Chỉ số cải cách hành chính (PAR index) được Bộ Nội vụ xây dựng bắt đầu từ năm 2012 với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) và các chuyên gia theo Quyết định số 1294/QĐ-BNV ngày 03/12/2012 về Đề án xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh trực thuộc Trung ương. Chỉ số PAR index bám sát nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 ban hành tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP. Cấu trúc của PAR index được dựa trên 7 lĩnh vực (theo thang điểm đánh giá là 100), tương ứng với 7 chỉ số thành phần, 31 tiêu chí và 89 tiêu chí thành phần, cụ thể 7 lĩnh vực như sau:(1)Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính ; (2)Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước; (3)Cải cách thủ tục hành chính; (4) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; (5)Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; (6)Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; (7)Hiện đại hoá hành chính.
Năm 2015, chỉ số PAR index của Bộ Nông nghiệp và PTNT đứng vị trí thứ 13. Đến năm 2017, Chỉ số PAR Index của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tăng lên vị trí thứ 7, hai năm liên tiếp 2018 – 2019 đứng ở vị trí thứ 4, tốp dẫn đầu thực hiện “Tốt” về cải cách hành chính.
Việc giữ vị trí tốp bốn Chỉ số PAR Index của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong hai năm cho thấy Bộ vẫn luôn nỗ lực trong cải cách hành chính, và tạo ra kết quả cụ thể thực hiện tốt trên từng lĩnh vực các chỉ số thành phần của cải cách hành chính.
Nỗ lực trong công tác xây dựng và nâng cao chất lượng công chức viên chức
Chỉ số công tác xây dựng và nâng cao chất lượng công chức viên chức đạt 94,3%, cao hơn tỷ lệ lệ trung bình của các bộ ngành gần 5% (89,76%). Bộ NN-PTNT đã triển khai tuyển dụng công chức, viên chức dựa trên trình độ chuyên môn, tin học, ngoại ngữ và kỹ năng quản lý nhà nước. Ngoài ra, việc áp dụng hình thức tuyển đặc biệt, tuyển đặc cách đã tạo điều kiện cho đơn vị tuyển dụng công chức, viên chức có trình độ cao. Tiếp tục thực hiện Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu, Hệ thống quản lý nguồn nhân lực của Bộ NN-PTNT”; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức viên chức.
Nỗ lực vượt qua chính mình
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có 6/7 lĩnh vực có mức tăng trưởng về chỉ số cải cách hành chính vượt bậc. Công tác chỉ đạo điều hành năm 2019 tăng 16,7%, xây dựng và nâng cao chất lượng công chức viên chức tăng gần 15%, cải cách bộ máy hành chính và thủ tục hành chính tăng khoảng 10%.
Nỗ lực trong công tác chỉ đạo điều hành
Xét theo chỉ số thành phần trong năm 2019, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có tới 6/7 lĩnh vực cải cách cao hơn so với mức trung bình của 19 Bộ ngành. Trong đó, công tác chỉ đạo điều hành thuộc lĩnh vực Bộ quản lý được đánh giá ở mức tối đa 100 điểm. Trong năm 2019, Bộ NN-PTNT đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, đoàn thể, cán bộ, đảng viên phát huy thuận lợi, thời cơ, vượt qua nhiều khó khăn để ngành NN&PTNT hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo đưa ra những giải pháp ứng phó kịp thời, có chiến lược lâu dài nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân.
Theo báo cáo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2020 là một năm nhiều khó khăn và thách thức. Tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra bất thường, nghiêm trọng, như: hạn hán, lũ lụt, mưa đá, sạt lở, xâm nhập mặn...; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi có nguy cơ xuất hiện và tái diễn trên diện rộng; tác động do xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn và đặc biệt là những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đang diễn biến cực kỳ phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Nông nghiệp và PTNT phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện đại dịch Covid-19 và thực hiện “mục tiêu kép”; ngay từ đầu năm, toàn ngành đẩy mạnh triển khai hiệu quả các giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng toàn ngành vẫn đạt kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội.