| Hotline: 0983.970.780

Hành trình từ kính hiển vi lên bàn ăn của con hàu Thái Bình Dương

Thứ Năm 05/09/2019 , 07:01 (GMT+7)

Sau 7-8 tháng sinh trưởng, từ những hạt nhỏ li ti, những con hàu Thái Bình Dương trưởng thành, béo ngậy, đầy dinh dưỡng và trở thành đặc sản trong các món hải sản.

Khi đến thăm Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Bắc tại đảo Cát Bà, Hải Phòng, chúng tôi có dịp tìm hiểu về quá trình sinh trưởng của hàu Thái Bình Dương, được nhân giống thành công và nuôi rộng rãi ở các tỉnh ven biển, đặc biệt là Hải Phòng, Quảng Ninh.

Trong ảnh là những con hàu giống mới vài ngày tuổi, phải quan sát trên kính hiển vi mới thấy rõ. Ảnh: Tùng Đinh.

Tại trung tâm, hàu Thái Bình Dương giống được nghiên cứu, ương đến khi bám chắc vào các giá thể mới đem bán cho người nuôi. Trước khi bám vào giá thể, hàu giống chỉ li ti như những hạt bụi trong nước, rất khó quan sát. Ảnh: Tùng Đinh.
Giá thể làm chỗ bám cho hàu giống thường được tận dụng từ vỏ hàu trưởng thành sau khi khai thác ruột. Đây là sáng kiến không những giúp tận dụng nguồn vỏ thải có sẵn, giá rẻ mà còn bảo vệ môi trường, giảm chi phí tiêu hủy vỏ sò sau khi khai thác. Ảnh: Tùng Đinh.
Cận cảnh hàu giống bám lên giá thể, hình ảnh được chụp khi hàu được khoảng 10 ngày tuổi, đây mới chỉ là giai đoạn đầu trong quá trình nuôi hàu thương phẩm. Mỗi vỏ hàu giá thể này có đến hàng trăm con hàu giống bám vào cả 2 mặt, tuy nhiên, khi trưởng thành mật độ của chúng không dày đặc như vậy nữa. Ảnh: Tùng Đinh.
Bể thả giá thể nuôi hàu giống. Trong quá trình nuôi hàu giống, giá thể được đặt với mật độ cao, hàu giống bơi trong bể, bám tự do vào các giá thể. Do còn yếu, giai đoạn này hàu giống được bổ sung thức ăn liên tục và chúng ăn tảo biển. Ảnh: Tùng Đinh.
Tại Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Bắc, thức ăn cho hàu giống được chuẩn bị trong một phòng nuôi riêng. Trong phòng này có nhiều loại tảo khác nhau nhưng dễ dàng phân biệt bởi màu xanh và nâu, có mùi chua đặc trưng và được duy trì ở nhiệt độ lạnh để tảo sinh trưởng trong tầm kiểm soát. Các loại tảo này được nuôi với mật độ cao, khi đem cho hàu ăn sẽ phải hòa loãng. Ảnh: Tùng Đinh.
Sau khi được tuyển chọn, hàu giống được vận chuyển ra các vùng biển xa, lặng gió, sạch để nuôi thả. Hiện có 2 hình thức nuôi phổ biến nhất đối với hàu Thái Bình Dương, đầu tiên là nuôi bè tre như trong ảnh. Mỗi thanh tre dài khoảng 8-10m, trên đó treo các dây giá thể, mỗi dây có khoảng 4-6 giá thể, cách nhau 20-30cm tùy theo chủ bè. Đây là hình thức nuôi sơ khai đang dần bị thay thế ở các hộ nuôi quy mô lớn. Ảnh: Tùng Đinh.
Phương pháp nuôi mới đang được áp dụng nhiều hiện nay là nuôi bằng dây phao. Mỗi dây như trong ảnh dài khoảng 200-250m và cũng treo giá thể cách nhau 20-30cm như bè tre, dùng phao xốp để giữ nổi và 2 đầu dây được treo vào cọc để định vị. Do được nuôi trong các vùng vịnh lặng gió, lặng sóng nên các mô hình nuôi này ít bị thời tiết đe dọa. Ảnh: Tùng Đinh.
Trong quá trình sinh trưởng, những con hàu giống lọc nước biển ăn tảo và tăng kích cỡ nhưng vẫn bám xung quanh giá thể gốc. Do đặc điểm sinh dọc của hàu Thái Bình Dương, các dây treo chỉ dài khoảng 40-50cm dưới mặt nước do ở độ sâu lớn hơn, hàu sẽ không kiếm được thức ăn, không lớn được và lãng phí giống. Ảnh: Tùng Đinh
Quá trình nuôi hàu Thái Bình Dương kéo dài từ 7-8 tháng. Sau khi đạt kích thước, quá trình thu hoạch hàu được thực hiện rất đơn giản, chỉ cắt dây treo, kéo từng chùm hàu lên rồi tách và phân loại ngay trên biển trước khi đưa vào đất liền xịt rửa và phân loại kỹ hơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong ảnh là những chùm hàu khoảng 5 tháng tuổi, chưa đạt kích thước thu hoạch nhưng đang phát triển rất đẹp trên giá thể gốc. Do hàu tự lọc nước biển không cần chăm sóc, bổ sung thức ăn nên có thể xem những trang trại hàu như các nhà máy lọc nước tự nhiên, giúp cải thiện môi trường.

Cũng vì nguyên nhân này mà các khu vực nuôi hàu phải đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ tránh làm hàu bị ô nhiễm theo thức ăn và gây hại cho người sử dụng. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang sở hữu diện tích mặt nước nuôi hàu Thái Bình Dương khổng lồ, trong đó đa số thuộc địa phận huyện Vân Đồn. Một trong những điểm nuôi hàu lớn nhất của huyện này là xã Bản Sen, nằm ở phía Đông Bắc vịnh Bái Tử Long.

Trong ảnh là những con hàu Thái Bình Dương vừa được thu hoạch lên từ các bãi nuôi dây, một trong những đặc sản biển có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.