Trong khi để cho dòng suy nghĩ tuôn ra qua lời nói, phụ nữ khám phá ra mình muốn gì và tình cảm của mình ra sao? Nhưng quá trình xử lý thông tin của đàn ông lại khác. Trước khi người chồng nói, họ thường im lặng suy nghĩ, tìm tòi một giải pháp. Phương án đó thường hình thành trong đầu rồi mới thể hiện ra ngôn ngữ. Quá trình này có thể dăm mười phút đến vài giờ. Và nếu vẫn không có đủ dữ liệu để đưa ra cách giải quyết, người đàn ông sẽ lầm lì, ai hỏi cũng không muốn nói. Chẳng lẽ lại bảo: "Tôi chưa tìm ra giải pháp. Tôi cần suy nghĩ thêm”.
Ảnh minh họa |
Chính điều này thường làm phụ nữ khó hiểu. Nhiều người vợ thấy chồng rơi vào tình trạng như vậy thường băn khoăn: "Tại sao anh cứ ngồi im như thế? Anh đang suy nghĩ gì à?”. Thấy chồng tiếp tục im lặng là vì chưa biết phải nói gì, phụ nữ lại hiểu sự im lặng này là "cô thì biết gì” và họ cảm thấy bị tổn thương.
Cho nên, nếu không nắm được đặc điểm tâm lý giới tính của đàn ông, sẽ không bao giờ bạn hiểu được chồng và bạn sẽ có những phản ứng không phù hợp. Nữ chuyên gia tâm lý Bettina Arnt cho rằng, sở dĩ đàn ông ít bộc lộ nỗi niềm hơn phụ nữ là do “gien” di truyền tổ tiên để lại. Từ thời tiền sử đã có sự phân công lao động giữa nam và nữ. Phụ nữ trồng trọt, hái lượm còn đàn ông săn bắt, chiến đấu. Muốn săn bắt có kết quả, họ không chỉ cần dũng cảm mà còn phải biết ẩn nấp, mai phục. Nếu trong khi ẩn nấp lại nói luôn mồm thì lộ hết còn săn bắt gì. Hàng vạn năm như thế đã khiến cho đàn ông biết giữ mồm giữ miệng. Trong khi lao động hái lượm, trồng trọt cho phép phụ nữ vừa làm vừa trò chuyện râm ran.
Nhà tâm lý nổi tiếng John Gray dùng hình ảnh “người đàn ông đi vào cái hang” để nói về thói quen muốn ẩn mình vào thế giới riêng của họ. Ông cho rằng, người vợ càng muốn chồng chóng trở lại với mình thì anh ta lại càng nằm lì trong “cái hang” đó. Anh ta sẽ không ra khỏi hang nếu cảm thấy vợ phản đối việc mình ở trong đó, ngay cả khi anh ta đang định ra. Nhà tâm lý khuyên, trong tình huống đó, những người vợ khôn ngoan không nên phản đối nhu cầu cần được ở một mình của chồng. Không kè kè đeo bám bắt anh ta phải nói chuyện. Không tỏ thái độ lo lắng hay thương hại anh ta. Tốt hơn hết hãy đi làm việc gì mình thích chứ đừng biến anh ta thành mối quan tâm duy nhất của bạn. Tiếc thay, đa số người vợ lúc ấy thường nghĩ giá anh ấy chịu chia sẻ với mình thì sẽ khá hơn. Họ muốn giúp đỡ đàn ông theo cách mà họ muốn được người khác giúp đỡ mình. Ý định thì tốt nhưng kết quả thường ngược lại. Cho nên muốn chiều chồng, có những lúc bạn chỉ cần để mặc chồng được… im!
Nói chung phụ nữ có nhu cầu trò chuyện cao hơn nam giới. Hai người bạn gái hợp chuyện có thể ngồi với nhau hàng tiếng. Vì thế khi kết hôn họ cũng hy vọng có người “buôn chuyện” hàng ngày. Tiếc thay khó tìm thấy trên đời một người đàn ông thích “buôn” với vợ. Song đã là vợ chồng, dù không nói với vợ nhưng ít nhất đàn ông phải biết nghe. Đa số phụ nữ cần người chồng biết lắng nghe. Họ không cần lời khuyên cũng chẳng cần giải pháp, chỉ cần biết lắng nghe đã là chia sẻ rồi.
Hãy thử quan sát một cuộc họp có cả nam và nữ, nam giới thường nói rất hăng, bởi vì đó là chỗ tranh tài cao thấp, còn nói với vợ thì tranh cái gì? Vì vậy họ chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Một chị phàn nàn rằng không có cuộc sống nào bực mình hơn là sống với người chồng của chị. Chuyên viên tư vấn gợi mở: “Chắc vợ chồng không hợp nhau?”. Chị trả lời ngay: “Nếu thế đã chẳng buồn. Đằng này, anh ấy đi làm về cứ ngồi im như bụt mọc. Tôi phải gợi chuyện: "Hôm nay cơ quan anh có chuyện gì à?". Anh ấy đáp: "Không. Bình thường". Cứ như bí mật quân sự, ghét ghê. Có khi cả buổi tối, chẳng ai nói với ai câu nào. Nhưng một lần, tôi cùng anh ấy đến chơi nhà người bạn, tôi vô cùng ngạc nhiên thấy anh ấy nói luôn mồm, còn kể cả chuyện tiếu lâm nữa. Thế ra, chỉ với riêng tôi anh ấy không nói là sao?”.
Buổi tối trong gia đình, ông chồng ngồi lẳng lặng nhâm nhi chén nước trà vừa theo dõi ti-vi hay đọc báo là lúc tâm trạng họ thanh thản, mãn nguyện đấy. Người vợ yêu chồng nên để cho họ được hưởng thụ bầu không khí êm đềm mà ta thường gọi là hạnh phúc gia đình.
Hóa ra vợ chồng muốn hạnh phúc, phải hiểu đặc điểm tâm lý của nhau. Chồng năng chuyện trò, lắng nghe vợ. Vợ lại thông cảm với sự im lặng của chồng. Những điều đó có đòi hỏi bạn phải cố gắng quá không? Thiết nghĩ không có gì khó cả, nhiều khi chỉ vì chúng ta không biết mà thôi!