| Hotline: 0983.970.780

Dân vẫn 'lắc đầu' với dự án điện mặt trời Trà Ổ

Thứ Năm 04/04/2019 , 15:35 (GMT+7)

Để tìm sự đồng thuận của người dân nhằm triển khai Dự án điện mặt trời đầm Trà Ổ, lần thứ tư UBND tỉnh Bình Định lại tổ chức buổi đối thoại với người dân.

12-54-55_1
Nhiều ý kiến không đồng tình được nêu ra tại cuộc đối thoại

Thế nhưng 1 lần nữa người dân xã Mỹ Lợi (huyện Phù Mỹ) vẫn “lắc đầu”.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trực tiếp đối thoại với người dân xã Mỹ Lợi vào hôm qua 2/4. Tại buổi đối thoại, nhiều người dân tỏ ra bức xúc và không ngại ngần bày tỏ sự không đồng tình. Lý do, khi nhà máy điện mặt trời có mặt, hàng trăm hộ dân sẽ mất kế sinh nhai với nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên đầm Trà Ổ.

Một người dân ở thôn Phú Mỹ Bắc (xã Mỹ Lợi), bày tỏ: “Từ bao đời nay, cứ mỗi ngày ra đầm là kiếm được 2 – 3 trăm ngàn, bây giờ lấy đầm làm nhà máy điện mặt trời, “nguồn sống” của đầm Trà Ổ biến thành tiền chảy vào túi DN, còn người dân chúng tôi thì mất miếng ăn. Nếu nhà máy xây dựng ngoài đầm thì chúng tôi sẵn sàng ủng hộ”.

Dân còn lo nhà máy điện mặt trời sẽ làm nhiệt độ tăng lên, ảnh hưởng đến môi trường sống. Có ý kiến còn “lo xa” hơn là sau khi xây dựng, chủ đầu tư sẽ bán cho nước ngoài, đến khi ấy thì người dân địa phương bị “cấm cửa” không còn được khai thác trên đầm Trà Ổ.

12-54-55_2
Cuộc đối thoại thu hút sự quan tâm của nhiều người dân địa phương

Để trấn an, ông Lê Đức Thoa, Giám đốc Cty Năng lượng tái tạo Việt Nam – đơn vị chủ đầu tư, khẳng định Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ là của người Việt, không phải của nước ngoài. “Tổng diện tích mặt nước mà dự án sử dụng trên đầm Trà Ổ là 60ha, nhưng chỉ che phủ 35ha, phần còn lại người dân vẫn đánh bắt bình thường, sẽ không có rào chắn trên đầm. Hằng năm, nhà đầu tư sẽ bỏ ra 1 tỉ đồng cùng người dân đầu tư các công trình, phúc lợi xã hội”, ông Thoa cam kết. 

Sau 3 lần đối thoại vẫn không thành. Hai lần trước, cũng có nhiều ý kiến đồng tình. Sau đó, những người đồng tình bị “khủng bố” bằng cách phá hoại phương tiện đánh bắt thủy sản nhằm “triệt tiêu” ý kiến đồng thuận.

Tại buổi đối thoại ngày 2/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, phân tích: Vùng ven biển huyện Phù Mỹ có hiện tượng cát bay nên xây dựng khu công nghiệp sẽ không hiệu quả. Đất đai lại khô cằn, không màu mỡ, trên đất này chỉ có thể trồng cây dương. Vì vậy, làm năng lượng tái tạo, xây dựng nhà máy điện mặt trời, điện gió là thích hợp nhất.

12-54-55_3
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, phân tích thiệt hơn với người dân

Ông Châu kêu gọi người dân tuân thủ pháp luật, hãy vì lợi ích chung. Lãnh đạo tỉnh còn yêu cầu cho làm ngay nhà máy nước sạch cung cấp cho người dân, quy hoạch nghĩa trang, xây công trình thắp sáng công cộng, hỗ trợ kinh phí thả tôm, cá tái tạo nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ.

“Sau khi xây dựng, chắc chắn nhà máy sẽ nhận con em địa phương vào làm. Ngay trên đất quê mình có nhà máy thu hút nhiều lao động, giải quyết công ăn việc làm cho lớp trẻ, cớ sao bà con lại phản đối? Tôi rất đau lòng khi người dân nhận thức sai về dự án này”, ông Châu tâm tư.

Ông Châu còn nhấn mạnh thêm: “Diện tích đầm Trà Ổ có gần 1.300ha, trong khi diện tích làm nhà máy điện mặt trời chỉ có 60ha. Con cá vẫn sống dưới đầm và nguồn lợi thủy sản trong đầm Trà Ổ vẫn cho bà con kế sinh nhai. Các tấm pin điện mặt trời tiếp nhận ánh sáng mặt trời để chuyển thành điện năng, không phát tán gây hại, vì thế sẽ không ảnh hưởng gì đến môi trường”.

“Dự án triển khai trên diện tích 60ha mặt nước và 0,6ha mặt đất của đầm Trà Ổ với tổng vốn đầu tư 1.440 tỉ đồng. Nhà máy xây dựng từ quý 4/2018 và dự kiến đến quý 2/2019 sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, từ giữa năm 2018, người dân sống chung quanh đầm Trà Ổ ở các xã Mỹ Lợi, Mỹ Châu, Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ) phản đối nhằm ngăn cản dự án này”.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.