| Hotline: 0983.970.780

Hai ông già mê tranh bướm

Thứ Năm 20/01/2011 , 11:09 (GMT+7)

Căn phòng hơn chục mét vuông ở phố Chùa Bộc (Hà Nội) nhiều năm qua trở thành điểm hò hẹn thân quen giữa GS.TS Bùi Công Hiển (71 tuổi) và kĩ sư Đặng Ngọc Anh (gần 80 tuổi).

GS Bùi Công Hiển (bên phải) và kỹ sư Đặng Ngọc Anh bên những bức tranh bướm

Căn phòng hơn chục mét vuông ở phố Chùa Bộc (Hà Nội) nhiều năm qua trở thành điểm hò hẹn thân quen giữa GS.TS Bùi Công Hiển (71 tuổi) và kĩ sư Đặng Ngọc Anh (gần 80 tuổi). Điều thu hút hai con người bình dị nhưng vô cùng đặc biệt ấy xích lại gần nhau tại căn phòng chật chội này đơn giản vì ở đây có rất nhiều bướm…

Làm mới tranh Đông Hồ

Chuyện bắt đầu từ năm 1992, trong chuyến công tác tại Malaysia, GS Bùi Công Hiển thấy nước bạn trưng bày rất nhiều bức tranh lạ mắt từ cánh bướm bán cho khách du lịch với giá 20 USD. Mang bức tranh ra nghiên cứu, ông Hiển phát hiện nhược điểm rất lớn là tranh để trong hộp kính đệm bông nên bắt buộc phải bảo quản tốt, việc di chuyển cũng bất tiện. Chạm đúng chuyên môn, GS Hiển nghĩ mình có thể làm đẹp hơn, thế là ông gom góp tiền mua hàng chục bức tranh bướm về nghiên cứu.

Mượn học trò căn phòng nhỏ trân tầng 2, Trung tâm Phòng trừ Mối trên phố Chùa Bộc, ông Hiển bắt tay vào triển khai ý tưởng. Để có sản phẩm phục vụ ý tưởng, ông Hiển liên tục phải xa nhà đi công tác; nay Ba Vì, mai Tam Đảo, ngày kia đã thấy ông ở tít trên Sapa, Lào Cai… GS Hiển say mê các loài bướm đến mức nhiều chuyến ông dành cả tuần, thậm chí cả tháng trời đi tìm hiểu về loài sinh vật có sức hút mê người này.  

Dẫn chúng tôi ra một góc trưng bày với cơ man nào là tiêu bản bướm, hộp đựng bướm, tranh bướm… ông Hiển cho biết tranh bướm có lợi thế màu sắc mà không họa sỹ nào có thể phối được tinh xảo như cánh bướm trong tự nhiên. Tuy nhiên, những cánh bướm lại có nhược điểm là hơi cứng, không uyển chuyển như nét cọ vẽ. Vậy là ông Hiển phải tìm những loại tranh, ảnh hợp lý và dòng tranh Đông Hồ đã được đưa vào thử nghiệm. Chẳng ngờ, đây là một lựa chọn thật sáng suốt, người họa sỹ tay ngang ấy đã thổi hồn thiên nhiên vào chính những bức tranh dân gian của dân tộc một cách đầy sáng tạo.

Sau hai năm trời một mình cặm cụi nghiên cứu, GS Hiển cảm thấy hơi hoang mang trước khối lượng công việc khổng lồ. Tự lượng sức mình khó kham nổi, ông tính nước rủ thêm bạn bè. Nhiều người thấy ý tưởng của ông trình bày thì nức lòng khen hay, song bảo hợp tác thì ai cũng lắc đầu. Cuối cùng GS Hiển đã tìm được kỹ sư Đặng Ngọc Anh về cùng “vẽ vời” với mình. Theo kỹ sư Ngọc Anh, điểm khó khăn nhất trong việc làm thanh bướm là lúc gắn cánh bướm. Do lớp phấn trên cánh rất dễ phai màu, nên việc ghép cần sự khéo léo, tỉ mỉ và vô cùng cẩn thận. 

Có nhiều bức mà hai ông phải mất cả tháng trời mới làm xong, điển hình như bức “Vinh hoa”. Vì khi soạn chất liệu là những cánh bướm ra ước đoán sẽ ngon ăn. Ai ngờ, khi ghép vào thì lại thấy có một số mảng không hợp. Vậy là bức tranh phải gác lại chờ tìm được mảng màu thích hợp. Mấy tháng sau trong một lần đi thực tế ở Sơn La, kỹ sư Ngọc Anh nghe người dân bản địa kể ở một thung lũng có rất nhiều loài bướm đẹp, vậy là ông nhờ họ dẫn đến. Sau cả tuần trời lọ mọ ở nơi rừng sâu núi thẳm, kỹ sư Ngọc Anh mới túm được những cánh bướm ở gần mấy nương hoa anh túc người dân trồng trộm để hút. Không ngờ, những cánh bướm ở đó khi mang về ghép với bức tranh ở nhà hợp một cách kỳ lạ. Nhiều bức tranh khác như: “Đám cưới chuột”, “Phú quý”, “Hái dừa”… cũng lần lượt ra đời từ đôi bàn tay của hài ông già này.

Nông dân sống khoẻ nhờ sâu bọ?

Sau những thành công bước đầu về tranh bướm, GS Hiển và Kỹ sư Ngọc Anh vấp phải một trở lực lớn, đó là tìm đâu ra nguồn nguyên liệu chủ động để sản xuất sản phẩm. Hai ông nghĩ, không thể khai thác bướm theo kiểu đi vào rừng bắt và tàn phá thiên nhiên được. Vậy là GS Hiển cùng với kỹ sư Ngọc Anh bắt tay vào việc nghiên cứu dự án bảo tồn và khai thác tài nguyên côn trùng, đặc biệt là loài bướm. Dự án này thuộc Trung tâm ứng dụng Côn trùng học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Rất may, nguyện vọng của hai ông được cấp trên ủng hộ ngay.

Kỹ sư Ngọc Anh cho biết, dự án được thử nghiệm vào năm 2007, tập trung vào việc nhân nuôi các loài bướm trong khuôn viên nhà lưới rộng 500m2 ở dưới chân núi Ba Vì. Công nghệ nhân nuôi bướm có rất nhiều ưu điểm như: không gian nhân nuôi nhỏ nhưng thu hoạch lượng côn trùng lớn; chủ động về thời gian để có số lượng bướm lớn, tạo thêm nghề mới cho người dân ở vùng ven bìa rừng, sử dụng thức ăn nhân tạo ít tốn kém…

Sau một thời gian miệt mài với bướm, dự án gây nuôi nhân tạo loài côn trùng này đã đạt được những kết quả rất tốt. Việc nhân nuôi này sẽ bảo tồn được những loài bướm quý hiếm. Đồng thời, nó có thể được sử dụng để tạo ra các bộ sưu tập mẫu vật phục vụ việc giảng dạy, du lịch và giải trí. 

GS Hiển cũng cho chúng tôi xem mô hình về quy trình kinh doanh một vườn bướm đầu tiên ở Việt Nam. Mỗi khách hàng sau khi đến tham quan vườn bướm có thể đến khu trưng bày mẫu vật các loài bướm, đồng thời mua các sản phẩm tranh bướm, hộp đựng bướm làm lưu niệm. Nếu khách hàng không thích những sản phẩm có sẵn thì có thể đến khu tự làm sản phẩm. Ở đây sẽ có nguyên liệu là những cánh bướm đã ép khô, khách có thể tự tạo cho mình thành một bức tranh rồi hoặc mang về nhà trưng bày.

Theo GS Bùi Công Hiển và kỹ sư Đặng Ngọc Anh, điều quan trọng nhất trong chu trình nuôi bướm tự nhiên là tạo công ăn việc làm ổn định cho người nông dân sống ở các vùng đệm của các vườn quốc gia. Người nông dân sẽ trồng các loài cây kí sinh chủ để các loài bướm và côn trùng tới đẻ trứng. Sau khi trứng nở thành sâu và sâu tạo kén người dân sẽ mang kén đó về treo vào nhà lưới kín, đến khi kén nở thành bướm sẽ có người đến thu mua. Mô hình này thành công sẽ tạo sự phát triển bền vững cho môi trường, xã hội. Hiện công trình đã hoàn thành và được Nhà nước công nhận, chỉ đợi có một doanh nhân, doanh nghiệp nào đó chung tay tham gia là ý tưởng trên sẽ trở thành hiện thực.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.