| Hotline: 0983.970.780

Công ty Thiếc Hà An không tuân thủ cam kết bảo vệ môi trường

Thứ Sáu 12/07/2024 , 10:15 (GMT+7)

Việc bơm nước phát sinh vào hang casto và xả ra ngoài của Công ty Thiếc Hà An là không đúng với phương án bảo vệ môi trường...

Suối Nậm Huống đục ngầu, ô nhiễm trầm trọng phần nhiều cũng từ quá trình khai thác khoáng sản mà ra. Ảnh: Ngọc Linh.

Suối Nậm Huống đục ngầu, ô nhiễm trầm trọng phần nhiều cũng từ quá trình khai thác khoáng sản mà ra. Ảnh: Ngọc Linh.

Ám ảnh bên dòng Nậm Huống

Dọc 2 bên bờ suối Nậm Huống có nhiều hộ dân sinh sống, bởi thế sự việc cá chết hàng loạt khi lòng suối “đổi màu” bất thường tại địa phận xã Châu Thành (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) khiến tất thảy thất kinh:

“Những ngày ít mưa, trời nắng gắt y như rằng nước suối Nậm Huống lại bốc mùi tanh nồng, tình trạng này không phải mới diễn ra mà lặp đi lặp lại nhiều đợt rồi. Nguyên nhân chính do các mỏ khai thác quặng trên đầu nguồn, quá trình vận hành đã thải nhiều chất độc hại bức tử môi trường, có như vậy nước mới chuyển màu sẫm đục, đồng thời khiến cá chết nhiều như vậy.

Chúng tôi ăn đời ở kiếp trên mảnh đất này nên bất kỳ sự thay đổi nào dù nhỏ nhất cũng dễ nhận ra. Nói thực, lâu nay người dân không dám sử dụng nguồn nước ở đây nữa rồi”, ông Lô Văn Việt ở bản Chăm Hiêng, xã Châu Thành bày tỏ nỗi bất an.

Ô Lô Văn Việt đau đáu trước thực cảnh suối Nậm Huống bị bức tử không thương tiếc. Ảnh: Ngọc Linh.

Ô Lô Văn Việt đau đáu trước thực cảnh suối Nậm Huống bị bức tử không thương tiếc. Ảnh: Ngọc Linh.

Qua tìm hiểu được biết, vấn nạn ô nhiễm môi trường do quá trình hoạt động của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản luôn là nội dung khiến nhân dân vùng ảnh hưởng đau đáu hơn cả. Như thể một cơn ác mộng dài tập, cứ đến kỳ tiếp xúc cử tri hay hội họp thuần túy, việc này lại được bà con đưa ra mổ xẻ, chất vấn. Trong số những cái tên để lại nhiều điều tiếng có Công ty TNHH Thiếc Hà An. 

Với tư cách Chủ tịch UBND xã Châu Thành, ông Lương Văn Hải hiểu rõ hơn ai hết tâm tư, nguyện vọng của số đông, đặc biệt là các hộ dân sống gần kề suối Nậm Huống: “Bà con mong muốn làm rõ nguyên nhân, cũng như phương án xử lý tối ưu để môi trường được đảm bảo, qua đó từng bước ổn định cuộc sống. Trước nay nguồn nước sông chủ yếu dùng cho sản xuất nông nghiệp, về sau khi xảy ra sự cố các hộ nơm nớp lo sợ nguồn nước bẩn sẽ thẩm thấu, ngấm dần vào giếng nước sinh hoạt”.

Nhận thấy tính chất cấp bách của vụ việc, UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân ô nhiễm tại khu vực suối Nậm Huống.

Doanh nghiệp tắc trách, dân lãnh đủ

Ngày 08/7/2024, Đoàn liên ngành do Sở TN-MT chủ trì đã kiểm tra công tác xử lý nước thải, chất thải rắn tại Dự án khai thác hầm lò và chế biến phần Đông mỏ thiếc suối Bắc tại xã Châu Hồng và Châu Thành của huyện Quỳ Hợp.

Theo báo cáo, Công ty Thiếc Hà An đã ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất từ ngày 30/01/2024 để hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan. Bên cạnh đó, công ty đã điều chỉnh mặt bằng tổng thể dự án khai thác mỏ thiếc (xây dựng thêm bãi thải quặng đuôi, khu xử lý nước thải sau tuyển, xưởng tuyển…). Đáng nói, nội dung trên dù được Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) và Sở TN-MT ban hành các Công văn đôn đốc, hướng dẫn nhưng công ty vẫn chưa làm (?!)

Quá trình vận hành, khai thác của Công ty TNHH Thiếc Hà An tồn tại muôn vàn vấn đề. Ảnh: HN.

Quá trình vận hành, khai thác của Công ty TNHH Thiếc Hà An tồn tại muôn vàn vấn đề. Ảnh: HN.

Không chỉ có thế, Đoàn kiểm tra còn xác nhận nước thải từ hầm lò của Công ty Thiếc Hà An được bơm lắng lọc sơ bộ qua các bể lắng tại cửa lò số 1 và cửa lò số 6 trước khi thải vào hang casto (moong khai thác quặng thiếc cũ của Công ty CP Kim Loại màu Nghệ Tĩnh nằm phía sườn Tây Bắc), một phần tự chảy ra điểm đầu suối Bắc, xã Châu Thành (nhánh suối này hợp lưu vào suối Nậm Huống tại cầu tràn Trung Thành, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp), nhưng không tái sử dụng như nội dung Giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường tại Dự án số 02/GXN-STNMT ngày 05/5/2017 của Sở TN-MT.

Doanh nghiệp giải trình, rằng lượng nước phát sinh từ các hầm lò rất lớn và vượt quá nhu cầu sử dụng trong quá trình tuyển quặng. Ngoài ra, nước hầm lò có hiện tượng bị nhiễm sắt, ghi nhận độ pH thấp nên công ty đã xử lý nguồn nước này bằng vôi trước khi xả thải ra môi trường (?!)

Ảnh hưởng đến môi trường là điều đã được các bên liên quan thừa nhận. Ảnh: HN. 

Ảnh hưởng đến môi trường là điều đã được các bên liên quan thừa nhận. Ảnh: HN. 

Kết quả kiểm tra cũng xác định các bãi thải quặng đuôi từ hoạt động chế biến quặng thiếc của Công ty Thiếc Hà An chưa được lót đáy. Các công trình, thu gom xử lý nước thải và bùn thải tại khu vực lò số 6 có nguy cơ tràn bờ, thoát ra ngoài môi trường, nhất là trong trường hợp xảy ra mưa lớn dài ngày.

Sau nữa, tại các khu vực khai thác, chế biến và hồ lắng bùn thải tồn tại rất nhiều đường ống nhưng không rõ mục đích sử dụng. Ngạc nhiên thay, công ty lý giải đây là các hạng mục công trình trước đây nhưng bây giờ không còn sử dụng cho hoạt động của dự án.

Phải xử lý nghiêm

Sở TN-MT Nghệ An đi đến kết luận: Công ty TNHH Thiếc Hà An bơm nước phát sinh hầm lò thải vào hang casto và tự chảy ra tại điểm đầu nguồn suối Bắc, xã Châu Thành gây nước đục, có màu vàng sẫm đã được các bên liên quan thừa nhận tại Biên bản làm việc ngày 02/7/2024 là đúng sự thật.

Từ kết quả thực tiễn, Sở TN-MT kính đề nghị UBND tỉnh yêu cầu Công ty Thiếc Hà An thực hiện ngay giải pháp thu gom triệt để các nguồn thải nhằm đảm bảo an toàn, kiên quyết không để xảy ra sự cố, nhất là tại các bãi thải quặng đuôi, công trình xử lý nước thải từ quá trình khai thác, chế biến quặng thiếc.

Cùng với đó, phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo đúng Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Trường hợp thay đổi nội dung phải có Văn bản báo cáo, chỉ khi UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận mới được làm.

Cơ quan chức năng lấy mẫu nước tại Công ty Thiếc Hà An để tiến hành xét nghiệm. Ảnh: HN. 

Cơ quan chức năng lấy mẫu nước tại Công ty Thiếc Hà An để tiến hành xét nghiệm. Ảnh: HN. 

Công ty này cũng phải khẩn trương hoàn tất hồ sơ, thủ tục liên quan của Dự án theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mà Sở TN-MT đã đề nghị tại Văn bản số 7619/STNMT-BVMT ngày 24/11/2022.

Về phần UBND huyện Quỳ Hợp, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn. Chỉ đạo UBND các xã Châu Hồng và Châu Thành giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty Thiếc Hà An, trường hợp phát hiện sai phạm sẽ tiến hành xử lý theo thẩm quyền, hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 4/6/2024 UBND huyện Quỳ Hợp ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 250 triệu đồng đối với Công ty TNHH Thiếc Hà An, đồng thời đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 4,5 tháng. Hơn 2 tháng sau (ngày 17/6), Đoàn kiểm tra của Công an huyện Quỳ Hợp về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản đã chuyển UBND huyện xử phạt vi phạm hành chính công ty này 70 triệu đồng vì hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.