| Hotline: 0983.970.780

Điểm huyệt trị bệnh như… phim kiếm hiệp

Thứ Năm 06/02/2020 , 07:01 (GMT+7)

Ở Bình Định, nhiều võ nhân được thừa hưởng bí kíp điểm huyệt, giải huyệt để trị thương, chữa bệnh do tổ tiên truyền lại.

1135402966
Võ sư Nguyễn Văn Thắng xuất chiêu “song long điểm” điểm huyệt để chữa bệnh, trị nội thương cho bệnh nhân.

Người trong làng võ ở Bình Định thường hay kháo nhau câu chuyện võ sư Nguyễn Văn Thắng (68 tuổi), Chủ nhiệm CLB võ thuật chùa Long Phước ở xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), có thể trị thương, chữa bệnh bằng 2 ngón tay với chiêu “song long điểm”. Với khao khát được tận mắt chứng kiến cách trị thương, chữa bệnh như… phim kiếm hiệp nói trên, tôi lặn lội tìm gặp võ sư Thắng.

Với tính cách hào sảng của con nhà võ, võ sư Nguyên Văn Thắng liền giải tỏa nỗi háo hức của tôi. Ông gọi 1 võ sinh đang luyện ngoài sân vào giả làm người bệnh để võ sư thi triển chiêu thức trị bệnh bằng phương pháp điểm huyệt.

Hai ngón tay trỏ của võ sư Thắng đưa lên không, vẽ vẽ trong không khí 1 hồi trước khi vận công điểm vào huyệt đạo trên cơ thể người bệnh. Võ sư Thắng nói đó là chiêu “song long điểm”. Tùy từng bệnh, từng loại chấn thương, võ sư sẽ điểm vào huyệt đạo nào trên cơ thể người bệnh để điều trị.

Theo võ sư Thắng, phương pháp điểm huyệt mà ông đang sử dụng nằm trong sách y võ bí truyền từ thời xưa do tổ tiên truyền lại, được anh ruột của ông là Đại võ sư Thích Hạnh Hòa, trụ trì chùa Long Phước, trao truyền.

“Trước khi thực hành, tôi đã nghiền ngẫm, tìm hiểu rõ về các huyệt đạo trên cơ thể người, rồi hằng ngày tôi phải luyện ngón suốt trong thời gian dài mới thuần thục. Việc điểm huyệt phải được sử dụng nguồn nội lực phù hợp với từng huyệt, có như thế mới phát huy hiệu quả đối với bệnh nhân. Khi tiếp xúc với người bệnh, tôi sẽ hỏi kỹ là bị trúng đòn, bị té hay chỉ bị đau; bị vào giờ nào trong ngày. Nếu phạm trúng huyệt, đúng giờ gây nội thương sẽ nguy hiểm đến tính mạng, khi ấy tôi mới dùng phương pháp điểm huyệt kết hợp với uống thuốc chữa trị”, võ sư Thắng chia sẻ.

Ngoài võ sư Thắng, võ sư Lâm Ngọc Ánh, con trai của cố võ sư Lâm Bình Phú ở thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn) cũng đang được thừa hưởng của tổ tiên bí kiếp điểm huyệt, vật gia bảo 5 đời của nhà họ Lâm.

Võ sư Lâm Ngọc Ánh kể: Ông tổ của võ sư Ánh là Lâm Liên Hoan người gốc Trung Hoa. Vào thời phản Thanh phục Minh, ông Hoan sang Nhơn Phúc khai hoang vỡ hóa lập nghiệp làm ăn, truyền dạy võ nghệ cho con cháu. Đến đời võ sư Lâm Ngọc Ánh là đã 4 đời nhà họ Lâm đi theo nghiệp võ.

Theo võ sư Lâm Ngọc Ánh, pho bí kíp điểm huyệt của nhà họ Lâm là quyển sách về y võ. Sách này do Linh Không Thiền Sư ở Ngũ Đài Sơn (Trung Quốc) nghiên cứu, truyền lại hậu thế.

2135403164
Võ sư Lâm Ngọc Ánh với cuốn bí kiếp điểm huyệt, vật gia bảo 5 đời của nhà họ Lâm.

Tổ tiên nhà họ Lâm may mắn được sở hữu pho bí kíp này, đến đời võ sư Lâm Ngọc Ánh là đã trên 300 năm. Nguyên bản cuốn bí kíp được viết bằng chữ Hán, trải qua nhiều đời người đã dần rệu rã. Đến đời ông nội của võ sư Ánh là võ sư Lâm Đình Thọ, vì sợ bí kíp thất truyền nên đã đích thân mang sách lên chùa Núi Lớn, mời cho bằng được nhà sư Thích Huyền Ấn, người nổi tiếng đức cao vọng trọng dịch và viết thành chữ Quốc ngữ.

Trước khi giao bản dịch cho chủ nhân quyển bí kíp, nhà sư Thích Huyền Ấn có viết lời dặn. Lời dặn rằng: “Xưa các bậc tiên triết rất bí ẩn, không công bố bí kíp. Nay Nhất Đán lột hết tinh thần và những bí yếu của sách công bố cho đời, để những người có chí với đạo làm tài liệu tham khảo. Sách này ghi rõ trên thân người có 108 huyệt đạo, trong đó có 36 tử huyệt và 72 tiểu huyệt. Ghi chú cặn kẽ thước tấc trên đồ hình, và phép dùng thuốc khi thọ thương. Pho bí kíp điểm huyệt này có giá trị ngàn vàng không đổi…”.

Đối với nhà họ Lâm, từ xưa đến nay, bí kiếp y võ không truyền dạy cho nữ nhi, chỉ nam nhân mới được truyền thụ. Bí kíp điểm huyệt chỉ được truyền dạy cho người trong nhà, bởi bí kíp minh họa những tử huyệt trên thân thể con người bằng đồ hình rất rõ ràng, nên chỉ trai trưởng hoặc người con trai dày đức độ mới được truyền thụ, nữ nhi tuyệt nhiên không được ghé mắt nhìn vào những trang sách quý ấy, vì sợ lan truyền ra ngoại tộc.

“Những tử huyệt ghi trong bí kíp thật ra là để người chữa thương biết vùng chấn thương thuộc huyệt nào, và biết phải dùng thuốc gì để điều trị. Tuy nhiên, nếu võ nhân xấu tính biết rõ những tử huyệt trên thân người, trong lúc tức giận hay vì trả thù riêng mà đánh ngay tử huyệt đối thủ thì đó là “vũ khí” chết người.

Khi người xấu nắm hết kinh mạch của đối phương thì khi xuất chiêu sẽ hạ thủ. Do đó, bíp kíp điểm huyện của nhà họ Lâm không được truyền dạy cho đồ đệ”, võ sư Lâm Ngọc Ánh bộc bạch.

Theo võ sư Ánh, người vừa giỏi võ vừa am hiểu huyệt đạo có thể canh giờ đánh vào đúng tử huyệt gây tử vong cho đối thủ. “Trong pho bí kíp ghi rõ huyệt u môn nằm phía dưới tim, ngay huyệt cự khuyết, phía tả 5 phân thuộc can qua, phía hữu 5 phân thuộc phế. Nếu dùng chiêu “ngũ pháp bát tượng” hoặc chiêu “bát tượng hóa thân” đánh vào đó, trong 1 ngày không kịp chữa trị người dính đòn ắt chết.

Hoặc như huyệt hải đề nằm dưới xương cụt 2 phân, còn gọi là đốc mạch, huyệt này mà bị dính đòn nặng là tứ chi “mất liên lạc” với nhau ngay, chỉ 7 ngày sau là chết. Nếu bị thương nhẹ mà chữa không đúng thuốc, 1 năm sau chưa lành thì người ấy sẽ phát bệnh huỳnh thũng cũng chết”, võ sư Ánh nêu 1 số ví dụ.

Cũng theo võ sư Ánh, 72 tiểu huyệt trên cơ thể con người nếu dính đòn thì uống thuốc qua loa cũng sẽ khỏi, nhưng với 36 tử huyệt nếu bị dính đòn là chỉ có chết nếu không được chữa trị kịp thời. Ở những tử huyệt, bình thường nếu dính đòn đã nguy hiểm, nếu bị đánh đúng vào giờ hiểm thì càng nguy hiểm hơn.

Ví như giờ Ngọ thì máu chảy về đại huyệt nào, nếu đúng giờ này mà ra đòn ngay huyệt ấy thì đối thủ chỉ có tử vong. Hoặc như vào mùa xuân mà bên hông trái bị trúng đòn sẽ bị trọng thương, mùa hạ nên tránh chấn thương ở đầu gối và chân, mùa thu tránh chấn thương hông phải và mùa đông nên cẩn trọng gìn giữ vùng bụng khi giao đấu.

Vào tháng 8/2019 vừa qua, Bình Định đã nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Sưu tầm, nghiên cứu tác dụng các bài thuốc dùng trong võ cổ truyền, và đề xuất hướng bảo tồn, phát huy giá trị của võ y Bình Định”. Đề tài này đã hé mở thêm cánh cửa dẫn vào kho tàng võ y của đất Võ Bình Định mà trước đó chưa được khám phá nhiều.

3135403477
Võ sư Lâm Ngọc Ánh truyền thụ võ nghệ cho con em địa phương.

Ðây là đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên về võ y Bình Định được Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Bình Định chủ trì thực hiện, với sự phối hợp của Cty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Bình Định tiến hành trong gần 2 năm, từ tháng 3/2017 – 5/2019. Những người thực hiện đề tài đã khảo sát thực tế tại các võ đường của các võ sư, võ nhân người Bình Định ở trong và ngoài tỉnh, như: Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Nam, Bình Dương, TP HCM, Bà Rịa -  Vũng Tàu.

Thành công lớn nhất của đề tài là sưu tầm được hơn 300 bài thuốc. Trong đó có 80 bài thuốc tâm đắc từ 25 võ sư nổi tiếng, là những người có nghề võ y gia truyền hoặc được dạy từ nhiều thầy giỏi. Những bài thuốc này chủ trị trên 17 nhóm bệnh lý thường gặp trong võ thuật như: Các chấn thương đầu, hạ bộ, trung bộ, ngực, mũi, toàn thân, bất tỉnh, hoặc nội thương, thổ huyết, sưng tụ máu, trật khớp, gãy xương, bong gân… Đề tài cũng đã ghi nhận một số võ đường dùng phương pháp độc đáo là điểm huyệt và giải huyệt để trị bệnh.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quảng Trị, miền đất thiêng nở đóa hoa hòa bình

Chiến tranh đã lùi xa, non sông thu về một mối nhưng còn biết bao người con đất Việt đã nằm xuống. Tất cả đã hóa thân thành bản anh hùng ca bất tử.

Bình luận mới nhất