫn đến việc phải tạm đình chỉ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, chờ đến khi có tình tiết mới sẽ phục hồi điều tra theo quy định.
Theo Thông báo số 762 gửi bà Minh, Công an quận Cầu Giấy cho biết, người ký các hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ là ông Lê Quý Hiển – nguyên giám đốc Chi nhánh, ngân hàng MSB hiện đang chấp hành án phạt tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng Công an quận Cầu Giấy vẫn không thể biết ông Hiển đang chấp hành án tại đâu?.
Ông Nguyễn Văn Minh – nguyên trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp ngân hàng MSB chi nhánh Cầu Giấy đã thôi làm việc tại ngân hàng MSB nhiều năm nay, ngân hàng MSB không cung cấp được thông tin cá nhân.
Do chưa làm việc được với những người liên quan nên chưa làm rõ được có dấu hiệu gian dối trong việc ký hợp đồng vay vốn giữa ông Đỗ Danh Nông, bà Nguyễn Thị Sản, công ty CP sản xuất và thương mại Anh Chi và ngân hàng MSB và ai là người nhận được khoản tiền vay do ngân hàng giải ngân, số tiền bà Quyên, ông Hoàng được hưởng lợi từ sự việc trên,...
Công an quận Cầu Giấy đã giải quyết nguồn tin tội phạm như thế nào?
Trong khi Công an quận Cầu Giấy vẫn "loay hoay" không thể tìm được nơi chấp hành án của ông Lê Quý Hiển để xác minh làm rõ dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ đó làm căn cứ để tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm. Một công ty Luật đã gửi văn bản đến Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng (Cục C10) đề nghị cung cấp thông tin nơi đối tượng này đang chấp hành án và đã được cung cấp tường tận thông tin, địa chỉ. Hồ sơ bạn đọc cung cấp đã khiến lý do của Công an quận Cầu Giấy trở nên vô cùng “khó hiểu”.
Cụ thể, theo Công văn số 6110/C10-P7 của Cục C10 gửi Công ty Luật TNHH MTV Phúc Quang với nội dung trả lời nơi chấp hành án của phạm nhân, ngày 15/12/2021.
Công văn nêu rõ, phạm nhân Lê Quý Hiển, năm sinh 1977; Nơi ĐKTT: Số 40, ngõ 108 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân, TP. Hà Nội; Bản án số 179/HSPT ngày 01/4/2019 của TAND cấp cao tại Hà Nội. Hiện đang chấp hành án tại trại giam Xuân Nguyên; địa chỉ: xã Lại Thủy, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng.
Có thể thấy rằng một công ty Luật bình thường cũng có thể làm Công văn gửi Cục C10 Bộ Công an để tìm nơi chấp hành án của phạm nhân. Trong khi đó, Công an quận Cầu Giấy lại không thể “tìm được nơi chấp hành án phạt tù của phạm nhân Lê Quý Hiển”.
Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, Công an quận Cầu Giấy đã làm hết trách nhiệm khi tiếp nhận nguồn tin tội phạm hay chưa? Mặt khác, đây không phải là một trường hợp duy nhất đứng ra tố cáo các đối tượng trên.
Đơn cử, một bị hại khác là ông Đỗ Danh Đạo cũng được các đối tương Thiết, Quyên và Điệp đưa đi vay tiền của ngân hàng HD Bank tại phòng Công chứng Hà Nội, có địa chỉ tại Trung Hòa, Cầu Giấy, TP. Hà Nội, người ký hồ sơ cũng là ông Lê Quý Hiển (lúc này đã sang làm giám đốc chi nhánh ngân hàng HD Bank) như đã nêu ở bài trước nhưng không nhận được “một đồng” giải ngân nào trong khi “sổ đỏ” đã được thế chấp tại ngân hàng.
Trong suốt thời gian từ năm 2014, ông Đạo đã phải đi gõ cửa nhiều cơ quan trong đó có Công an quận Cầu Giấy nhưng rút cuộc cũng chỉ nhận được những tờ Thông báo chuyển đơn. Ông Đạo cũng đã nhiều lần được triệu tập làm việc nhưng đến nay sự việc vẫn chưa có kết quả cụ thể. Lần gần đây nhất, đầu tháng 5/2022, ông Đạo lại tiếp tục gửi đơn tố giác đến Công an quận Cầu Giấy nhưng lại tiếp tục nhận được thông báo chuyển đơn về Công an huyện Quốc Oai.
Lý do là sự việc đã được tiếp nhận từ năm 2014, đã chuyển đơn tố giác đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội (PC03) và đơn tố giác lần này, ông Đạo không cung cấp được thông tin gì mới nên đã chuyển đơn đến Công an huyện Quốc Oai.
Những người tố cáo đều là khách hàng của ngân hàng HD Bank và ngân hàng MSB đang mong muốn một sự minh bạch về thông tin. Đặc biệt, một số thông tin, hồ sơ bạn đọc cung cấp có dấu hiệu làm giả chữ ký, tài liệu. Khách hàng đã không thể yêu cầu ngân hàng cung cấp những hồ sơ, chứng từ tài liệu này nên mới phải nhờ đến cơ quan Công an vào cuộc điều tra, xác minh buộc ngân hàng phải trả lại chứng từ tài liệu gốc. Nhưng nay đến cơ quan Công an cũng không làm thì những người dân "thấp cổ bé họng" biết làm thế nào?
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật hiện hành, việc không tìm được nơi chấp hành án phạt tù của ông Lê Quý Hiển cũng như không tìm được nơi cư trú của những người có liên quan không thuộc các trường hợp tạm đình chỉ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Mặt khác, hệ quả của việc “tạm đình chỉ việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm” lại khó có thể xác định được thời hạn. Vì, theo Điều 149 (bộ luật tố tụng hình sự 2015) việc phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được thực hiện khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn. Vậy sự việc có thể lại tiếp tục bị "ngâm" đến khi nào tìm hết được những người có liên quan và nếu có tìm được thì lại còn phải chờ vào sự hợp tác của những người này.
Điều 148. Tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Hết thời hạn quy định tại Điều 147 của Bộ luật này, cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả;
b) Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.