Từ 1/1/2020, Luật Chăn nuôi, Nghị định và Thông tư hướng dẫn có hiệu lực thi hành. Cùng đó, Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg đã tạo ra thời cơ mới để ngành chăn nuôi hội nhập và phát triển bền vững.
Sau hơn 3 năm triển khai pháp luật, đã phát hiện một số vấn đề mới nổi, một số bất cập trong quá trình thực thi cần điều chỉnh cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế.
Đặc biệt, trong năm 2022 và 2023, Nghị định số 46/2022 NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi và QCVN 01-195:2022/BNNPTNT về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng của Bộ NN-PTNT được ban hành, giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý môi trường chăn nuôi.
Bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật về môi trường chăn nuôi, Thông tư, QCVN về thức ăn chăn nuôi cũng đã được rà soát, sửa đổi để phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã xuất hiện trở lại. Việc sử dụng chất cấm đã được phát hiện tại một số cơ sở chăn nuôi lợn, bò thịt thuộc khu vực các tỉnh miền Trung và miền Nam. Điều này không chỉ có tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng nghiệm trọng đến sản xuất ngành chăn nuôi trong nước.
Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT về việc hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi.
Thông tư hướng dẫn một số nội dung quy định bao gồm: Chỉ tiêu chất lượng thức ăn chăn nuôi bắt buộc phải công bố trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, ghi nhãn thức ăn chăn nuôi, báo cáo tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi, danh mục hoá chất, sản phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi và danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Theo đó, Bộ NN-PTNT ban hành danh mục gồm 25 hóa chất, sản phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Cụ thể: Carbuterol; Cimaterol; Clenbuterol; Chloramphenicol; Diethylstilbestrol (DES); Fenoterol; Furazolidon và các dẫn xuất nhóm Nitrofuran; Isoxuprin; Methyl-testosterone; Metronidazole; 19 Nor- testosterone; Salbutamol; Terbutaline; Stilbenes; Trenbolone, Zeranol, Melamine (với hàm lượng Melamine trong thức ăn chăn nuôi lớn hơn 2,5 mg/kg); Bacitracin Zn; Carbadox; Olaquidox; Vat Yellow 1 (tên gọi khác: flavanthrone, flavanthrene, sandothrene); Vat Yellow 2 (tên gọi khác: Indanthrene); Vat Yellow 3 (tên gọi khác: Mikethrene); Vat Yellow 4 (tên gọi khác: Dibenzochrysenedione, Dibenzpyrenequinone); Auramine (tên gọi khác: yellow pyoctanine; glauramine); Cysteamine.
Tất cả các nước trên thế giới đều cấm sử dụng Clenbuterol và Salbutamol trong chăn nuôi. Với Ractopamine, hầu hết các nước trên thế giới cũng đã cấm sử dụng. Thế nhưng ở nước ta, vì chạy theo lợi nhuận mà tình trạng người chăn nuôi sử dụng các chất cấm này vẫn ngày gia tăng trên phạm vi cả nước và rất khó để có thể kiểm soát một cách triệt để.
Trước tình hình này, lãnh đạo Bộ NN-PTNT giao Cục Chăn nuôi triển khai chương trình kiểm tra, giám sát việc sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta-Agonist (Salbutamol, Clenbuterol) và Ractopamin trong chăn nuôi.
Ngày 17/8, tại Ninh Bình, Cục Chăn nuôi tổ chức Hội nghị phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Tại Hội nghị, Cục Chăn nuôi đã phổ biến việc triển khai chương trình giám sát chất cấm thuộc nhóm Beta-Agonist (Salbutamol, Clenbuterol) và Ractopamine tại trang trại, nông hộ chăn nuôi trâu, bò, lợn tại một số địa phương.
Theo Cục Chăn nuôi, mục tiêu của chương trình là giám sát, đánh giá thực trạng việc thực thi, áp dụng pháp luật quản lý chất cấm thuộc nhóm Beta-Agonist (Salbutamol, Clenbuterol) và Ractopamine trong chăn nuôi, từ đó kịp thời đưa ra biện pháp quản lý phù hợp để đảm bảo sản phẩm chăn nuôi được sản xuất an toàn.
Nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi, người tiêu dùng và cơ quan quản lý hiểu biết và thực thi đúng pháp luật liên quan đến chất cấm thuộc nhóm Beta-Agonist (Salbutamol, Clenbuterol) và Ractopamine trong chăn nuôi.
Chương trình sẽ triển khai một số nội dung chính như: Tổ chức đoàn công tác kiểm tra thực địa tại địa phương; tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về chăn nuôi, an toàn thực phẩm trong chăn nuôi; xuất bản sách các văn bản quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm lĩnh vực chăn nuôi.
Hy vọng với những nỗ lực trong việc triển khai chương trình giám sát chất cấm thuộc nhóm Beta-Agonist (Salbutamol, Clenbuterol) và Ractopamine; sự vào cuộc, quyết tâm Bộ NN-PTNT, các cấp, các ngành cùng sự phối hợp nhịp nhàng từ địa phương… sẽ giải quyết tận gốc thực trạng chất cấm trong chăn nuôi đầy nhức nhối.