| Hotline: 0983.970.780

Để ngành dâu tằm tơ không đi vào 'vết xe đổ'

Thứ Ba 16/05/2023 , 08:38 (GMT+7)

Lâm Đồng nói riêng, ngành dâu tằm tơ Việt Nam nói chung cần tiếp tục cải thiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là chủ động nguồn giống tằm để phát triển bền vững.

Bài liên quan

Những năm gần đây, ngành dâu tằm tơ ở Lâm Đồng đã có sự phát triển mạnh mẽ, dần lấy lại được sự phát triển của thời "hoàng kim". Tuy nhiên, sự phát triển ấy vẫn chưa xứng với tiềm năng, lợi thế và cần vượt qua những rào cản để vươn xa. 

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề này, TS Lê Quang Tú, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam đánh giá: Lâm Đồng là nơi hội tụ những điều kiện về đất đai, khí hậu, con người rất thuận lợi cho việc đầu tư và phát triển ngành dâu tằm tơ. Đây là lợi thế cực kỳ lớn, hiếm nước nào trên thế giới có được. Ngay như vùng sản xuất tằm tơ ở Quảng Tây (Trung Quốc), họ phát triển như thế nhưng vẫn phải gặp trở ngại vào mùa đông. Ít nơi nào sản xuất được lá dâu suốt 12 tháng trong năm để nuôi tằm như Lâm Đồng.

TS Lê Quang Tú, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam. Ảnh: Minh Hậu.

TS Lê Quang Tú, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam. Ảnh: Minh Hậu.

Năng suất kén còn thấp

Bài liên quan

Theo TS Lê Quang Tú, hiện nay, Lâm Đồng có diện tích dâu lớn nhất cả nước với gần 10.000ha và ngành dâu tằm tơ cũng được lãnh đạo địa phương quan tâm phát triển. Tuy nhiên, xét trên giá trị tiềm năng thì Lâm Đồng vẫn chưa có sự phát triển xứng tầm. Trong đó phải kể đến như năng suất lá dâu hiện nay khoảng 20 tấn/ha, con số này chỉ bằng một nửa so với tiềm năng.

Tiếp đến là năng suất kén của địa phương hiện đạt 1.260kg/ha dâu, trong khi đó ở tỉnh Yên Bái năng suất kén đã đạt trên dưới 2.000kg/ha, còn Trung Quốc hiện nay đã ở ngưỡng 3.500kg đến 4.000kg/ha dâu. Ông Lê Quang Tú cho rằng, Lâm Đồng cần phải tập trung nhiều giải pháp trong việc thâm canh dâu, nuôi tằm… để phát triển xứng với tiềm năng.

Thưa ông, trong quá khứ, tỉnh Lâm Đồng từng là trung tâm sản xuất dâu tằm tơ của cả nước nhưng sau đó đã bước vào giai đoạn suy giảm nghiêm trọng. Vậy để ngành này không đi vào “vết xe đổ” đó, địa phương cần thực hiện giải pháp nào?

TS Lê Quang Tú: Những năm gần đây, ngành dâu tằm tơ Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng đã có sự phát triển hiệu quả. Cụ thể, giá trị kinh tế cao gấp từ 2 - 4 lần so với nhiều loại cây trồng khác và được người dân, chính quyền và các ban ngành quan tâm phát triển.

Vào những năm 1990, diện tích dâu của cả nước từng đạt tới 38 nghìn ha, trong đó tỉnh Lâm Đồng có đến gần 12 nghìn ha. Tuy nhiên, do trình độ canh tác còn hạn chế, năng suất kén thấp, chất lượng tơ kém dẫn đến khó cạnh tranh trên thị trường.

Những năm gần đây, Lâm Đồng đã có những thay đổi lớn trong tổ chức sản xuất, các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng vào trồng dâu, nuôi tằm giúp nâng cao năng suất, chất lượng. Ảnh: Minh Quý.

Những năm gần đây, Lâm Đồng đã có những thay đổi lớn trong tổ chức sản xuất, các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng vào trồng dâu, nuôi tằm giúp nâng cao năng suất, chất lượng. Ảnh: Minh Quý.

Bài liên quan

Ngoài ra, trong quá khứ, ngành dâu tằm tơ chịu nhiều sự ảnh hưởng bởi giá cả thị trường của nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác nên dẫn đến việc suy giảm. Hiện nay, ngành dâu tằm tơ cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng đã được vực dậy. Mặc dù diện tích cả nước hiện mới chỉ chưa đến 1/3 so với trước đây nhưng sản lượng kén lại cao hơn rất nhiều.

Đối với tỉnh Lâm Đồng, những năm gần đây, địa phương đã có những sự thay đổi lớn trong tổ chức sản xuất, các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng vào trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa...

Bài liên quan

Để ngành dâu tằm tơ không bị lụt lại, không đi vào “vết xe đổ” như đã từng xẩy ra, Lâm Đồng cần thực hiện các giải pháp. Trong đó căn cơ nhất vẫn là phải chủ động được nguồn trứng giống tằm, đặc biệt là trứng giống tằm lưỡng hệ chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu nuôi.

Thứ hai là cần đầu tư thâm canh tăng năng suất lá dâu từ 20 tấn/ha lên 30 - 35 tấn/ha, thậm chí 40 tấn/ha để xứng với tiềm năng. Cùng với đó là cải tiến các cơ sở ươm tơ, dệt lụa, xây dựng liên kết từ trồng dâu nuôi tằm đến ra sản phẩm cuối cùng là tơ lụa.

Phải chủ động dần nguồn trứng giống tằm

Thưa ông, trong lĩnh vực dâu tằm tơ, nguồn giống tằm là yếu tố quan trọng hàng đầu trong chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, nghề trồng dâu nuôi tằm của chúng ta hiện nay còn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn trứng giống nhập khẩu từ Trung Quốc. Vậy theo ông Lâm Đồng cần có giải pháp gì?

TS Lê Quang Tú: Đúng vậy, vấn đề trứng giống tằm là vấn đề lớn nhất và không riêng gì tỉnh Lâm Đồng mà tất cả các vùng nuôi khác trên cả nước cũng đang vướng mắc. Hiện nay, Lâm Đồng có tổng diện tích dâu khoảng 10 nghìn ha với khoảng 15 nghìn hộ tham gia sản xuất. Như vậy, nhu cầu về giống tằm phục vụ chăn nuôi hiện nay của Lâm Đồng là khoảng 350.000 đến 400.000 hộp/năm.

Hiện nay tỉnh Lâm Đồng cần khoảng 350.000 đến 400.000 hộp trứng giống tằm mỗi năm. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện nay tỉnh Lâm Đồng cần khoảng 350.000 đến 400.000 hộp trứng giống tằm mỗi năm. Ảnh: Minh Hậu.

Tuy nhiên, nguồn giống hiện nay phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc nhập khẩu từ Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch. Chính điều này dẫn đến việc sản xuất trở nên bị động, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường giống. Mặt khác việc nhập khẩu tiểu ngạch dẫn đến nguồn giống không được kiểm soát, thiếu ổn định, ảnh hưởng đến chất lượng của cả chuỗi sản xuất về sau.

Tỉnh Lâm Đồng đang lên kế hoạch phát triển diện tích dâu lên 12.000 ha vào năm 2025 và nhu cầu trứng tằm giống cũng nằm ở ngưỡng 450.000 hộp/năm. Do vậy, vấn đề trứng giống tằm là vấn đề lớn, phải quan tâm hàng đầu. Tôi nghĩ rằng không riêng gì Lâm Đồng mà nước ta cần phải tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để tiến tới nhập khẩu chính ngạch.

Ngoài ra, phải xây dựng các hệ thống kho lạnh để bảo quản và chủ động nguồn trứng và tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào sản xuất trứng tằm. Cùng với đó là xây dựng mô hình mẫu lớn nuôi giống tằm lưỡng hệ trong nước (người nuôi - ươm tơ).

Ở Lâm Đồng, hiện nay không có công ty hay doanh nghiệp nào sản xuất trứng tằm cấp 2 và hàng năm, trên 90% số lượng trứng tằm lưỡng hệ cấp 2 nhập về từ Trung Quốc. Điều này dẫn đến không chủ động được kế hoạch sản xuất, không kiểm soát được chất lượng và dịch bệnh. Theo tôi, trong vòng 5 đến 10 năm tới, nếu muốn phát triển ổn định ngành dâu tằm tơ nước ta thì cần phải mời chuyên gia Trung Quốc thiết lập cơ sở sản xuất trứng giống tằm cấp 2 tại Việt Nam.

Theo TS Lê Quang Tú, tỉnh Lâm Đồng nói riêng, Việt Nam nói chung cần có giải pháp trong việc thiết lập cơ sở sản xuất trứng giống tằm cấp 2 để chủ động nguồn giống. Ảnh: Minh Quý.

Theo TS Lê Quang Tú, tỉnh Lâm Đồng nói riêng, Việt Nam nói chung cần có giải pháp trong việc thiết lập cơ sở sản xuất trứng giống tằm cấp 2 để chủ động nguồn giống. Ảnh: Minh Quý.

Đối với tỉnh Lâm Đồng, cùng với vấn đề về trứng giống tằm thì địa phương cần có những giải pháp nào nữa để khai thác tiềm năng, lợi thế của ngành dâu tằm tơ trong thời gian tới, thưa ông?

TS Lê Quang Tú: Hiện nay, ngành dâu tằm tơ của Lâm Đồng đang hồi phục, đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên địa phương vẫn còn sự mất cân đối trong phát triển, đặc biệt là mất cân đối giữa các cơ sở ươm tơ và các hạng mục đầu tư khác trong ngành.

Hiện tại, các cơ sở, doanh nghiệp ươm tơ rất nhiều với quy mô khoảng gần 100 dãy máy tự động nhưng nguồn kén nguyên liệu lại không đủ cho sản xuất. Do vậy cần phải đầu tư cho nông dân thâm canh vườn dâu, đầu tư nuôi tằm tốt hơn nữa để tạo ra nguồn kén tốt nhất đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu công nghiệp tơ, dệt.

Cùng với đó, phải thường xuyên chuyển giao khoa học, kỹ thuật một cách thiết thực để nâng cao năng suất dâu, năng suất, chất lượng kén tằm. Đặc biệt phải xây dựng được các chuỗi liên kết từ người trồng dâu, nuôi tằm đến ươm tơ, dệt lụa, phát triển thị trường.

Theo TS Lê Quang Tú, hiện cả nước có 37 tỉnh thành trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích dâu trên 13.000ha, tập trung tại Lâm Đồng (10 nghìn ha), tiếp đến là tỉnh Yên Bái, Đồng Nai, Thái Bình, Cao Bằng… và có khoảng 40.000 hộ trồng dâu nuôi tằm, trong đó vùng Tây Nguyên chiếm khoảng 50%.

Sản lượng kén cả nước đạt gần 18.000 tấn/năm, sản lượng tơ đạt khoảng 2.000 tấn/năm. Hiện tại, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về sản lượng tơ, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 70 triệu USD/năm.

Hiện giá kén tại Lâm Đồng khoảng từ 170.000 - 220.000đ/kg, phía Bắc khoảng 130.000 - 170.000đ/kg. Giá tơ khoảng 1.650.000đ/kg. Như vậy, tình hình sản xuất dâu tằm của cả nước trong những năm qua đã có sự phục hồi, phát triển cả về số lượng và chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.