| Hotline: 0983.970.780

Cò tín dụng náo loạn vùng quê:

Đất của dân bỗng dưng thành tài sản đảm bảo cho doanh nghiệp tại ngân hàng?

Thứ Tư 15/06/2022 , 08:20 (GMT+7)

Không có quan hệ với doanh nghiệp vay vốn nhưng người dân bỗng trở thành người bảo lãnh cho các khoản vay của doanh nghiệp tại các ngân hàng MSB, HD Bank...

Quyền sử dụng đất bỗng dưng trở thành tài sản đảm bảo của doanh nghiệp

Đại diện người dân cung cấp thông tin, trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. 

Đại diện người dân cung cấp thông tin, trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. 

Trong những tài liệu phóng viên thu thập được, xuất hiện các Hợp đồng vay tiền của một số công ty mà tài sản đảm bảo để bảo lãnh các khoản vay này là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ  dân ở Quốc Oai. Vấn để ở đây là, người đứng tên chủ sử dụng đất hoàn toàn không biết các công ty này ở đâu cũng như không có mối liên hệ gì đối với người đại diện theo pháp luật hay cán bộ công nhân viên của các công ty này.

Điển hình cho vụ lừa thế chấp sổ đỏ vay vốn mà không nhận được tiền là trường hợp gia đình ông Đỗ Danh Đạo trú tại thôn Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp và ông Nguyễn Danh Bình trú tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. Cả hai đều thông qua ông Thiết ( nhân vật cò môi giới tín dụng) để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để rồi bỗng dưng trở thành người bảo lãnh đối với khoản vay của một công ty khác. 

Ông Đỗ Danh Đạo tại nhà ở xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội. 

Ông Đỗ Danh Đạo tại nhà ở xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội. 

Hai trường hợp này được ông Nguyễn Văn Thiết đưa đến nhà người phụ nữ tên Nguyễn Minh Điệp có địa chỉ tại 507 đường Hồng Hà, Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội để nhờ hướng dẫn vay tiền ngân hàng. Sau đó, bà Điệp đồng ý và hẹn ra phòng công chứng A38 Hoàng Ngân để làm thủ tục ký hợp đồng tín dụng vay tiền ngân hàng và yêu cầu cầm theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Anh Đạo cho biết: “năm 2011, tôi cần một số vốn khoảng 500 triệu đồng để mở xưởng sản xuất đồ gỗ nhưng việc tiếp cận vốn của ngân hàng như thế nào chúng tôi cũng không biết cách. Tôi thấy đồn anh Thiết có quen với cán bộ ngân hàng nên cũng đến để nhờ vả. Anh Thiết đồng ý và dẫn ra nhà bà Điệp ở chân cầu Chương Dương để tư vấn. Bà Điệp hướng dẫn tôi làm ủy quyền để thế chấp bất động sản đứng tên bố mẹ tôi. Đến ngày 20/7/2011, anh Thiết gọi bảo tôi đưa bố mẹ tôi là ông Đỗ Danh Nụ và bà Nguyễn Thị Hoa ra văn phòng công chứng tại số A38 Hoàng Ngân, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội để làm thủ tục.”

Hợp đồng tín dụng ngắn hạn của ngân hàng HD Bank đề Bên vay là gia đình ông Đạo. 

Hợp đồng tín dụng ngắn hạn của ngân hàng HD Bank đề Bên vay là gia đình ông Đạo. 

Ông Đạo cũng cho biết thêm, “bà Điệp đưa cho tôi hợp đồng rồi lật trang có đề số tiền vay là 500 triệu đồng xong giục tôi và bố mẹ tôi ký. Xong chúng tôi được yêu cầu ra về và không đưa cho tôi bất cứ hồ sơ giấy tờ gì cả, chỉ bảo cứ về đi một tuần sau sẽ có tiền”.

Người nhận tiền lại là Công ty TNHH Thương Mại Thiên Thủy Tiên. 

Người nhận tiền lại là Công ty TNHH Thương Mại Thiên Thủy Tiên. 

Tuy nhiên, sau khoảng hơn một tuần không thấy bất cứ thông tin gì về việc nhận tiền giải ngân. Anh Đạo liên hệ cho ông Thiết nhiều lần thì được đưa đi “lòng vòng” nhiều nơi tại Hà Nội nhưng xong cũng không có bất cứ thông tin gì về khoản vay này. “Tôi cũng liên hệ với chị Điệp nhưng chị ấy không nghe máy về sau tôi đòi anh Thiết thì anh ấy cũng trả lời qua loa theo kiểu mặc kệ”, ông Đạo kể.

Đến ngày 12/05/2014, nhân viên ngân hàng HD Bank đã đến nhà bố mẹ ông Đạo cùng tờ thông báo về thực hiện nghĩa vụ trả nợ vì khoản vay của gia đình anh đã quá hạn của ngân hàng HD Bank. Với số tiền vay gốc là 2 tỷ đồng chưa kể tiền lãi và phạt lãi suất quá hạn. Lúc đó gia đình ông vô cùng bất ngờ, “từ ngày ký hợp đồng đến tận bây giờ tôi có thấy tiền đâu mà bây giờ bắt chúng tôi trả nợ”, anh Đạo bức xúc.

Ông Đạo đã phải đến “cầu cạnh”, nhờ vả  ông Thiết để tìm hiểu thông tin về khoản vay. Sau đó, ông Thiết đưa cho anh bản Hợp đồng thế chấp, Hợp đồng tín dụng ngắn hạn và Khế ước nhận nợ với số tiền gốc lên tới 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kỳ lạ thay, trong hồ sơ này, dù bên vay là ông Nụ và bà Hoa (bố mẹ ông Đạo) nhưng Phương thức giải ngân, người nhận tiền lại là Công ty TNHH Thương mại Thiên Thủy Tiên, số tài khoản 024704070001204 mở tại HD Bank Hai Bà Trưng.

Ông Đạo cũng cho biết, bản thân ông và gia đình không có bất kỳ liên quan nào đến Công ty Thiên Thủy Tiên này. “Tất cả mọi việc về vay tiền tôi chỉ biết qua ông Thiết, bà Điệp chứ có biết Công ty Thiên Thủy Tiên là ai đâu”, ông Đạo trình bày. Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty này đã dừng hoạt động từ ngày 31/10/2011.

Ký bổ sung Hợp đồng mua bán để dễ giải ngân ?

Tương tự, ông Nguyễn Danh Bình là cậu của ông Thiết, khoảng đầu năm 2011, do nhu cầu mở cửa hàng kinh doanh với mong muốn được vay 500 – 700 triệu đồng. Ông Bình cũng được ông Thiết đưa ra gặp bà Điệp tại phòng công chứng A38 Hoàng Ngân vào ngày 22/7/2011 để ký hợp đồng thế chấp vay tiền của ngân hàng HD Bank. Tại đây ông cũng chỉ được xem phần đầu của Hợp đồng với số tiền vay 500 triệu đồng và thúc giục ký tên vào chỗ bà Điệp và anh Tiệp (nhân viên ngân hàng HD Bank) chỉ.

Bà Phùng Thị Hải (vợ ông Bình) bên căn nhà lụp xụp đang được thế chấp tại ngân hàng với khoản nợ lên đến gần 2,5 tỷ đồng tại ngân hàng HD Bank. 

Bà Phùng Thị Hải (vợ ông Bình) bên căn nhà lụp xụp đang được thế chấp tại ngân hàng với khoản nợ lên đến gần 2,5 tỷ đồng tại ngân hàng HD Bank. 

Sau đó, ông Bình cũng được yêu cầu ra về với lời “hứa hẹn” 1 tuần sau sẽ có tiền và không được cầm bất cứ hồ sơ giấy tờ thủ tục gì. Tuy nhiên, sau đó, ông Bình cũng không được nhận tiền. Ông liên hệ với ông Thiết thì cũng không được giải thích thỏa đáng và bà Điệp thì không nghe máy.

Sau đó, hơn 1 tuần, một người tên Hùng xưng là chồng bà Điệp đã tìm đến tận nhà ông Bình và đưa cho ông một Hợp đồng mua bán đề ngày 12/7/2011 của Công ty TNHH Thương mại Ngọc Lê Gia có địa chỉ tại số 78 đường nước Phần Lan ngõ 124 phố Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội.

Theo Hợp đồng này, ông Bình là Bên mua một loạt các sản phẩm thiết bị điện dân dụng với tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng. Khi ông Bình thắc mắc thì được người này cho biết phải ký những hồ sơ này thì mới được giải ngân. Bị dồn vào thế khó, sổ đỏ đã đưa cho bà Điệp và cán bộ ngân hàng, cùng nhu cầu vay vốn cấp thiết. Ông Bình đã đành “tặc lưỡi” ký vào Hợp đồng mua bán mà đối tượng trên đưa cho dù không hề quen biết cũng như có mối liên hệ gì đối với các công ty này.

Thế nhưng sau khi ký xong, ông Bình cũng không hề được nhận tiền. “Đến cuối năm 2013, có 2 người xưng là cán bộ ngân hàng HD Bank đã về gia đình tôi cùng Thông báo đòi nợ với số tiền gốc là 1,5 tỷ đồng, cộng cả tiền lãi, phạt lãi suất quá hạn là gần 2,5 tỷ đồng, trong khi đó từ khi ký hợp đồng đến nay tôi chưa nhận được một đồng giải ngân nào từ ngân hàng”, ông Bình bức xúc.

Đáng chú ý, theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Thương Mại Ngọc Lê Gia đã dừng hoạt động từ ngày 07/10/2011.

Gian nan tìm công lý

Phiếu chuyển đơn của Cơ quan Công an về sự việc của anh Đạo từ năm 2014 đến nay.

Phiếu chuyển đơn của Cơ quan Công an về sự việc của anh Đạo từ năm 2014 đến nay.

Ngay sau khi nhận được thông báo từ phía ngân hàng HD Bank vào năm 2014, biết mình bị lừa, ông Đạo đã làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết. Trong suốt thời gian từ năm 2014 cho đến nay, nhiều lần anh Đạo đã được Cơ quan cảnh sát điều tra, Cơ quan an ninh điều tra triệu tập nhưng kết quả chỉ là những phiếu chuyển đơn và đến nay vẫn chưa xác định được thẩm quyền xử lý.

Phiếu chuyển đơn của Cơ quan Công An về sự việc của anh Đạo từ năm 2014 đến nay

Phiếu chuyển đơn của Cơ quan Công An về sự việc của anh Đạo từ năm 2014 đến nay

Tương tự, ông Đạo, năm 2014, ông Bình cũng đã nhiều lần làm đơn gửi cơ quan Công an nhưng cũng không nhận được phản hồi. Đến năm 2015, ông Bình mắc bệnh hiểm nghèo và phải chữa chạy trong nhiều năm. Qua được “cửa tử”, ông Bình phải đi làm thuê làm mướn, làm công nhân thời vụ tại Cụm công nghiệp Thạch Thất để kiếm từng đồng trả nợ cho khoản vay tiền chữa bệnh, giành giật lại sự sống. Sau khi biết nhiều người dân ở các xã lân cận cũng bị rơi vào tình cảnh như mình, ông Bình đã cùng với người dân các xã gửi đơn thư kêu cứu khắp nơi. Tiếp tục công cuộc đi tìm công lý đang dang dở của mình.

UBND huyện Quốc Oai chỉ đạo Công an huyện điều tra, xác minh về sự việc. 

UBND huyện Quốc Oai chỉ đạo Công an huyện điều tra, xác minh về sự việc. 

Mới đây, sau khi nhận được đơn thư tố cáo hành vi sai phạm của các cá nhân tổ chức liên quan đến vụ việc kể trên của nhiều người dân các xã Ngọc Liệp, Đông Yên, Cấn Hữu, Nghĩa Hương. Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai đã gửi Công văn yêu cầu Công an huyện triển khai thực hiện điều tra, xác minh theo thẩm quyền và báo cáo trước ngày 20/7/2022.

Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Ông Đạo và ông Bình trả lời phỏng vấn của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. 

Qua tìm hiểu, trong các hồ sơ vay của người dân cung cấp, người đại diện ký hợp đồng của ngân hàng MSB và HD Bank đều là ông Lê Quý Hiển. Trước đó, vào năm 2017, Lê Quý Hiển (SN 1977, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) – nguyên Giám đốc Chi nhánh HDBank Thăng Long và 14 đồng phạm bị truy tố về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm