| Hotline: 0983.970.780

Hàng cây xanh đẹp nhất cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ bị đốn hạ

Chủ Nhật 25/06/2023 , 19:31 (GMT+7)

Hàng cây xanh dọc hai bên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ bị chặt hạ những ngày qua khiến tuyến đường đẹp nhất trở nên trống trải. Người dân bất ngờ, nuối tiếc...

Đốn hạ "lá phổi xanh" cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Tuyến đường cao tốc từ nút giao Cầu Giẽ đến nút giao Liêm Tuyền nằm hoàn toàn trên địa phận tỉnh Hà Nam được coi là một trong những cung đường đẹp nhất của cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình. Đây là đoạn đường có hàng cây xanh mướt mắt chạy dọc hai bên, chiều dài lên tới hàng chục km.

Cây xanh trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn nút giao Đại Xuyên đến nút giao Liêm Tuyền bị chặt hạ những ngày qua. Ảnh: Kiên Trung.

Cây xanh trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn nút giao Đại Xuyên đến nút giao Liêm Tuyền bị chặt hạ những ngày qua. Ảnh: Kiên Trung.

Hai hàng cây này nhiều năm qua được ví như “bức tường sinh thái” giúp con đường trở nên xanh hơn. Đối với người tham gia giao thông, hàng cây giúp làm dịu đi cái nắng oi ả, tầm quan sát khi đi đến đoạn đường này trở nên dễ chịu hơn. Ngoài ra, nó cũng chính là “bức tường” cách âm, cách bụi giúp nhà dân hai bên đường cao tốc.

Đây là một trong số ít những đoạn cao tốc hiếm hoi có hàng cây xanh vô giá. Thế nhưng, mấy tuần qua, hàng cây xanh quý báu này đã bị đốn hạ.

Anh Nguyễn Huy Bình (quê Nam Định) thường xuyên về quê theo tuyến đường này. Khi nhận ra hàng cây xanh ven cao tốc đang bị đốn hạ, anh vô cùng bất ngờ.

Cành, lá cây khô bị vứt bỏ lại các đoạn cây đã bị khai thác...

Cành, lá cây khô bị vứt bỏ lại các đoạn cây đã bị khai thác...

Nhưng quan trọng nhất, nó khiến đoạn đường đẹp nhất cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ trở nên trống trải. Ảnh: Kiên Trung.

Nhưng quan trọng nhất, nó khiến đoạn đường đẹp nhất cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ trở nên trống trải. Ảnh: Kiên Trung.

“Những lần về quê em thường đi theo cung đường này, từ Vành đai 3 chạy xuống nút giao để vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Chạy khoảng hơn 30 phút thì bắt đầu đến đoạn Cầu Giẽ - nút giao Liêm Tuyền. Bắt đầu đến đoạn này, tốc độ tối đa cho phép xe lưu thông là 120km/h. Em luôn nhớ không cần nhìn biển chỉ dẫn, bởi đến đoạn này là bắt đầu có hàng cây xanh mướt chạy dọc hai bên đường”, anh Bình cho hay.

Vì đã quá thân thuộc cung đường, đến khi có những khoảng trống khác thường do những chỗ hàng cây bị đốn hạ, anh Bình mới giật mình.

“Em không tin là đến một ngày hàng cây xanh quý giá này lại bị chặt hạ. Đó là điều không tưởng. Những ai chạy xe trên cao tốc mới hiểu, một bóng cây xanh nó quý giá cỡ nào. Nó giúp mắt nhìn dịu lại từ đó quan sát kỹ hơn, chưa nói đến giá trị sinh học của cây xanh, tác dụng che chắn bụi, tiếng ồn… giúp các nhà dân dọc hai ven đường”, anh Bình nói.

Hàng keo tuổi đời hơn chục năm có đường kính thân lên tới 30cm đang bị đốn hạ. Ảnh: Kiên Trung.

Hàng keo tuổi đời hơn chục năm có đường kính thân lên tới 30cm đang bị đốn hạ. Ảnh: Kiên Trung.

Thời điểm hiện tại, hàng cây xanh trên cao tốc Pháp Vân đoạn từ Cầu Giẽ đến nút giao Liêm Tuyền đang bị chặt hạ theo kiểu cách đoạn. Hàng cây xanh có tuổi đời khoảng hơn chục năm, chiều cao 4 - 5m, đường kính thân to hơn bắp đùi người lớn. Những đoạn cây đã bị chặt hạ để lộ ra một khoảng trống hoác. Cành, lá vẫn còn bị vứt bỏ lại hai bên đường khiến cung đường trở nên trơ trọi, trống hốc.

Hàng cây trên chủ yếu là giống cây keo tai tượng, tuổi đời trên dưới chục năm. Những đoạn cây bị chặt hạ chỉ trơ lại gốc nham nhở, có những cây đường kính lên tới 30cm.

“Thật đáng tiếc. Em thường xuyên quan sát và để ý, hàng cây không hề sâu mọt nếu lấy lý do này để đốn hạ nó. Trồng được một hàng cây xanh như thế này, thời gian lên tới cả chục năm”, anh Nguyễn Long (quê Thái Bình), người thường xuyên di chuyển trên cung đường này chia sẻ.

Anh Long cho hay, cách nay chừng ba tuần, anh đã thấy một số đoạn cây xanh bị chặt hạ. Anh nghĩ rằng người ta chỉ chặt tỉa cây trước mùa mưa bão chứ không nghĩ là sẽ chặt bỏ hoàn toàn.

“Người ta khai thác thân cây, và đưa lên xe tải chở đi, hệt như người dân vùng núi trồng rừng keo để sản xuất. Tôi không nghĩ người ta lại tận dụng đất hai bên đường cao tốc để trồng cây làm kinh tế. Cây hai bên đường có nhiều mục đích, nhưng mục đích lớn nhất là làm hành lang xanh dọc hai bên đường, vừa có ý nghĩa bảo vệ môi trường, là dải phân cách mềm che chắn bụi, tiếng ồn cho nhà dân hai bên. Đây là phương án hiệu quả nhất và mang lại ý nghĩa lớn nhất”, anh Long phân tích.

Chặt hạ 100.000 cây keo 10 năm tuổi

Nhiều ngày qua, hàng cây xanh dọc cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ bị chặt hạ khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, bức xúc. Nhất là thời điểm hà Nội vừa trải qua những ngày nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời lên tới 40 độ C, nhiệt độ trên mặt đường nhựa giờ cao điểm vượt 40 độ. Việc đốn chặt cây xanh càng khiến dư luận bất bình.

Những gốc cây nằm lại...

Những gốc cây nằm lại...

Lá khô và khoảng trống sau khi hàng cây xanh bị chặt hạ. Ảnh: Kiên Trung.

Lá khô và khoảng trống sau khi hàng cây xanh bị chặt hạ. Ảnh: Kiên Trung.

Lý giải sự việc trên, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) cho hay: Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được tổ chức thông xe và đưa vào khai thác tạm từ cuối năm 2011. Trong quá trình khai thác, tình trạng người dân trèo rào đi vào đường cao tốc, chăn thả rông gia súc trong phạm vi hàng rào đã ảnh hưởng đến mỹ quan, gây mất trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó, tiếng ồn từ đường cao tốc đi qua một số khu vực có dân cư sinh sống cũng ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Nhằm tạo cảnh quan môi trường, giảm thiểu tiếng ồn, giúp tài xế lái xe an toàn và ngăn người dân trèo rào, chăn thả rông gia súc trong phạm vi hàng rào, năm 2014 VEC đã phát động phong trào trồng cây dọc các tuyến đường cao tốc, trong đó có cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Tuy nhiên, kinh phí trồng cây tương đối lớn nên phong trào trồng cây dọc các tuyến đường cao tốc gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, đơn vị quản lý khai thác đã xã hội hóa công tác trồng cây, mời gọi các đơn vị có chuyên môn cùng tham gia.

Cây keo có đường kính gốc lên tới 30cm. Ảnh: K.Trung.

Cây keo có đường kính gốc lên tới 30cm. Ảnh: K.Trung.

Ngày 05/6/2015, Công ty cổ phần Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) đã ký Hợp đồng số 078/2015/HĐHT/VEC O&M-DG với Công ty TNHH D&G Việt Nam về việc hợp tác, đầu tư và phát triển hàng lang trống hai bên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Theo đó, Công ty D&G Việt Nam chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí trong quá trình trồng, chăm sóc cây dọc hai bên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; chủng loại cây được trồng là cây keo tai tượng; phạm vi trồng là chân taluy và trên các bệ phản áp.

Số lượng cây trồng dự kiến khoảng 180.000 cây, tuy nhiên đến nay số lượng cây sống khoảng 100.000 cây. Theo hợp đồng giữa hai bên, VEC O&M được hưởng 10% lợi nhuận sau khi đã trừ các chi phí.

Hàng cây xanh 'đẹp như mơ' trên Pháp vân - Cầu Giẽ sẽ bị xóa sổ gây tiếc nuối. Ảnh: Kiên Trung.

Hàng cây xanh "đẹp như mơ" trên Pháp vân - Cầu Giẽ sẽ bị xóa sổ gây tiếc nuối. Ảnh: Kiên Trung.

Giải thích về việc chặt hạ cây xanh đúng thời điểm đầu mùa nắng nóng, VEC lý giải, quá trình trồng cây, Công ty TNHH D&G Việt Nam đã vi phạm trồng một số cây trên mái taluy âm chưa phù hợp với quy định theo Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Do đó, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, đánh giá và yêu cầu cắt bỏ các cây vi phạm nêu trên.

Tiếp đó, VEC đã chỉ đạo VEC O&M cùng đối tác tiến hành chặt bỏ cây trồng không phù hợp từ năm 2017.

Sau nhiều văn bản chỉ đạo, đầu tháng 4 vừa qua, Công ty D&G Việt Nam đã triển khai chặt hạ cây keo hai bên đoạn đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, thời gian kéo dài đến đầu tháng 10/2023.

Ngoài lý do trên, VEC cho biết việc chặt hạ hai hàng cây xanh ven đường là để chuẩn bị cho việc thực hiện đầu tư mở rộng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn từ nút giao Đại Xuyên đến Liêm Tuyền từ 4 làn xe lên 6 làn xe.

“Quá trình chặt hạ cây xanh dọc đường cao tốc, Công ty TNHH D&G Việt Nam cam kết đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong quá trình cắt tỉa cây keo tại mái ta-luy; không để cây đổ ra đường xe chạy, làn dừng khẩn cấp, đường gom dân sinh…”, VEC thông tin.

Tuy nhiên, với việc chặt hạ "hàng rào sinh thái", "lá phổi xanh" của cao tốc, hàng cây xanh đẹp đẽ sẽ vĩnh viễn biết mất khiến người dân không khỏi tiếc nuối.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.