Điều này khiến cô trở thành mục tiêu theo dõi thường xuyên của chính phủ và nhà của Lee từng bị lục soát mà không báo trước. Lee, 49 tuổi, người đã rời khỏi Triều Tiên để trốn sang Hàn Quốc vào năm 2019, cho hay có lần, cô bị giam giữ hơn một năm vì hành vi của mình.
Những người lần ra Lee làm việc cho tổ chức giám sát bí mật bên trong Triều Tiên. Họ sử dụng một mạng lưới những người cung cấp thông tin để trấn áp hàng loạt hành vi được coi là chống lại các nguyên tắc quốc gia.
Theo một báo cáo từ Trung tâm Cơ sở Dữ liệu về Nhân quyền Triều Tiên, trụ sở tại Seoul, những người thực thi có trách nhiệm giúp lãnh đạo Kim Jong-un duy trì quyền kiểm soát đối với xã hội và có thể nhanh chóng được huy động để dập tắt những hoạt động mà chính quyền coi là “có vấn đề", theo Washington Post.
Các hành vi vi phạm mà các nhóm này theo đuổi gồm có sở hữu hoặc tiêu thụ ấn phẩm văn hóa, truyền thông Hàn Quốc, hát, nhảy hoặc nói theo cách không được coi là của người Triều Tiên, cố gắng đào tẩu hay chỉ trích chính quyền.
Báo cáo từ Trung tâm Cơ sở Dữ liệu Nhân quyền Triều Tiên cung cấp một cái nhìn sâu sắc hiếm có về hoạt động bên trong mạng lưới này. Báo cáo dựa trên các cuộc phỏng vấn với 32 cựu nhân viên thi hành án và nạn nhân, nhiều người trong số họ đã rời khỏi đất nước từ năm 2018 đến 2020, ngay trước khi Triều Tiên đóng cửa biên giới do đại dịch.
“Họ ở trong bóng tối, chưa bao giờ được công bố chính thức... Chúng tôi phải tìm ra hiện diện của họ trong cuộc sống hàng ngày ở Triều Tiên thông qua những lời kể”, Su Bobae, nhà nghiên cứu từ nhóm nhân quyền, cho hay.
Triều Tiên bắt đầu thắt chặt các hoạt động giám sát sau khi gặp khó khăn về lương thực vào những năm 1990. Các gia đình sống sót được nhờ nhập khẩu trái phép hàng hóa từ nước láng giềng Trung Quốc, mở đường cho các chợ đen, hay còn gọi là “jangmadang”. Nhưng điều này cũng mở ra một kẽ hở để văn hóa bên ngoài tràn vào đất nước.
“Miệng của chúng tôi há hốc ra, chúng tôi sẽ nhốt mình trong nhà, không thèm ăn uống chỉ xem chúng một cách say sưa”, Lee cho hay. “Chúng tôi đã nhìn thấy thực tế, và chúng tôi phát điên. Chúng tôi ganh tỵ”.
Nhóm giám sát bí mật đi vào hoạt động vào cuối những năm 1990. Theo các nhà nghiên cứu, những thành viên nhóm chỉ làm nhiệm vụ khoảng 6 tháng đến hai năm nhằm ngăn họ phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với công chúng, điều có thể khiến họ cảm thông hơn cho hành động của họ.
Lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền ở Triều Tiên vào tháng 12/2011, một thập kỷ sau khi thị trường chợ đen bắt đầu nở rộ. Dưới chính quyền của ông, giới quan sát nhận thấy những nhóm kiểm soát này đã tăng cường hoạt động gấp đôi để ngăn văn hóa Hàn Quốc lan truyền, thứ mà ông Kim gọi là “căn bệnh ung thư hiểm ác” ăn mòn xã hội Triều Tiên.
Không giống như cha và ông của mình, Kim Jong-un phải đối mặt với thế hệ trẻ ở đất nước của mình lớn lên với khả năng tiếp cận hàng hóa và những phương tiện giải trí nhập lậu, đôi khi thôi thúc họ rời bỏ đất nước.
Khi một người bị phát hiện tiêu thụ văn hóa phẩm Hàn Quốc, cha mẹ họ cũng có thể bị liên lụy với cáo buộc “không quản lý” được con cái mình.
“Nếu chúng tôi đi khám xét vào thời điểm mất điện, họ sẽ không thể lấy băng ra khỏi máy phát. Một người sẽ đứng trước cửa để đảm bảo không ai ra vào, một người khác ra lệnh cắt điện và lập tức xông vào ngôi nhà khả nghi. Sau đó, chúng tôi nối lại điện và tịch thu băng. Họ bị bắt tại trận”, một cựu quan chức Triều Tiên cho hay.
Lee thêm rằng nhóm giám sát đặc biệt nhắm đến những tay buôn lậu quy mô lớn như cô vì họ có thể trả số tiền lớn để đổi lấy tự do.
Hầu hết những người được các nhà nghiên cứu phỏng vấn cho biết việc trao đổi hàng hóa, bán hàng lậu để trang trải cuộc sống là điều cần thiết để tồn tại ở Triều Tiên. Một số người khác từng tiếp cận các ấn phẩm Hàn Quốc nói rằng họ làm vậy vì tò mò về những điều mới, muốn được giải trí.
Tất cả 32 người rời khỏi Triều Tiên đều khẳng định họ sẽ vẫn tiếp tục các hoạt động buôn bán của mình, dù biết rằng nó phạm pháp. “Thứ nhất, để kiếm sống, thứ hai, để ăn ngon hơn người khác, và thứ ba, để giải quyết các vấn đề trong công việc và thành công. Bởi vì bạn cần tiền cho tất cả những thứ đó”, một người giấu tên cho hay.