Hàng năm, mùa hè thường là giai đoạn thấp điểm về tiêu thụ thịt lợn do học sinh nghỉ hè nên các bếp ăn tập thể cung cấp suất ăn trưa cho các trường học tạm dừng hoạt động. Bên cạnh đó, do tiết trời nắng nóng, người dân cũng thường giảm sử dụng thịt lợn.
Tuy nhiên, từ tháng 5 đến nay, giá lợn hơi ở Đông Nam bộ lại luôn duy trì ở mức cao. Thông tin từ một số nhà chăn nuôi cho hay, ngày 18/6, giá lợn hơi ở các tỉnh Đông Nam bộ, đang ở mức 68.000-69.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi hiện tại ở Đông Nam bộ tuy thấp hơn một chút so với giá cuối tháng 5 (68.000-70.000 đồng/kg), nhưng nếu so với giá bình quân trong tháng 5 thì cao hơn khoảng 5.000-6.000 đồng/kg.
Như vậy, giá lợn hơi ở Việt Nam hiện gần tương đương với giá lợn hơi ở Trung Quốc (ngày 15/6, giá lợn hơi bình quân ở Trung Quốc là hơn 69.000 đồng/kg) và cao hơn nhiều so với giá lợn hơi tại Hoa Kỳ (tương đương với 38.000 đồng/kg), Nga (34.000 đồng/kg), Canada (34.000 đồng/kg), Anh (55.000 đồng/kg), Brazil (33.000 đồng/kg) …
Lý giải về việc giá lợn hơi đứng ở mức cao trong suốt nhiều tuần qua, ông Nguyễn Xuân, một người nuôi lợn ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai, cho rằng nguyên nhân trước hết là do nguồn cung sụt giảm.
Trong năm 2023, giá lợn hơi liên tục ở mức thấp trong thời gian dài, người chăn nuôi thua lỗ nên đã giảm số lượng lợn nuôi. Thậm chí nhiều hộ còn tạm ngừng tái đàn. Điều này dẫn đến sản lượng xuất chuồng hiện nay giảm nhiều.
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại nhiều địa phương cũng khiến nhiều hộ chăn nuôi, trang trại lợn giảm số lượng đàn nuôi.
Trong khi đó, lượng lợn hơi nhập lậu qua biên giới Campuchia đã giảm so với trước đây. Những yếu tố này đang khiến cho nguồn cung thịt lợn thấp hơn so với nhu cầu, kể cả trong thời gian thấp điểm.
Còn theo ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (Biên Hòa, Đồng Nai), ngoài những nguyên nhân nói trên, một nguyên nhân quan trọng khác khiến cho giá lợn hơi luôn đứng ở mức cao trong thời gian qua là lượng thịt lợn nhập khẩu giảm do căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ.
Việc lực lượng Houthi tấn công các tàu hàng đi qua khu vực này đã khiến cho cước vận tải tăng mạnh. Điều này đã khiến cho giá thành thịt lợn nhập khẩu tăng cao, dẫn tới lượng thịt nhập khẩu về Việt Nam giảm.
Sản lượng lợn hơi trong nước giảm, cộng với thịt lợn nhập khẩu giảm, đã góp phần giúp cho giá lợn hơi liên tục đứng ở mức tốt trong suốt nhiều tuần qua.
Thông tin từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, nhập khẩu thịt lợn đang có xu hướng giảm. Cụ thể, trong tháng 4/2024, Việt Nam nhập khẩu 5,8 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 13 triệu USD, giảm 8,9% về lượng và giảm 20,3% về trị giá so với tháng 4/2023.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 19 nghìn tấn, trị giá 43 triệu USD, giảm 7% về lượng và giảm 14,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được nhập khẩu từ 17 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Nga, Brazil, Đức, Canada, Hoa Kỳ, Hà Lan…
Như vậy, có thể thấy phần lớn các thị trường đang xuất khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh sang Việt Nam nằm ở châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Nguồn thịt lợn từ những thị trường này sang Việt Nam đều đang bị ảnh hưởng do căng thẳng ở Biển Đỏ.
Bộ Công Thương dự báo, trong thời gian tới, giá thịt lợn có thể tiếp tục đứng ở mức cao do nhiều hộ chăn nuôi chưa tái đàn, các doanh nghiệp cũng khá thận trọng khi tăng tổng đàn lợn vì lo ngại dịch bệnh hoành hành vào thời điểm cuối năm.
Ông Lê Xuân Huy cho rằng, giá lợn hơi sẽ khó tăng thêm trong thời gian tới vì nhu cầu tiêu thụ trên thực tế tuy có phục hồi nhưng vẫn chưa bằng trước đây.
Vì vậy, người chăn nuôi ở Đông Nam bộ đang kỳ vọng giá lợn hơi vẫn giữ được ở mức như hiện nay. Với mức giá này, đã mang lại sự yên tâm cho người chăn nuôi.