| Hotline: 0983.970.780

Heo giống hạ, thức ăn chăn nuôi đứng giá, người nuôi có lãi

Thứ Sáu 09/09/2022 , 15:19 (GMT+7)

Đẩy mạnh tái đàn heo để phục vụ thị trường dịp cuối năm nhưng chú trọng đặc biệt công tác phòng, chống dịch bệnh, đó là chủ trương của huyện Hoài Ân, Bình Định.

Vựa heo tái đàn đón thị trường Tết

Chỉ còn mấy tháng nữa là hết năm 2022, huyện trung du Hoài Ân (Bình Định), nơi được mệnh danh “vựa heo lớn nhất miền Trung” đang nỗ lực đẩy mạnh tái đàn để phục vụ thị trường dịp Tết. Trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi vẫn rập rình gây hại, ngành chức năng huyện phải đồng thời vừa động viên người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn heo vừa chú trọng công tác phòng trừ dịch bệnh.

Không phải tự nhiên mà Hoài Ân được mệnh danh là “vựa heo lớn nhất miền Trung”, để được có danh xưng này, đã nhiều năm nay, tổng đàn heo ở Hoài Ân luôn chiếm trên 1/3 tổng đàn heo của tỉnh Bình Định với gần 300.000 con. Có lẽ đây là huyện có phong trào nuôi heo mạnh nhất so với các huyện của các địa phương trong khu vực. Minh chứng là hiện ở Hoài Ân có 32 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn, trong đó có 5 trang trại chăn nuôi công nghệ cao.

Ngoài ra, Hoài Ân còn có 62 trang trại chăn nuôi heo có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, 1.926 trang trại quy mô vừa và nhỏ áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng công nghệ trong xử lý môi trường và trên 8.000 hộ chăn nuôi heo quy mô nhỏ lẻ.

Trong đó, nổi bật có trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao Phú Hưng tại xã Ân Mỹ với qui mô trên 2.400 nái sinh sản, hàng năm xuất chuồng 24.500 heo giống, doanh thu trên 75 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Văn Bình, người nuôi heo ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) đang chăm sóc đàn heo vừa tái đàn. Ảnh: ĐT.

Anh Nguyễn Văn Bình, người nuôi heo ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định) đang chăm sóc đàn heo vừa tái đàn. Ảnh: ĐT.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá heo trên địa bàn Hoài Ân luôn ổn định mức giá xấp xỉ 60.000đ/kg hơi, trong khi giá thức ăn chăn nuôi “cầm chừng” chứ không tăng thêm, nhờ đó, người chăn nuôi heo có lãi. Hiện nay, giá heo hơi nuôi trong dân ở Hoài Ân có giá dao động từ 58.000đ-60.000đ/kg hơi; còn giá heo nuôi theo hướng công nghệ cao, giống siêu thịt có giá khoảng 65.000đ-67.000đ/kg. Với cái giá này, nông dân chăn nuôi nông hộ có lãi ròng từ 500.000đ-600.000đ/con heo.

Theo anh Nguyễn Văn Bình, người có thâm niên hơn 10 năm chăn nuôi heo ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định), cho biết: “Từ đầu năm đến nay, giá heo hơi nuôi trong dân luôn ổn định mức giá xấp xỉ 60.000đ/kg hơi, có thời điểm điểm tăng đến 67.000đ/kg.

Vào khoảng tháng 6/2022, giá heo có tuột xuống còn hơn 40.000đ/kg, nhưng sau đó tăng dần lên, hiện nay đang đứng giá 58.000đ-60.000đ/kg. Với cái giá này, người chăn nuôi nông hộ cầm chắc có lãi từ 500.000đ-600.000đ/con. Bởi, giá heo giống hiện đang ở mức thấp, cùng thời điểm này năm trước giá heo giống còn từ 800.000đ đến 1 triệu đồng/con, nhưng nay hạ chỉ còn 500.000đ-600.000đ/con.

Vợ anh Nguyễn Văn Bình đang tắm cho đàn heo để chúng phát triển kịp cung ứng cho thị trường dịp cuối năm. Ảnh: ĐT.

Vợ anh Nguyễn Văn Bình đang tắm cho đàn heo để chúng phát triển kịp cung ứng cho thị trường dịp cuối năm. Ảnh: ĐT.

“Thêm vào đó, khoảng 4-5 tháng nay, thức ăn chăn nuôi công nghiệp giữ mức giá cũ chứ không tăng thêm; hiện giá thức ăn cho heo sinh sản khoảng 350.000đ/bao (50kg), thức ăn cho heo thịt hơn 400.000đ/bao, cho heo con hơn 500.000đ/bao, tính bình quân là thức ăn chăn nuôi cho các loại heo hiện nay khoảng 400.000đ/bao. Với giá heo giống thấp như hiện nay, thêm vào đó giá thức ăn chăn nuôi ổn định, sau 4 tháng nuôi, mỗi con heo sau khi trừ tất tần tật chi phí người chăn nuôi còn cầm chắc có lãi ròng 500.000đ-600.000đ”, anh Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

Tự tin tái đàn

Chăn nuôi heo được xem là nghề chính của nông dân huyện Hoài Ân, ngoài những trang trại lớn, nghề nuôi heo còn phát triển rất mạnh trong nông hộ. Ở Hoài Ân nhà nhà nuôi heo, người người nuôi heo, hộ nuôi ít nhất cũng 20-30 con, hộ nuôi nhiều cũng cả vài ba trăm con. Trong thời gian qua, dù phải trải qua mấy năm ảnh hưởng dịch Covid-19, cùng lúc là dịch tả heo Châu Phi luôn rình rập gây hại, nhưng tổng đàn heo ở Hoài Ân theo con số thống kê luôn trên 250.000 con, thực tế số heo nuôi trong dân còn cao hơn nữa.

Trong bối cảnh khắp nơi khó khăn về kinh tế như hiện nay, mà nuôi một con heo có lãi 500.000đ-600.000đ là quá hấp dẫn với người chăn nuôi ở nơi được mệnh danh là “vựa heo lớn nhất miền Trung”. Vì vậy, hiện nay người nuôi heo ở Hoài Ân đang nô nức tái đàn để kịp có sản phẩm phục vụ dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Bởi, theo người chăn nuôi ở đây, thức ăn chăn nuôi trước đây còn có chất tăng trọng nên nuôi heo khoảng 3 tháng là đã đủ trọng lượng để bán, nhưng nay trong thức ăn chăn nuôi không còn chất này, nên phải nuôi đến 4 tháng mới có heo bán. Do đó, ngay từ bây giờ phải lo tái đàn để đến Tết mới có heo xuất chuồng.

4 tháng nay giá thức ăn chăn nuôi không tăng thêm nên người chăn nuôi có lãi. Ảnh: ĐT.

4 tháng nay giá thức ăn chăn nuôi không tăng thêm nên người chăn nuôi có lãi. Ảnh: ĐT.

Ví như anh Nguyễn Văn Bình, người nuôi heo ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân), từ đầu năm đến nay anh đã xuất chuồng nhiều lứa, khi thì vài ba chục con, khi thì năm bảy chục con, tính đến nay anh đã xuất chuồng gần 200 con heo thịt, khoảng gần 20 tấn heo hơi.

Cứ tính mỗi con heo anh Bình có khoản lãi ròng 600.000đ, với 200 con heo anh Bình xuất chuồng đã mang lại cho anh khoản lãi ròng 120 triệu đồng. Vì vậy, hiện nay anh đang thả giống tái đàn 100 con heo để phục vụ thị trường dịp Tết. Song song với việc tái đàn heo, anh Bình chú trọng đến công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi để bảo toàn đàn heo của mình.

“Trong chuồng nhà tôi luôn có 100 con heo thịt và 14 heo nái sinh sản để lấy giống. Chuồng nuôi của tôi không khép kín, nên tôi phải giăng chung quanh chuồng 2-3 lớp lưới để ngặn chặn ruồi, muỗi xâm nhập vào chuồng. Bởi, ruồi muỗi dễ mang vi rút dịch tả heo châu Phi từ các chuồng đã nhiễm bệnh vào chuồng lây lan cho đàn heo của mình. Khi bán heo xong, tôi nấu nước sôi chế hết lên nền chuồng để sát khuẩn mới thả tiếp lứa heo mới. Thương lái đến mua heo tôi cũng chế xăng đốt hết những lồng đựng heo của họ để ngăn chặn vi rút tồn tại trong khu vực chuồng nuôi của mình”, anh Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Túc, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, hiện nay trên địa bàn huyện này có 5 trang trại chăn nuôi heo sinh sản theo hướng công nghệ cao có quy mô từ 3.000-10.000 con chuyên cung cấp con giống cho người chăn nuôi. Đặc biệt, từ các trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn đến những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Hoài Ân đều có nuôi heo nái sinh sản để chủ động nguồn heo giống. Đây là lợi thế lớn cho người chăn nuôi heo ở đây.

Hiện nay, đàn nái sinh sản ở huyện Hoài Ân đang có khoảng gần 60.000 con. Cứ tính mỗi heo nái 1 năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa bình quân 10 con heo giống. Như vậy, mỗi năm Hoài Ân chủ động được khoảng 1,2 triệu con heo giống, đủ cung ứng cho người chăn nuôi trên địa bàn. Heo giống sản xuất tại nông hộ vừa giảm chi phí đầu vào cho người chăn nuôi, vừa tạo được niềm tin là con giống không bị nhiễm bệnh.

“Trong tình hình dịch tả heo châu Phi vẫn chưa chấm dứt, nhưng theo chủ trương của huyện Hoài Ân là động viên người chăn nuôi tái đàn heo để cung ứng cho thị trường dịp cuối năm, Phòng NN-PTNT đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn, đồng thời chỉ đạo cho các địa phương tiến hành tổ chức tiêu độc, sát trùng chuồng trại của các hộ nuôi. Hiện Phòng NN-PTNT huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân hỗ trợ cho người chăn nuôi trên địa bàn trên 360 lít thuốc sát trùng để vệ sinh chuồng trại phục vụ cho công tác tái đàn”, ông Nguyễn Văn Túc, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân.

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.