| Hotline: 0983.970.780

Cò tín dụng náo loạn vùng quê

Ngân hàng HD Bank, MSB không giải ngân đúng, đủ tiền cho khách hàng

Thứ Năm 30/06/2022 , 09:31 (GMT+7)

Theo quy định của pháp luật, ngân hàng HD Bank và MSB có trách nhiệm giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng số lượng vào thời điểm, địa điểm đã thoả thuận.

Cần thực hiện đúng nghĩa vụ của người cho vay

Phóng viên báo NNVN đã có buổi trao đổi với Luật sư Bùi Đức Nhã, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội để làm rõ việc nhiều khách hàng của ngân hàng HD Bank và MSB tại huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội đi vay tiền ngân hàng thông qua " cò" môi giới trung gian và phải nhận nợ mà không được giải ngân.Trong đó, một số trường hợp, tài sản đảm bảo cho khoản vay của khách hàng lại trở thành người bảo lãnh cho các công ty mà họ chưa hề biết đến sự “tồn tại” của những công ty này.

ngân hàng HD Bank và MSB có trách nhiệm giải ngân đúng và đủ tiền cho khách hàng. Ảnh: ST

ngân hàng HD Bank và MSB có trách nhiệm giải ngân đúng và đủ tiền cho khách hàng. Ảnh: ST

Từ những nội dung tố cáo mà Báo Nông nghiệp Việt nam đã đăng tải, Luật sư Nhã cho biết: “chúng ta cần phải hiểu rõ hơn rằng việc thế chấp quyền sử dụng đất của người dân là nhằm mục đích để được vay tiền từ ngân hàng theo Hợp đồng tín dụng. Giao dịch chính giữa người dân và ngân hàng chính là một Hợp đồng vay tài sản, việc thế chấp quyền sử dụng đất là một biện pháp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của Hợp đồng vay tài sản đó.”

Vướng mắc pháp lý lớn nhất trong câu chuyện của các khách hàng của ngân hàng HD Bank và MSB tại Quốc Oai. Đó là: “Theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 và 2015, Bên cho vay (ngân hàng) phải có trách nhiệm “Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thoả thuận”.”

Như vậy, ngân hàng có trách nhiệm giải ngân đúng và đủ số tiền theo Hợp đồng tín dụng cho người dân. Nếu người dân không nhận được tiền hoặc nhận tiền không đầy đủ theo Hợp đồng tín dụng thì ngân hàng đã vi phạm nghĩa vụ của mình. Đây chính là vướng mắc về mặt pháp lý trong mối quan hệ giữa người dân và ngân hàng trong vụ việc này. Vướng mắc này sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý rất khác so với những Hợp đồng vay tài sản thông thường.

Cụ thể, theo quy định của pháp luật từ 01/06/2012 đến nay, việc giải ngân vốn cho vay của các tổ chức tín dụng phải thực hiện thông qua bốn cách là: giải ngân bằng cách thanh toán không dùng tiền mặt cho bên thụ hưởng (bên thứ 3 có quyền nhận tiền giải ngân theo Hợp đồng tín dụng), giải ngân bằng cách thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng (người dân), giải ngân bằng tiền mặt cho bên thụ hưởng, giải ngân bằng tiền mặt cho khách hàng.

Luật sư Nhã cho rằng: “Dựa trên thông tin Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đăng tải, chưa thấy xuất hiện các Bên thụ hưởng nào trong những giao dịch vay vốn giữa các hộ dân và ngân hàng và cũng như không có hộ dân nào được nhận tiền trực tiếp từ ngân hàng. Như vậy có cơ sở để cho rằng ngân hàng chưa giải ngân cho các hộ dân.”

Mặt khác, Hợp đồng vay tài sản là một Hợp đồng song vụ, nghĩa là cả Bên vay và Bên cho vay đều có nghĩa vụ với nhau. Như đã nêu ở trên, về nguyên tắc của Hợp đồng vay tài sản, Bên cho vay (ngân hàng) phải có trách nhiệm giải ngân đúng và đủ số tiền theo Hợp đồng tín dụng cho người dân. Khi ngân hàng đã giải ngân đúng và đủ theo Hợp đồng tín dụng thì người dân phải có nghĩa vụ trả nợ và trả lãi suất theo đúng quy định của Hợp đồng tín dụng và quy định của pháp luật.

Vì vậy, nếu ngân hàng chưa giải ngân đúng và đủ số tiền vay, người dân cũng sẽ không phát sinh nghĩa vụ trả tiền vay và trả lãi suất do chưa nhận được tiền hoặc chỉ phát sinh nghĩa vụ trả tiền và trả lãi suất tương ứng với số tiền vay đã nhận.

Hồ sơ các công ty là người nhận tiền có dấu hiệu bất thường

Trong một số hồ sơ vay vốn mà khách hàng của ngân hàng HD Bank và MSB cung cấp, có những hợp đồng được ký trực tiếp tại phòng công chứng, có chữ ký nháy của người vay vốn tại từng trang. Tuy nhiên, trong khế ước nhận nợ và Hợp đồng cấp tín dụng ngắn hạn đưa thêm các công ty là bên nhận tiền  lại không có chữ ký nháy của chủ sở hữu tài sản thế chấp.

Đặc biệt theo tìm hiểu của phóng viên, những công ty này đều dừng hoạt động vào thời điểm những năm các hợp đồng tín dụng trên được ký kết.

Hồ sơ thể hiện người nhận tiền là các công ty không có chữ ký nháy của khách hàng. 

Hồ sơ thể hiện người nhận tiền là các công ty không có chữ ký nháy của khách hàng. 

Theo Luật sư Nhã, hiện nay pháp luật chưa có quy định phải ký nháy từng trang của một văn bản. Tuy nhiên trên thực tế việc ký từng trang có tác dụng đảm bảo tính toàn vẹn của văn bản, tránh việc thay thế, sửa chữa các trang văn bản đồng thời cũng thể hiện rằng người ký đã đọc và biết rõ nội dung của từng trang văn bản mà mình ký.

Trong trường hợp này của các hộ dân và ngân hàng, việc những hợp đồng thể hiện được ký trực tiếp tại phòng công chứng có chữ ký nháy của người dân tại từng trang nhưng trong khế ước nhận nợ và Hợp đồng cấp tín dụng ngắn hạn là những giấy tờ có thông tin người nhận tiền là các công ty mà không phải người dân lại không có chữ ký nháy từng trang có thể là một dấu hiệu bất thường.

Hợp đồng thế chấp ký có chữ ký nháy của khách hàng. 

Hợp đồng thế chấp ký có chữ ký nháy của khách hàng. 

Bởi lẽ nếu khách hàng đã có ý thức ký từng trang tại một tài liệu thì thường những tài liệu khác cũng nên được người dân ký từng trang để thể hiện sự thống nhất về mặt ý chí và ý thức. Nguyên nhân của sự việc này có lẽ sẽ được làm sáng tỏ khi có thêm thông tin từ các Bên liên quan hoặc thông tin từ các cơ quan chức năng thụ lý vụ việc. 

Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin. 

Trước đó, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã gửi công văn đến Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) và Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP.HCM (HD Bank) để tìm hiểu về sự việc xảy đối với các khách hàng tại huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội của 02 ngân hàng này nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi gì.  

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.