Hành trình tìm giống tằm cho 15 nghìn hộ dân
Nắm trong tay lợi thế về thiên nhiên, con người trong phát triển dâu tằm tơ nhưng hàng chục năm qua, tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa có được lời giải cho cuộc gây dựng, chủ động nguồn giống tằm. Nói về vấn đề này, ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thuỷ sản Lâm Đồng lắc đầu tiếc nuối: “Khó quá, khó lắm! Đã xác định được nút thắt đấy, rào cản đấy nhưng vẫn chưa thể nào tháo gỡ”.
Ở Lâm Đồng, bà Nguyễn Thị Phương Lan, Giám đốc Công ty TNHH Minh Quang Lâm (TP Bảo Lộc) được mệnh danh là "con thoi" không ngừng nghỉ trong công cuộc đưa trứng giống tằm từ Trung Quốc về cho nông dân sản xuất.
Bà Lan bén duyên với nghề trồng dâu nuôi tằm từ những năm 1980. Đến năm 1986, bà bắt tay vào sản xuất trứng tằm từ con giống trong nước để đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Đến năm 1990, khi nguồn trứng giống tằm năng suất cao của Trung Quốc xuất hiện, bà Lan là một trong những người tiên phong ở Lâm Đồng đưa nguồn giống này về phục vụ nhu cầu sản xuất.
“Ngày đó nguồn giống trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu nhưng 10 năm trở lại đây thì dần phụ thuộc hoàn toàn vào giống Trung Quốc”, bà Nguyễn Thị Phương Lan thổ lộ.
Theo bà Lan, để đáp ứng giống phục vụ người dân sản xuất, bà đã phải lặn lội khắp các vùng chuyên về tằm tơ ở Trung Quốc để tìm ra nguồn ưu việt. Các tiêu chí về giống mà bà đặt ra đầu tiên phải phù hợp với điều kiện, trình độ sản xuất của nông dân, tiếp đến là phải được người nuôi chấp nhận và thứ ba là năng suất kén phải cao, sợi tơ phải đạt tiêu chuẩn.
Nữ giám đốc công ty chuyên cung cấp trứng giống tằm chia sẻ, có những giai đoạn doanh nghiệp phải lấy trứng giống với giá cao, lãi từ kinh doanh bị sụt giảm nhưng vẫn không thể nâng giá bán để nông dân có điều kiện tiếp cận giống, tập trung sản xuất.
Khi có được nguồn trứng giống đạt các tiêu chí, bà Lan tổ chức làm việc với đối tác để đưa nguồn giống về nước. “Ngày xưa việc mua bán ở biên giới không phức tạp như bây giờ nên chỉ cần hợp đồng với đối tác là qua lấy hàng về chuyển cho bà con sản xuất. Còn bây giờ, nguồn giống không được nhập khẩu chính ngạch nên vẫn phải đi theo đường tiểu ngạch, chui lủi và phải qua nhiều khâu, nhiều lớp”, bà Lan kể.
Bà cũng cho biết thêm, hiện nay, để một tờ trứng giống tằm về đến Việt Nam phải trải qua 4 chặng vận chuyển với nhiều trung gian khác nhau. Do vậy, chi phí riêng cho 4 chặng này mất khoảng 200.000 đồng/tờ, tương đương 20% giá trị tờ trứng. Khi nguồn giống về đến “công ty mẹ” ở Việt Nam và sau đó chuyển xuống các cơ sở ươm, các đại lý và cuối cùng người trực tiếp nuôi tằm sẽ phải bỏ ra tổng chi phí lên đến 900.000 – 920.000 đồng/tờ.
Hiện nay, để đảm bảo nhu cầu sản xuất, mỗi tuần, bà Lan tổ chức nhập từ 400 đến 700 tờ trứng giống. Nguồn này sau khi về nước sẽ được bà chuyển cho các cơ sở ươm tằm con ở Lâm Đồng để các cơ sở này ấp nở và chuyển cho đại lý, nông dân. Trung bình, mỗi tờ trứng cho ra khoảng 3 - 5 nghìn con giống.
Nói về vấn đề giống tằm ở Trung Quốc, doanh nhân Nguyễn Thị Phương Lan thổ lộ: Công nghệ về tằm thì nước ta tụt hậu so với họ khoảng 50 năm. Đối với việc sản xuất giống, người Trung Quốc vẫn dạy mình nhưng quan trọng nhất là họ không bao giờ chuyển cặp lai cho mình. Họ độc quyền về cặp lai và đó được xem là bí mật quốc gia họ.
Suốt hơn 30 năm qua, chúng tôi đã đã cố gắng tiếp cận, mua trại và từng đưa chuyên gia Trung Quốc về để phụ trách sản xuất giống nhưng phía Trung Quốc vẫn không cho đưa giống ra khỏi biên giới. Ở Trung Quốc, họ tổ chức sản xuất rất khoa học, bài bản. Việc sản xuất giống tằm con cũng phải có đồng dâu cách ly dành riêng cho khâu này, con người cũng phải cách ly và rất riêng biệt.
Ước mơ được nhập chính ngạch trứng giống tằm
Trước những biến động của thị trường, thay đổi của thời cuộc, bà Lan vẫn bền bỉ với con đường nhập trứng giống tằm của mình. Bà nói: “Việc nhập khẩu giống tằm rất khó khăn và phập phù nhưng nếu mình không làm thì hàng nghìn hộ sản xuất sẽ ảnh hưởng”.
Hơn 30 năm miệt mài tìm nhập giống tằm, không ít lần nữ doanh nhân phải ngậm trái đắng. Bà chia sẻ, vì nhập khẩu tiểu ngạch nên có thời gian trứng giống về đến biên giới thì bị chất đống, không được bảo vệ, không được bảo quản theo đúng quy trình. Vậy nên tỉ lệ trứng giống bị bể dập, bị hư hại do thay đổi nhiệt độ rất lớn. Có những chuyến hàng về đến Việt Nam, khi chuyển giao cho cơ sở ươm thì họ thẳng thừng từ chối, không nhận vì trứng chuyển nở không đều, ảnh hưởng đến sản xuất.
“Tổn thất lớn nhất phải kể đến là 6 chuyến hàng về nước trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh Covid-19. Thời điểm đó, nguồn trứng giống buộc phải di chuyển bằng đường hàng không nên phải trải qua nhiều chặng, mất nhiều thời gian. Khi nguồn trứng giống về đến sân bay Tân Sơn Nhất, do các lô hàng không được bảo quản kỹ nên khi xuống sân bay nhiệt độ quá nóng, đã khiến 4.500 tờ trứng bị hư hỏng. Chuyến hàng này gia đình tôi bị lỗ khoảng 1 tỷ đồng”, bà Lan chia sẻ.
Cũng theo bà Lan, hiện nay, nhập khẩu trứng giống tằm chưa được thực hiện chính ngạch nên việc đưa nguồn này về nước là cả một quá trình đầy rẫy rủi ro. Trong trường hợp đi tiểu ngạch, trứng giống chịu tác động bởi ngoại lực trong quá trình vận chuyển, trường hợp nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng cũng ảnh hưởng đến độ chuyển gim (độ chuyển nở của tằm) và gây ra thiệt hại lớn.
“Hiện nay nguồn giống quyết định chính trong việc trồng dâu nuôi tằm. Trường hợp độ nở của trứng không đạt sẽ ảnh hưởng đến 70% hiệu quả sản xuất”, doanh nhân Nguyễn Thị Phương Lan nói và cho biết thêm, chỉ khi nguồn trứng giống được nhập khẩu chính ngạch thì những lo toan về nguồn giống mới phần nào nguôi ngoai.
Bà nói: “Cung đường của trứng giống hiện nay rất rủi ro nên việc đưa giống về nước không có gì là đảm bảo. Chỉ khi nguồn trứng về đến nhà và trứng chuyển gim đều thì mới tạm yên tâm”.
“Mong muốn lớn nhất của đời tôi là liên kết với Trung Quốc để xây dựng được khu sản xuất trứng giống tại Lâm Đồng. Đây là cách giúp địa phương chủ động về giống, góp phần giúp nông dân giảm giá thành trong sản xuất. Tôi cũng kiến nghị các cơ quan chức năng, Bộ NN-PTNT, Nhà nước có giải pháp trong việc đàm phán với Trung Quốc để tiến đến nhập khẩu chính ngạch trứng giống tằm phục vụ sản xuất”, doanh nhân Nguyễn Thị Phương Lan, người dành hơn 30 năm cho cuộc đưa trứng giống tằm về Lâm Đồng chia sẻ.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có 10 nghìn ha dâu, sản lượng dâu trên 250 nghìn tấn/năm với 15 nghìn hộ tham gia sản xuất. Hiện nay, sản lượng kén của địa phươngh chiếm 80% của cả nước với hơn 15 nghìn tấn/năm. Toàn tỉnh có 200 cơ sở ươm tằm con, 150 cơ sở thu mua kén, 32 cơ sở ươm tơ, 10 cơ sở dệt sản xuất khoảng 5,5 triệu mét lụa/năm.
Nhu cầu trứng giống tằm phục vụ sản xuất của Lâm Đồng khoảng 350.000 đến 400.000 nghìn hộp/năm và việc sản xuất phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn giống nhập khẩu từ Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch.
Hiện nay, công tác nghiên cứu, sản xuất trứng giống tằm trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng để phục vụ sản xuất, trong đó vấn đề chất lượng là yếu tố khó khăn nhất chưa giải quyết được.