| Hotline: 0983.970.780

Dân 'ôm' đơn gõ cửa khắp nơi đòi lại đất sản xuất

Thứ Hai 28/03/2022 , 09:27 (GMT+7)

Tỉnh Lâm Đồng thu hồi dự án thủy điện và chỉ đạo UBND huyện Lâm Hà trả lại đất cho người dân sản xuất, nhưng sau nhiều năm dân vẫn không có đất canh tác

Dân ôm đơn đòi lại đất

Theo phản ánh của người dân, vào năm 2006, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định thu hồi đất tại khu vực thôn R'Hang Trụ và thôn Phúc Lộc (xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) để giao cho Công ty Cổ phần Lilama 45.1 thực hiện dự án thủy điện Sardeung với tổng diện tích khoảng 295ha.

Công ty Lilama 45.1 sau đó phối hợp với UBND huyện Lâm Hà tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 243/245 hộ dân với kinh phí trên 24 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm, Công ty Lilama 45.1 không triển khai thực hiện dự án nên năm 2016 UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi dự án và ban hành Quyết định số 776/QĐ-UBND thu hồi đất giao UBND huyện Lâm Hà quản lý.

Suốt nhiều năm qua, hàng chục hộ dân ở xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng gửi đơn đến các cơ quan chức năng để xin chính quyền trả lại đất sản xuất. Ảnh: M.H.

Suốt nhiều năm qua, hàng chục hộ dân ở xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng gửi đơn đến các cơ quan chức năng để xin chính quyền trả lại đất sản xuất. Ảnh: M.H.

Đồng thời, ngày 13/7/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng có thông báo, chỉ đạo UBND huyện Lâm Hà kiểm tra, rà soát thu hồi kinh phí đã bồi thường cho các hộ dân trước đây. Đồng thời chỉ đạo UBND huyện Lâm Hà thực hiện các thủ tục cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân. Tuy nhiên, đến nay, việc cấp lại đất cho người dân vẫn chưa được địa phương thực hiện.

Trước sự chậm trễ của chính quyền, vào tháng 5/2021, khoảng 20 hộ dân đã viết đơn cầu cứu và cùng ký tên gửi lên Bộ Công an. Bà Trần Thị Nga, một trong số 20 hộ dân nêu trong đơn kêu cứu gửi Bộ Công an rằng: "UBND huyện Lâm Hà đã cố tình bỏ qua các quy định của pháp luật, tiếp tục giao đất cho công ty khác thực hiện 2 dự án thủy điện nhỏ lẻ. Thấy việc làm của UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Lâm Hà có nhiều sai trái, ngày 25/3/2018, chúng tôi và rất nhiều hộ dân đã có đơn gửi UBND tỉnh và UBND huyện nhưng không được ban ngành nào giải quyết".

Cũng theo bà Trần Thị Nga, bản thân bà và những người dân trong thôn sẵn sang trả lại số tiền bồi thường, hỗ trợ mà Công ty Lilama 45.1 đã chi trước đây để cơ quan chức năng sớm có điều kiện hoàn thành các thủ tục trả đất.

UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND huyện Lâm Hà thực hiện các thủ tục nhằm trả đất cho người dân nhưng đến nay vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Ảnh: M.H.

UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND huyện Lâm Hà thực hiện các thủ tục nhằm trả đất cho người dân nhưng đến nay vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Ảnh: M.H.

Ông Hoàng Văn Đạt, người dân thôn R'Hang Trụ (xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà) cho biết, hiện nay diện tích sản xuất của gia đình là 11ha và phần vườn bị thu hồi cho dự án thủy điện Sardeung là 5ha. Đối với phần diện tích bị thu hồi trước đây, gia đình muốn cày xới, trồng trọt để tăng gia sản xuất. Tuy nhiên, mỗi lần bắt tay vào thực hiện thì cơ quan chức năng đến yêu cầu tạm dừng để chờ phương án giải quyết. "Bây giờ chúng tôi chỉ mong các cấp chính quyền giải quyết nhanh các vấn đề để người dân yên tâm sản xuất. Chúng tôi sẵn sàng trả lại số tiền đã nhận đề bù từ dự án thủy điện Sardeung trước đây và chấp nhập trả luôn cả tiền mà nhà thầu bỏ ra thực hiện giải tỏa, san lấp mặt bằng. Chúng tôi rất mệt mỏi", ông Hoàng Văn Đạt bày tỏ.

Lúng túng giải quyết vì chưa có tiền lệ

Liên quan vụ việc, vào tháng 8/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 5630/VPCP-V.I về việc chuyển đơn thư của công dân và yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, rà soát, giải quyết theo quy định. Tỉnh Lâm Đồng sau đó yêu cầu UBND huyện Lâm Hà thu hồi kinh phí bồi thường và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Theo người dân, khu vực đất trong và ngoài phạm vi dự án thủy điện Sardeung (đã thu hồi) đang xảy tình trạng lấn chiếm, khai thác cát trái phép. Ảnh: M.H. 

Theo người dân, khu vực đất trong và ngoài phạm vi dự án thủy điện Sardeung (đã thu hồi) đang xảy tình trạng lấn chiếm, khai thác cát trái phép. Ảnh: M.H. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tài Phương, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lâm Hà cho biết hiện nay huyện chưa cấp lại đất cho người dân và cũng chưa giao cho doanh nghiệp, đơn vị nào thuê đất tại các vị trí trên.

"Năm 2020, UBND tỉnh giao huyện kiểm tra, xem xét, cấp lại giấy chứng nhận cho người dân và người dân nộp lại tiền đã được bồi thường. Tuy nhiên từ đó đến giờ huyện chưa thể triển khai được vì khi lập phương án trả đất thì gặp rất nhiều vướng mắc. Luật đất đai không có trường hợp nào thu hồi rồi chục năm sau bắt đầu người dân nộp lại tiền và nhà nước cấp lại đất. Luật không có quy định đó, thành ra bây giờ địa phương rất lúng túng", ông Nguyễn Tài Phướng nói.

Cũng theo ông Nguyễn Tài Phương, vụ việc diễn ra hơn chục năm và có nhiều người dân đã chuyển đi nơi khác. Khu vực đất thu hồi của dự án thủy điện Sardeung hiện có trường hợp mua bán giấy tay với nhau tài sản trên đất. Trước những vướng mắc ở một vụ việc chưa có tiền lệ, hiện nay UBND huyện Lâm Hà đã báo cáo lên UBND tỉnh Lâm Đồng, tiếp tục xin ý kiến xử lý.

Khu vực "nóng" lấn chiếm đất, khai thác cát trái phép

Theo phản ánh của người dân, khu vực đất trong và ngoài phạm vi dự án thủy điện Sardeung (xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) diễn ra tình trạng lấn chiếm đất, khai thác cát trái phép suốt nhiều năm qua. Tại đây, hàng chục vị trí sát suối Đạ K'Nàng bị đào bới, nạo hút cát nham nhở nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý triệt để. Nhiều vị trí "cát tặc" cho máy múc sâu vào vườn người dân tìm mỏ cát. Nhiều trường hợp người của các máy hút cát tổ chức đốt vườn cà phê, lấn đất của người dân để lập bãi khai thác gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.