| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp thuê đất công kêu cứu UBND thành phố Cần Thơ

Thứ Năm 20/08/2020 , 09:50 (GMT+7)

Hai doanh nghiệp phục vụ xây dựng nông thôn mới và tiêu thụ nông sản thuê đất công để hoạt động ở Cần Thơ bị gây khó kéo dài, đang kêu cứu UBND thành phố.

Cty 720 ở khu đất nhiều năm chưa được ký hợp đồng thuê. Ảnh: Sáu Nghệ.

Cty 720 ở khu đất nhiều năm chưa được ký hợp đồng thuê. Ảnh: Sáu Nghệ.

Đề nghị ký hợp đồng thuê đất

Công ty Cổ phần 720 (Cty 720) chuyên sản xuất xi măng và các cấu kiện bê tông phục vụ xây dựng nông thôn mới. Ngày 12/8/2020, Luật sư Nguyễn Trường Thành trợ giúp pháp lý của Cty 720 có văn bản gửi UBND TP Cần Thơ đề nghị được “Ký lại hợp đồng thuê đất” chính nơi sử dụng mấy chục năm nay.

Khu đất công rộng hơn 6,5 ha tại phường Bình Thủy (Bình Thủy, Cần Thơ) được mở xưởng sản xuất từ khi Cty 720 còn là doanh nghiệp nhà nước.

Sau cổ phẩn hóa, ngày 18/5/2005, Cty 720 ký hợp đồng thuê đất với Sở TN&MT (ủy quyền của UBND TP Cần Thơ) thời hạn 10 năm. Đang thực hiện hợp đồng, Cục Thuế Cần Thơ tự tiện ra công văn tăng giá thuê đất làm nảy sinh khiếu nại và hết hợp đồng cũ, Sở TN&MT không chịu thanh lý để ký hợp đồng thuê đất mới.

Cty 720 khởi kiện hai vụ án hành chính, yêu cầu Sở TN&MT thanh lý hợp đồng cũ và hủy các văn bản tăng giá thuê đất.

Vụ thứ nhất, TAND quận Ninh Kiều xử sơ thẩm tháng 7/2019 và TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm tháng 11/2019 đều buộc Sở TN&MT thanh lý hợp đồng cũ. Vụ thứ hai, TAND TP Cần Thơ xử sơ thẩm tháng 5/2020, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Cty 720, tuyên hủy bốn văn bản trái pháp luật của Cục Thuế Cần Thơ. 

Sau đó, ngày 22/7/2020, Cty 720 và Sở TN&MT làm “Biên bản thanh lý hợp đồng thuê đất”. Điều 2 Biên bản thanh lý ghi rõ: “Sau khi thanh lý hợp đồng thuê đất, Cty 720 có văn bản về việc tiếp tục xin thuê đất từ thời điểm ngày 18/5/2015 gửi Sở TN&MT để báo cáo UBND TP Cần Thơ xét việc tiếp tục cho thuê đất theo quy định pháp luật”.

Ngày 24/7/2020, Cty 720 có văn bản đề nghị tiếp tục thuê đất, lại bị Sở TN&MT viện nhiều lý do để từ chối. Trong đó, có lý do là khi hết hạn hợp đồng thuê đất vào ngày 18/5/2015 mà trước 6 tháng Cty 720 không có văn bản đề nghị tiếp tục thuê đất.

Luật sư Nguyễn Trường Thành nói: “Viện dẫn của Sở TN&MT cho thấy rõ sự quan liêu”. Bởi vì, trước khi hết hạn hợp đồng cũ, vào ngày 8/4/2013 và ngày 12/8/2014, Cty 720 đã có công văn gửi Chủ tịch UBND TP Cần Thơ và Sở TN&MT đề nghị tiếp tục thuê đất. Nhưng vì Cục Thuế Cần Thơ đang yêu cầu tăng tiền thuê đất nên Sở TN&MT từ chối ký lại hợp đồng. Và dù Cty 720 đã tạm nộp thêm hàng tỷ đồng nhưng vẫn không được thanh lý hợp đồng cũ, nên phải kiện ra tòa.

Đơn kêu cứu của Cty 720 gửi UBND TP Cần Thơ ngày 12/8/2020 viết: “Trân trọng đề nghị UBND TP Cần Thơ chỉ đạo Sở TN&MT sớm làm thủ tục cho Cty 720 tiếp tục thuê đất theo Điều 2 Biên bản thanh lý hợp đồng đã ký giữa Sở TN&MT với Cty 720 để làm căn cứ pháp lý Cty nộp tiền thuê đất bổ sung từ ngày 18/5/2015 đến nay. Đồng thời ổn định và phát triển sản xuất cho hàng trăm cán bộ nhân viên Cty, đóng góp nhiều hơn cho chương trình xây dựng nông thôn mới, vào sự phát triển của thành phố”.

Trung tâm King Group Center vắng lặng vì chưa thể hoạt động. Ảnh: Sáu Nghệ.

Trung tâm King Group Center vắng lặng vì chưa thể hoạt động. Ảnh: Sáu Nghệ.

Mong nơi tiêu thụ nông sản được hoạt động

Trung tâm mua sắm tại 78 Nguyễn Trãi (Ninh Kiều, Cần Thơ) có khu vực rộng dành tiêu thụ nông sản, do Cty TNHH MTV King Group Center xây dựng, hoàn thành đã lâu mà không thể hoạt động. Chủ tịch King Group Center Nguyễn Văn Kịch kêu cứu UBND TP Cần Thơ, cho rằng Sở TN&MT và Cục Thuế Cần Thơ “đẩy Cty đến phá sản là không tránh khỏi trong tương lai gần”.       

Được xây dựng trên khu đất rộng 7.973,6 m2, theo giấy phép số 10/GPXD-SXD ngày 4/2/2016 và số 58/GPXD ngày 13/12/2018 của Sở Xây dựng TP Cần Thơ. Nhiều lần, liên ngành Sở TN&MT, Xây dựng, KH&ĐT, Công thương, Tư pháp cùng Thanh tra và Cục Thuế Cần Thơ, UBND quận Ninh Kiều kiểm tra xác định Trung tâm đảm bảo các quy định. Giám đốc King Group Center Nguyễn Thế Dân cho biết, tổng vốn đầu tư đến nay khoảng 80 tỷ đồng.

Vướng mắc không thể hoạt động của Trung tâm, ban đầu là việc đóng tiền thuê đất. Đây là khu đất công, Cty TNHH Nông thủy sản Tây Nam (Cty Tây Nam) trúng thầu và ký hợp đồng thuê với Sở TN&MT ngày 11/6/2014, thời hạn 50 năm, trong 10 năm đầu giá thuê một năm gần 4,6 tỷ đồng.

Ngày 9/10/2015, Cty Tây Nam ký “hợp đồng hợp tác kinh doanh” với King Group Center để xây dựng Trung tâm mua sắm. Trong đó ghi rõ, Cty Tây Nam “không góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất mà chỉ góp quyền thuê đất hợp pháp” và King Group Center “tự bỏ vốn 100% đầu tư xây dựng và tự điều hành phát triển kinh doanh Trung tâm mua sắm”.

Việc xây dựng đang tiến triển thì vào tháng 6/2016, GĐ Cty Tây Nam bị bắt trong một vụ án đầu tư dự án chế biến nông thủy sản ở tỉnh Hậu Giang (Hiện đã rõ dấu hiệu oan sai và 2 năm qua được tạm đình chỉ điều tra). Theo đó, toàn bộ sổ sách và con dấu bị thu giữ nên không nộp được tiền thuê đất.

Mong muốn đưa Trung tâm vào hoạt động để hỗ trợ tiêu thụ nông sản nhất là khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, King Group Center đề nghị nộp tiền thuê đất thay Cty Tây Nam.

Ngày 10/2/2020, UBND TP Cần Thơ có thông báo chấp thuận, số tiền nộp thay là 18.278.680.640 đồng, gồm 4,8 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng được hoàn và tiền nộp thêm. Ngày 2/3/2020, King Group Center nộp 13.473.336.598 đồng, nhưng tiền thuế giá trị gia tăng lại không được hoàn để nộp tiếp. Cho nên, Trung tâm vẫn không thể hoạt động.

Ngày 14/8/2020, Cục Thuế Cần Thơ có Công văn số 3835/CT-TTKT2 nêu lý do chưa hoàn thuế giá trị gia tăng cho King Group Center “là do chưa đảm bảo điều kiện pháp lý”, căn cứ Công văn số 487/TNMT-CCQLĐĐ ngày 27/2/2020 của Sở TN&MT. Công văn của Sở TN&MT do GĐ Nguyễn Văn Sử ký, cho rằng Cty Tây Nam không được phép đem giá trị quyền sử dụng đất để hợp tác, mà trong hợp đồng hợp tác kinh doanh “đóng góp quyền thuê đất hợp pháp thực chất là đóng góp giá trị quyền sử dụng đất”.

Chủ tịch King Group Center Nguyễn Văn Kịch nói: “Việc hợp tác đầu tư Trung tâm được các cơ quan chức năng cho phép và nhiều lần kiểm tra chấp thuận, tại sao xây xong lại suy luận quyền thuê đất là quyền sử dụng đất một cách vô lý để ngăn cản hoạt động? Suy luận vô lý lại do Sở TN&MT là một bên ký hợp đồng dân sự với doanh nghiệp. Chúng tôi kêu cứu UBND TP Cần Thơ tháo gỡ để đưa Trung tâm vào hoạt động, nếu không được sẽ kiện ra tòa”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm