| Hotline: 0983.970.780

Đi tìm hồn cốt nông thôn mới

Hà Nam, xã nông thôn mới kiểu mẫu ngập nước thải và rác

Thứ Bảy 24/09/2022 , 07:40 (GMT+7)

Một vị cán bộ khoe với tôi, mắt lấp lánh niềm vui: 'Xã tôi mới được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu đấy, cả tỉnh đợt đó có mấy xã thôi cậu ạ'.

LTS: Nông thôn có đời sống, văn hóa, môi trường rất đặc trưng. Không còn hồn quê sẽ khó giữ được người quê; không còn không gian nông thôn sẽ phá vỡ cấu trúc kinh tế, văn hóa, xã hội và làm phai nhạt đi những giá trị. Xây dựng nông thôn mới là cả một quá trình, như Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói thì đó là "hành trình đồng kiến tạo", ở đó có quy hoạch, kiến trúc, có không gian cộng đồng, là nơi "cân bằng sinh thái, cân bằng cảm xúc". Phóng viên NNVN đã về các vùng quê để gửi đến bạn đọc những ghi chép chân thực nhất cả những mặt được lẫn chưa được, mặt thực chất lẫn bệnh hình thức trong xây dựng nông thôn mới ở một số làng quê để rút ra kinh nghiệm làm tốt hơn cho chương trình này trong thời gian tới.

“Ao vô cực” nổi nênh đầy chất thải

Tò mò, tôi về quê ông ở thôn Kim Lũ, xã Thanh Nguyên (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) và càng tìm hiểu càng cảm thấy hụt hẫng. Trông nó không khác gì một nông thôn bình thường thậm chí có phần là nhếch nhác. Nếu chấm điểm chính xác thì có lẽ xã Thanh Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới còn khó chứ chưa nói đến nông thôn mới kiểu mẫu, tức là một cái đỉnh, còn vượt qua cả nông thôn nâng cao.

Đường ngoài làng dài 2km, hồi làm nông thôn mới kiểu mẫu nó rộng 3m, đổ bê tông vẫn còn tạm đi lại được, hồi đầu năm nay san nền, định mở rộng ra 5m nhưng khởi công đúng vào lúc thu vụ lúa xuân, làm vụ lúa mùa nên dân đề nghị tạm dừng, sau đó thì không thấy nhà thầu đâu nữa. Giờ nó chỉ được trải tạm đá cấp phối, nắng bụi lầm, mưa thì sình lầy. Đường trong làng làm từ năm 2011, nhiều đoạn nhỏ bé, bê tông một số chỗ đã xuống cấp nứt nẻ, lỗ chỗ ổ gà nhưng vẫn đang loay hoay không mở rộng ra được bởi dân chưa ủng hộ hiến đất.

Empty

Đường ngoài thôn Kim Lũ vẫn chỉ có đá cấp phối nên nắng thì bụi, mưa thì lầy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Cù Thị Tám - một người làng than thở, đường không có rãnh thoát nước, mưa nước từ trời, cùng nước thải sinh hoạt của dân chảy tràn ra đường, ngập đến ống chân, hễ xe ô tô đi qua sóng lại đánh dập dồn vào tường, có nhà phải be bờ bằng bê tông để chặn lại nhưng rồi bị đập đi... Về xã nông thôn mới kiểu mẫu nhưng lạ cái tôi thấy khá ít cây xanh và hoa hai bên đường mà chỉ thấy những đống củi, đống vật liệu xây dựng dân bày ra khắp nơi. Tường bao của cái hồ trước đình xây tạm bợ bằng gạch ba banh, không thèm trát, bị đám rễ cây mọc xuyên qua gây nứt từng đoạn như những miếng bánh đa nướng quá lửa.

DSC_2415

Trong làng, cống rãnh lộ thiên, khi mưa nước thải tràn ngay trên mặt đường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Phạm Văn Bình - Bí thư thôn Kim Lũ cho biết, nhà văn hóa mới xây rất khang trang có 200 chỗ ngồi trên khuôn viên rộng hơn 1.000m2 thuận tiện cho người dân sinh hoạt. Đình, chùa trước đây của thôn bị tàn phá do chiến tranh, dân cũng mới góp tiền xây lại cũng vững chắc, to đẹp không kém:

“Nông thôn mới kiểu mẫu chỉ thực hiện trong 1 năm 2020 là xong, huy động sức dân rất lớn, riêng xây nhà văn hóa, làm đường điện mỗi khẩu đã đóng khoảng 1 triệu. Về nông nghiệp, thôn có quy hoạch sản xuất đa canh, mang tính hàng hóa nhưng kinh tế phụ thuộc chính vào trên 300 lao động đi làm công nhân sản xuất gấu bông, may mặc, xi măng cho các xí nghiệp trong vùng, thu nhập đạt trung bình 6-7 triệu/tháng”.

Vừa dẫn tôi đi loanh quanh, ông Bình vừa thủng thẳng kể, thôn có 4 hộ nghèo chính sách, tức những người già, cô đơn được trợ cấp xã hội mỗi tháng hơn 500.000 đồng nên cũng không tính vào danh sách nghèo nữa. Thôn có những ngôi nhà cấp bốn xuống cấp do chủ nhân đi làm ăn xa hay đã chết. Như vợ chồng ông Lê Văn Dưỡng từ hồi xây được cái nhà mái bằng không trát đã bỏ đi biền biện mấy chục năm lên Điện Biên làm thuê, giờ trên 60 tuổi vẫn chưa thấy về.

Empty

Nhà của ông Lê Văn Dưỡng bao nhiêu năm vẫn không hoàn thiện được, chủ nhân đi làm ăn xa biền biệt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vắng hơi người, cái nhà lạnh lẽo như nhà hoang, trước hiên treo tấm vải bạt rách bươm chắn bụi, cửa không có chỉ vá víu bằng vài mảnh gỗ thừa. Thỉnh thoảng cô con gái - người nhận cấy mấy sào ruộng bố mẹ để lại mới đến mở cửa, dọn dẹp, quét tước đôi chút. Hay nhà vợ chồng ông Đinh Văn Năm bị bỏ hoang mấy năm nay sau khi cả hai đều đã mất, người con trai được thừa kế cũng không đến ở. Cái ao của gia đình cũng bị bỏ hoang thành tù đọng, chứa đầy rác rưởi, cành, lá mục, nước đen như mực.

Theo báo cáo của xã Thanh Nguyên khi về đích nông thôn mới kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 75,3 triệu đồng/người và không còn hộ nghèo nữa. Nhưng khi tôi cùng ông Bí thư thôn Kim Lũ đến nhà bà Đinh Thị Hiến thì không thể xếp nó vào hạng gì, nhà cấp ba hay cấp bốn bởi nửa mái bằng, nửa mái ngói. Nửa mái bằng còn khá tốt nhưng chật hẹp, ngột ngạt, còn nửa mái ngói đã xuống cấp, rệu rã từ xà đến cột. Bà Hiến năm nay 63 tuổi, bị suy thận nên phải lọc máu thường xuyên, quả thận đã co lại thành bé tẹo.

Empty

Nhà của bà Đinh Thị Hiến. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đã nhiều lần bà viết đơn đề nghị vào hộ nghèo nhưng người ta bảo nhà còn có con trai và chồng còn khỏe nên không cho: “Đứa con trai tôi đi làm thuê chỉ đủ mồm nó tiêu, còn chồng tôi giờ già bạc tóc, sức yếu rồi mà vẫn phải đi xây, tháng được 4 - 5 triệu, có khi không đủ tiền thuốc cho vợ, nhiều lúc lăn đùng ra nằm cả tháng trời. Chúng tôi không có nợ nần, khoản gì của thôn xóm yêu cầu đều đóng góp đầy đủ, nay không được hộ nghèo cũng không dám kêu ai cả”…

Chúng tôi đến xóm Văn Bồng để chứng kiến cống rãnh lộ thiên, bốc mùi nồng nặc, một dòng xú uế chảy tràn. Dù lãnh đạo thôn nhiều khóa đã vận động hiến đất để làm cống nhưng đều bất thành. Cạnh đó là cái ao rất lớn của một cá nhân, do rãnh thoát bị tắc nên nước thải của các gia đình chảy xuống trở thành tù đọng, thường xuyên dâng ngập lên tới đường.

Mặt nước trong ao và mặt đường liền nhau không biết đâu là bờ, đâu là mép đường nên dân làng vẫn thường gọi vui là “ao vô cực”. Nếu đi xe không cẩn thận là sơ sểnh sẽ rơi ngay xuống cái “ao vô cực”, được tắm mình trong làn nước đen xì, hôi thối với đủ thứ chai lọ, túi ny lon trôi dạt bập bềnh.

Empty

Ông Bí thư thôn Kim Lũ bên cái "ao vô cực" toàn nước thải, rác thải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mọi thứ phơi bày ở bãi rác

Hiện 100 thùng rác được đặt khắp các ngõ ngách của thôn Kim Lũ, cứ 2 - 3 nhà chung nhau 1 thùng, mỗi tuần 2 lần lại chở ra bãi rác chung của 3 thôn Kim Lũ, Mộc Tòng, Phú Gia. Theo con đường khá hẹp, chắp vá lổn nhổn từ trong làng chúng tôi ra bãi rác. Nó không có mái che. Rác chất cao như đống rơm. Rác tràn cả ra đường. Người đến sau ngại vào sâu dẫm bẩn lại còn vứt ở xa hơn nữa. Những rác thải không vứt được như giường chiếu, đồ dùng cũ người dân cũng cứ chở trộm ra để quẳng đấy hay đốt luôn.

Ông Bình trầm ngâm: “Nông thôn mới kiểu mẫu mới tôi thấy chỉ được có hai thứ là nhà văn hóa và đường điện, còn nhiều thứ chưa hoàn thiện như cống rãnh chưa có, đường chưa được mở rộng, cải tạo… nhưng tôi có quyền công nhận đâu? Còn về môi trường, phải giáo dục lại ý thức của người dân chứ nhiều người còn thiếu ý thức quá!”.

Empty

Ông Bí thư thôn Kim Lũ và cán bộ xã Thanh Nguyên bên bãi rác lộ thiên của 3 thôn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rời Kim Lũ tôi sang thôn Mai Cầu, nơi có cái nhà văn hóa chỉ rộng chừng 50m2, tường thấm, hiên rụng cả mảng bê tông xuống nên trông khuyết như một người bị sứt môi. Ông Lương Văn Đa - Trưởng thôn thông tin, nó được xây dựng từ năm 1996, biết là không thể đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nhưng do dân vừa đóng góp dồn dập nhiều thứ quá, nào là làm cổng làng, làm đường, làm rãnh thoát nước, xây chùa, trồng hoa cây cảnh… mỗi khẩu cỡ 1 triệu nên không nỡ huy động tiếp. Bàn về sự hài lòng của người dân, ông bảo:

“Tôi chưa được đi những vùng nông thôn mới kiểu mẫu khác nhưng ở đây không có gì mà không hài lòng cả. Chưa bao giờ tôi thấy nông dân có được cuộc sống như ngày hôm nay, những con đường bê tông rộng 5 m chạy dọc, ngang thôn, ngay cả ngõ ngách cũng rộng 3 - 3,5m ô tô đi được. Cả thôn giờ chỉ còn 2 hộ nghèo và đói thì không có nữa”...

Empty

Nhà văn hóa thôn Mai Cầu rất nhỏ bé, xuống cấp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Làm nông thôn mới kiểu mẫu, chọn nét nổi trội về môi trường tuy nhiên nó lại là điều bức xúc nhất của nhiều xã trong huyện Thanh Liêm hiện nay. Làng xưa không có rãnh thoát nhưng nước bẩn không tràn lên đường là nhờ vào hệ thống hồ ao. Giờ phần lớn lấp đi làm nhà, làm vườn hết, nước thải, nước mưa ứ đọng lại ngay.

Empty

Chị Cù Thị Thu - Phó Bí thư xã Thanh Nguyên: "Xã nông thôn mới kiểu mẫu, chúng tôi lấy điểm nổi trội về môi trường". Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Cù Thị Thu - Phó Bí thư xã Thanh Nguyên sau khi nghe tôi phản ánh lại những việc mắt thấy, tai nghe đã không còn nói về điểm nổi trội môi trường trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương mình như ban đầu nữa.

Chị bảo, xã sẽ đôn đốc, nhắc nhở các thôn về việc này: “Năm 2014 xã chúng tôi đạt nông thôn mới rồi đi thẳng lên nông thôn mới kiểu mẫu nên có nhiều cái mới, cái vướng, bỡ ngỡ, vừa làm vừa xin ý kiến cấp trên, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Nhưng không phải do thời gian thực hiện trong có 1 năm mà chúng tôi phải làm một việc cố gắng quá đâu bởi đã xây dựng đề án hết sức chi tiết, chia các nhiệm vụ, các phần việc ra để làm theo lộ trình rồi. Tuy nhiên hỗ trợ chỉ mang tính kích cầu, còn vào cuộc chính vẫn là dân. Đúng là ở thôn Kim Lũ có những đoạn đường xuống cấp, thiếu rãnh thoát nước, ô nhiễm môi trường... Trước mắt, chưa thể làm đồng bộ được hết, chúng tôi sẽ lựa chọn những việc cấp thiết nhất cần làm ngay, đặc biệt là những việc có thể tự xử lý như vệ sinh môi trường”…

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.