| Hotline: 0983.970.780

Để những cuốn học bạ 'rất long lanh' tương đồng với chất lượng thật!

Thứ Năm 21/05/2020 , 07:10 (GMT+7)

Nếu những cuốn học bạ “long lanh” mà sức học của học trò không tương xứng thì đó sẽ là sự gian dối, giáo dục sẽ bị mai một niềm tin…

Giữa chất lượng giáo dục với điểm số, thành tích ghi trong học bạ vẫn còn khoảng cách lớn.

Giữa chất lượng giáo dục với điểm số, thành tích ghi trong học bạ vẫn còn khoảng cách lớn.

Tại hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 thì Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn khi thừa nhận: “Có vùng, điểm học bạ của học sinh cao vút, long lanh nhưng thực chất chất lượng chưa đạt được như vậy”. Và, ai cũng biết đây là hiện tượng không mới đang xảy ra trong ngành giáo dục từ nhiều năm nay. 

Mâu thuẫn giữa điểm học bạ với điểm thi

Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng nền giáo dục của nước nhà vẫn rất chuộng hình thức, chuộng thành tích cao. Việc hướng tới học trò học giỏi, đạt điểm cao là điều mà ai cũng mong muốn- nhất là những người thầy đang trực tiếp đứng lớp. Nhưng, thực tế thì sao?

Dù số lượng học sinh siêng năng, chăm học và học giỏi bao giờ cũng rất nhiều nhưng chắc chắn sẽ không phải là đa số đối với tất cả các trường học. Học sinh giỏi nhiều chỉ rơi vào khối trường chuyên, lớp điểm.

Còn những trường, lớp đại trà thì học sinh học yếu, thiếu động lực học tập rất nhiều và đây cũng là điều trăn trở của các thầy cô giáo. Thế nhưng, dù là trường chuyên hay trường không chuyên, dù ở cấp học nào thì điểm tổng kết hàng năm của học trò vẫn cao, thậm chí là rất cao.

Nhiều trường khó khăn nhưng vẫn có điểm cao bất thường trong quá trình giảng dạy và học tập. Những con số đẹp mê hồn đó đã làm rạng rỡ tâm trạng của bao nhiêu con người. Học trò được khen, cha mẹ, thầy cô, Ban giám hiệu nhà trường, địa phương được tiếng.

Thế nhưng, chỉ cần có một kỳ thi chuyển cấp, một kỳ thi chung thì những điểm số ấy lại hoàn toàn trái ngược nhau và hiện lên bức tranh của hiện thực phản ánh rõ nhất. Hàng ngàn điểm 0 ở các kỳ thi chung như tuyển sinh 10, thi Trung học phổ thông quốc gia (những năm qua) cho ta thấy rõ hơn về sự việc này.

Vẫn là học sinh vừa đạt được xếp học lực khá, giỏi, được nhận danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi nhưng sau một vài tuần tham gia kỳ thi chung thì tụt dốc thê thảm- dù từ thời gian tổng kết năm học đến thời điểm thi là lúc nhà trường, thầy-trò tập trung ôn luyện cao độ.

Rõ ràng, ai cũng thấy mâu thuẫn này nhưng thay đổi nó lại là một điều không hề dễ. Vì thế, chúng ta vẫn thấy bất cập luôn xảy ra khi mà “điểm học bạ mà cao vút, long lanh” nhưng đến khi thi điểm lại quá thấp…

Thay đổi cách đánh giá, bắt đầu từ đâu?

Thứ nhất, lãnh đạo ngành GD- ĐT cần rà soát lại xem hệ thống văn bản hiện nay còn chỗ nào bất cập để điều chỉnh, bổ sung.

Chẳng hạn, có nhất thiết phải khống chế tỉ lệ học sinh bỏ học, học sinh lưu ban trong các trường chuẩn quốc gia? Có nhất thiết phải khống chế việc học sinh không được lưu ban 2 lần/cấp học hay không?

Các chỉ tiêu về nông thôn mới, phổ cập giáo dục, giáo dục cộng đồng, phân luồng học sinh có nhất thiết phải là con số chung cho tất cả các địa bàn hay không? Trong các văn bản hướng dẫn đánh giá công chức, viên chức, chuẩn giáo viên, xét thi đua có nhất thiết phải để hiệu quả đào tạo hay không?

Một khi các văn bản còn khống chế về số liệu thì chắc chắn giáo viên, nhà trường sẽ tìm cách “lấp đầy” những số liệu đó để phù hợp với chỉ tiêu và cũng là cách để họ không bị mất thành tích của mình.

Thứ hai, các cấp lãnh đạo không nên ấn định chỉ tiêu đầu năm mà chỉ cần hướng tới chất lượng giảng dạy, học tập ở mức cao nhất có thể và phải căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa bàn, từng trường học để giao nhiệm vụ.

Thứ ba, các thầy cô giáo hướng tới việc dạy thật, đánh giá thật, không hời hợt trong đánh giá, không quá chuộng thành tích ảo. Giáo dục rất cần thành tích nhưng phải là thành tích thật, đánh giá thật thì mới đào tạo ra những con người tài năng, chân chính, đức độ cho tương lai. 

Còn thành tích mà “điểm học bạ của học sinh cao vút, long lanh nhưng thực chất chất lượng chưa đạt được như vậy” - như lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thì thành tích ấy sẽ đáng sợ vô cùng.

Đối với giáo viên đang giảng dạy mà họ không cần thành tích thi đua cuối năm thì họ cũng chẳng thiết tha gì với việc “tìm cách” để nâng điểm cho học trò để bằng với chỉ tiêu được ra- nếu học sinh không giỏi thực sự.

Họ dạy thật, đánh giá thật chất lượng học sinh nhưng số lượng này không nhiều trong các nhà trường bởi không đạt về chất lượng (thể hiện trên điểm số) thì giáo viên đó tất nhiên sẽ bị đánh giá thấp về chuyên môn.

Và, cái vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp đi, lặp lại từ năm này sang năm khác và cũng chưa biết bao giờ mới chấm dứt được hiện tượng này.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.