| Hotline: 0983.970.780

Đi tìm hồn cốt nông thôn mới

Hà Nam, xã kiểu mẫu vẫn còn nhiều nhà tạm

Chủ Nhật 25/09/2022 , 08:10 (GMT+7)

Những ngôi nhà tạm cấp bốn tường nứt nẻ, cột kèo mọt ruỗng, mái dột nát, võng xuống nhưng chủ không có điều kiện sửa chữa…

Thôn có 14 - 15 ngôi nhà xuống cấp

Khi tôi đến, ông Lại Văn Nhàn - Trưởng thôn Yên Thống, xã Liêm Phong (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) đang giở sổ ra chấm công cho 25 lao động dọn vệ sinh cho dải đường hoa. Mỗi công được trả 50.000 đồng, chủ yếu mang tính động viên phong trào cho những người già. Cứ 2 tháng 1 lần thôn lại tổ chức như vậy nhưng với tốc độ mọc của cỏ dại thì chỉ sau 1 tuần chúng đã lấn át hết cả hoa. Có lẽ, rút kinh nghiệm, nông thôn mới chỉ nên trồng cây bóng mát, vừa dễ chăm lại không phải làm cỏ mấy, chứ như thế này thì vất vả quá, ông Trưởng thôn than.

Empty

Ông Lại Văn Nhàn - Trưởng thôn Yên Thống đang tính công cho bà con làm cỏ đường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Nông thôn mới kiểu mẫu của thôn ông, đường làng ngõ xóm khá rộng rãi, sạch đẹp nhưng đường ra đồng vẫn là đất, thường xuyên bị xói lở khiến xe công nông đến vụ khó mà ra thu hoạch được. Kênh mương bị bồi lấp, cộng thêm đập cầu Ghéo ngăn nước nên cánh đồng làng nhiều chỗ chỉ cấy được 1 vụ, có lúc bỏ hoang hơn 40 mẫu.

Và đặc biệt theo lời ông Nhàn, thôn vẫn còn 14 - 15 nhà cấp bốn xuống cấp, trong đó 3 - 4 cái đang có nguy cơ sắp sập là nhà bà Nguyễn Thị Thảo, Lê Thị Vực, Nguyễn Thị Là và Cao Thị Hiền. Ông Lại Quang Hợp - một thương binh 72 tuổi đang sống cùng người chị tàn tật trong ngôi nhà khá dột nát. Nhưng nó vẫn là được chán so với nhà bà Cao Thị Hiền cách đó mươi mét, mái đã võng xuống tưởng như sụp đến nơi, trong khi chủ nhân vẫn còn đi biền biệt làm giúp việc trên Hà Nội.

Empty

Mái nhà bà Cao Thị Hiền đã võng xuống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sát đó là nhà bà Nguyễn Thị Là mái dột đến mức hễ mưa to phải căng bạt để che. Là người tàn tật, bà không đi lại được đã 10 năm nay, từ hồi cổng làng nông thôn mới kiểu mẫu làm xong cũng không thể ra xem nó tròn hay méo. Mỗi tháng bà được hỗ trợ 720.000 đồng, chưa đủ ăn nên phải nhận thêm khăn về nhà thêu. Tôi phải hỏi đi hỏi lại bà về tiền công bởi tưởng mình nghe nhầm, nhưng không, ngày nào chăm chỉ thì bà thêu được một chiếc khăn, được trả 7.000 - 8.000 đồng, còn không chỉ 5.000 đồng.

“Tôi làm cho nó vui và còn có tiền mua nước mắm, đậu phụ cậu ạ. Cái tủ lạnh cũ này là người ta cho nhưng không dám cắm điện, cái ti vi cũ này cũng là đồ được cho. Nhà vệ sinh tôi cũng chưa có. Lúc trời mưa tôi chỉ biết nằm mà hứng thau nước dột trong nhà chứ không đứng dậy nổi. Mấy ngày nay có một con rắn to lắm cứ bò vào mà tôi thì đau yếu không thể đuổi nó đi được...”, bà nói.

Empty

Nhà của bà Nguyễn Thị Là cứ mưa là phải căng bạt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi ra bãi rác của xã nông thôn mới kiểu mẫu Liêm Phong. Nó có mái che nhưng vẫn bị người dân đổ tràn cả ra đường, những mảnh giường, mảnh tủ hay đồ đạc cũ bị đốt cháy nham nhở vứt ngay lối vào. Cạnh đó là bãi của Liêm Cần - một xã chưa được nông thôn mới kiểu mẫu, rác ngập đường, ngập lối. Dường như người ta không buồn mang rác vào bãi mà cứ ngồi trên yên xe máy mà hất xuống.

Một cán bộ xã Liêm Phong than thở, hồi đầu các thôn cũng có tập huấn, phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ nhưng công nhận xong thì bà con lại lơ là: “Về chương trình nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đừng ra nghị quyết, giao kế hoạch cho xã thực hiện mà hãy để bao giờ các xã tự thấy mình đủ lực thì đăng ký. Mọi thành quả của nông thôn mới người dân phải được hưởng thụ, việc gì tốt cho dân thì làm, tránh hình thức. Chứ làm như bây giờ, Hà Nam bỏ qua luôn cả nông thôn mới nâng cao để xây nông thôn mới kiểu mẫu trong vòng có 1 năm là về đích, riêng về mặt môi trường thôi, xã có cố cũng chỉ dọn dẹp được rác nhưng còn hệ thống cây xanh bóng mát, không thể ngày một ngày hai là có được. Còn đường xóm có nhiều chỗ rất hẹp, xấu, thôn có nhiều nhà tạm cũng không thể làm cái là xong”.     

Empty

Bãi rác của xã nông thôn mới kiểu mẫu Liêm Phong thường đốt cháy nham nhở, vứt rác lung tung. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Lãnh đạo ở trên thấy bên dưới đề xuất thì cứ công nhận mà không nghiên cứu sâu xem về bản chất nó là thế nào, còn cán bộ ở cấp dưới chỉ hiểu lơ mơ cũng cứ thế mà thực hiện. Một phần là bệnh thành tích, một phần là không hiểu nông thôn mới ra sao. Lỗi này cả hệ thống, nên đây không phải là số ít xã nông thôn mới kiểu mẫu mang tính cá biệt mà là khá phổ biến ở nhiều nơi”, lời một cán bộ nông thôn mới xin được giấu tên.

Các gia đình chính sách vẫn sống trong nhà tạm bợ

Ông Trần Văn Hùng - Trưởng thôn Chè Kho Làng, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, cho hay đầu năm 2021 xã bắt đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đến cuối năm 2021 thì xong. “Áp lực thời gian rất lớn nhưng xác định là nếu không thực hiện được sẽ bị bỏ lỡ thời cơ, chúng tôi phải họp ngày họp đêm để bàn cách. Có những việc rất khó nhưng nhờ dân đồng thuận nên vẫn vượt qua, như con đường trục chính hơn 40 hộ phải dịch tường bao, hiến đất để mở rộng ra 5m; như xây nhà văn hóa mới trị giá 1,6 tỉ; Còn những cái chưa được như nước sạch vẫn chưa có đủ, đường một số chỗ vẫn còn nhỏ, xấu và có 2 ngôi nhà cấp bốn xuống cấp trong đó 1 là mẹ liệt sĩ, 1 là thương binh”, ông Hùng cho biết.

Empty

Nhà bà Nguyễn Thị Chín - mẹ liệt sĩ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rồi ông dẫn tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Chín, mẹ liệt sĩ, 91 tuổi, sống một mình dù có 8 người con. Vừa cơm xong, chiếc lồng bàn vẫn còn úp trên bàn nhưng bà vội vàng bê vào buồng cất. Tò mò, mở cái lồng bàn ra, tôi thấy một bát cơm với mấy quả cà mốc. Bà cười ngượng ngập: “Mấy quả cà này là thằng cháu mới mua để nó ăn chứ tôi dạo này đau răng quá, không ăn nổi. Thức ăn cũng thế, thứ gì cứng như cá, thịt rất khó nhai mà chỉ quả trứng thôi nhưng hôm nay thì ăn cơm với nước mắm. Tôi mới lấy chế độ liệt sĩ của con được 1,6 triệu/tháng, người cao tuổi được 360.000 đồng/tháng, vừa ra chợ trả nợ và trả vay con cháu đi đám cưới, đám ma giờ còn có 20.000 đồng”.

Empty

Bà Nguyễn Thị Chín - mẹ liệt sĩ đang ăn cơm với nước mắm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong ngôi nhà cũ nát, gian ngoài dột ít bà nằm, còn gian buồng dột nhiều đến cả mấy thùng thóc để cũng bị lên meo. Bà than thở: “Các anh bên thương binh xã hội hứa hỗ trợ 40 triệu để làm nhà mới nhưng do tôi không có tiền bù vào thêm nên cứ khất lại mãi”.

Rời nhà bà Chín, chúng tôi đến nhà ông Phạm Đức Tre - thương binh mất một tay, năm nay 82 tuổi đang sống một mình trong ngôi nhà cấp bốn xây bằng vôi cát, tường nứt toác từng đoạn dài cả mét. Hỏi về kế hoạch làm nhà, ông lắc đầu: “Họ hứa hỗ trợ 40 triệu nhưng số đó chỉ đủ để dỡ nhà ra chứ không đủ làm mới. Một căn nhà 3 gian giờ cũng phải 300 - 400 triệu cơ mà tôi thì mỗi tháng lương thương binh và lương mất sức chỉ được hơn 4 triệu, vừa đủ tiêu thôi”.

Empty

Nhà ông Phạm Đức Tre - thương binh mất một tay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngõ nhà ông Tre nhỏ đến mức hai con bò đi qua nhau cũng khó, rãnh thoát nước lộ thiên ngay trên mặt, nước thải của các gia đình cứ thế chảy tràn xuống ao. Đi khắp làng, tôi thấy có nhiều ao bị bỏ hoang, bèo tây mọc đầy. Có cái người ta còn phun thẳng thuốc trừ cỏ xuống để cho bèo tây chết, đỡ phải vớt. Màu bèo tây chết cháy nối với màu cỏ trên đường ra đồng chết khô nom như vành khăn tang, nhàu nhĩ cuốn quanh làng. Ông Hùng bảo, giờ thuốc trừ sâu, trừ cỏ dân dùng rất nhiều, mỗi vụ lúa 2 lượt trừ cỏ, 1 lượt trừ ốc, 2 lần thuốc sâu mà làm ruộng cũng chỉ để lấy thóc ăn chứ không có kinh tế nên chán lắm.

Empty

Ao thôn Chè Kho Làng bị phun thuốc trừ cỏ để diệt bèo tây. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sẽ thu hồi danh hiệu xã nông thôn mới kiểu mẫu nếu không đảm bảo

Chiều hôm đó, tôi có buổi làm việc với ông Nguyễn Quang Nghiệp - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Nam. Ông bảo, giai đoạn trước Trung ương không có quy định tuần tự phải làm nông thôn mới rồi nông mới nâng cao, cuối cùng đến nông thôn mới kiểu mẫu, Hà Nam đã đi thẳng từ nông thôn mới lên nông thôn mới kiểu mẫu mà bỏ qua nông thôn mới nâng cao. Một số tỉnh khác còn “thoáng” hơn, đi thẳng từ nông thôn bình thường lên luôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Giai đoạn năm 2019 - 2020 Hà Nam xác định 4 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố xây dựng mỗi đơn vị 1 xã điểm nông thôn mới kiểu mẫu nhưng về sau có nhiều xã quan tâm, đề đạt nên tỉnh mở rộng ra, công nhận 9 xã. Năm 2021 vẫn lấy tiêu chí chấm điểm của giai đoạn cũ 2019 - 2020, công nhận thêm 10 xã. Nhờ xã hội hóa, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phong trào quyết liệt nên mới đạt được như thế.

Empty

Ông Nguyễn Quang Nghiệp - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Nam: "Xã nông thôn mới kiểu mẫu nếu không đảm bảo sẽ bị thu hồi danh hiệu". Ảnh: Dương Đình Tường.

“Có 2 chủ tịch xã đã khóc thành tiếng với tôi vì khi chấm điểm, họ không được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu. Còn khóc sụt sùi mà tôi không biết chắc cũng có nhiều vì bao tâm huyết của họ dồn vào, dốc toàn lực của địa phương ra mà lại không đạt được kết quả... Dẫu vậy, ở những xã đã được công nhận, công tác duy trì bảo vệ môi trường đang gặp khó. Nếu xã nào đã thành phong trào thì tốt, còn không sẽ rơi vào tình trạng có sự kiện gì mới thực hiện.

Tỉnh rất quan tâm, hỗ trợ các xã nông thôn mới kiểu mẫu, chúng tôi cũng thường xuyên đi kiểm tra, hướng dẫn họ duy trì kết quả đạt được. Quan điểm của tỉnh là đã làm phải thực chất, nơi nào không đạt sẽ phải thu hồi danh hiệu, Hà Nam đã nói rõ như thế từ khi Trung ương còn chưa có hướng dẫn về việc này”. 

Empty

Một bãi rác của xã nông thôn mới kiểu mẫu ở huyện Thanh Liêm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi tôi cho ông Nghiệp xem những bức ảnh chụp lại hiện trạng môi trường đầy nước thải, rác bẩn, đường nhiều đoạn còn chật hẹp, xuống cấp, nhiều nhà cấp bốn xuống cấp nguy cơ sắp sập thì ông nói ngay: “Đúng là phản cảm quá, không thể là nông thôn mới kiểu mẫu mà lại như thế được! Chắc sau thời gian được công nhận họ đã lơ là. Sắp tới tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, chỉ đạo các xã khắc phục ngay chuyện môi trường ô nhiễm này.

Về bãi rác tập trung ở xã, đang có hai cách xử lý, một là đốt ngay tại chỗ, nó có sinh ra khói nhưng vì ở ngoài cánh đồng, xa khu dân cư nên cũng phát tán vào không khí, hai là chuyển đi để xử lý. Còn việc tồn tại những nhà xuống cấp thì phải thống kê lại xem có người ở hay không, nếu vẫn có thì cũng phản cảm quá. Sau đó cần rà soát lại những hộ đó có nằm trong hộ nghèo hay chính sách không để mà hỗ trợ.

Về sau này, chúng tôi đề xuất giao việc duy trì nông thôn mới, nhất là về môi trường cho Hội phụ nữ chứ không thể để chính quyền mãi lo được vì họ còn có nhiều việc phải làm. Giao việc đó cho Hội phụ nữ vì họ có năng lực nhưng không thể giao mồm được mà phải có chính sách hỗ trợ”.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cảnh báo: Vùng núi Bắc bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Các chuyên gia cảnh báo, trong những ngày tới, mưa lớn có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi Bắc bộ.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.