Ngày 24/12, tại Bình Định, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp cùng Sở NN-PTNT Bình Định và Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp bàn về các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa trong vụ hè thu ở vùng Nam Trung bộ.
Tại diễn đàn, các nhà khoa học, nhà quản lý, nông dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa trao đổi những giải pháp căn cơ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa để vừa đối phó với nạn thiếu nước tưới trong những vụ hè thu, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho nông dân.
Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, mùa khô ở các tỉnh trong vùng kéo dài đến 8 - 9 tháng, bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến tháng 8 năm sau. Thời điểm đặc biệt khô nóng là các tháng 6, 7, 8.
Từ năm 2015 trở lại đây, tình hình thời tiết trong những vụ hè thu và vụ mùa trong khu vực diễn biến thất thường; nắng nóng, khô hạn xảy ra gay gắt vào đầu vụ trên diện rộng đã làm suy giảm năng suất một số loại cây trồng, đặc biệt là cây lúa ở những vùng bị khô hạn do thiếu nước tưới và bị xâm nhập mặn. Một số diện tích đất lúa vụ hè thu phải dừng sản xuất hoặc kéo giãn thời vụ gieo trồng. Do đó, việc chuyển đổi trên diện tích đất lúa thiếu nước ở vụ hè thu sang canh tác cây trồng cạn ngắn ngày, sử dụng ít nước là yêu cầu cấp thiết của các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
Theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, để ứng phó với tình hình hạn hán, các tỉnh trong vùng cần chuyển đổi từ cây trồng có nhu cầu nước tưới nhiều sang cây trồng có nhu cầu nước tưới ít hơn, nhưng hiệu quả kinh tế phải tương đương hoặc cao hơn; chuyển đổi từ giống cây trồng có khả năng chịu hạn kém hơn sang giống cây trồng có khả năng chịu hạn tốt hơn.
Các đối tượng cây trồng được Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ xác định là phù hợp để chuyển đổi là: Đậu phộng, đậu xanh, đậu đen, đậu nành, mè; ngô ngọt, ngô nếp, ngô lấy hạt, ngô rau, rau cải, rau dền, rau muống, ớt, dưa leo, khổ qua, dưa hấu; cỏ, ngô sinh khối, cao lương để làm thức ăn cho gia súc và các loại cây ăn quả gồm: Xoài, dừa, mít, mãng cầu, chanh…
“Chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả phải bố trí cây trồng, mùa vụ phù hợp với điều kiện đất đai và năng lực sản xuất của nông dân; cần ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giải pháp công nghệ mới vào sản xuất cây trồng cạn mới nâng cao được năng suất, cho hiệu quả kinh tế cao”, TS Hồ Huy Cường khẳng định.
Cũng theo TS Hồ Huy Cường, chuyển đổi cây trồng cạn gồm các loại rau, màu, đậu đỗ trên đất lúa phải được quy hoạch cụ thể theo vùng, gắn với hệ thống thủy lợi; gắn với các giải pháp mùa vụ, cây trồng, công thức luân canh xen canh phù hợp với từng chân đất, tập quán canh tác để phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương.
Đặc biệt, chuyển đổi phải gắn kết chặt chẽ và chia sẻ lợi ích, trách nhiệm giữa doanh nghiệp với nông dân. Nhà nước, cơ quan khuyến nông, nhà khoa học là đầu mối chuyển giao, tư vấn kỹ thuật giúp nông dân tiếp cận và thay đổi tập quán.
“Trong công cuộc chuyển đổi cần áp dụng tối đa cơ giới hóa để giảm công lao động, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí giá thành, tăng hiệu quả sản xuất. Nông dân thường e ngại việc chuyển đổi, do phần lớn lao động nông thôn hiện đều lớn tuổi, canh tác lúa đã quen, rất ngại thay đổi. Bên cạnh đó, do thiếu hụt lực lượng lao động nông dân tích làm lúa hơn để đỡ tốn công”, TS Hồ Huy Cường chia sẻ.
“Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thuyết phục được nông dân, các địa phương cần gắn công tác chuyển đổi với thị trường để đảm bảo đầu ra cho nông sản và có chính sách hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật, công nghệ để việc chuyển đổi có thể triển khai trên diện rộng và bền vững. Để được vậy cần sự nhập cuộc đồng bộ từ các cấp ủy đảng, chính quyền để tạo sự đồng thuận trong tổ chức, triển khai, chỉ đạo thực hiện và phải được hộ nông dân thảo luận bàn bạc cụ thể”, TS Hồ Huy Cường.