Với định hướng phát triển đô thị, du lịch gắn với làng nghề truyền thống, Thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) đã vận động các hộ dân sản xuất bột không tái đàn hoặc đổi mới công nghệ sản xuất bột không gắn liền với chăn nuôi heo để bảo vệ môi trường và phát triển du lịch làng nghề.
Nghề làm bột ở Thành phố Sa Đéc đã tồn tại hơn 100 năm qua với hơn 300 hộ sản xuất, tập trung chủ yếu ở xã Tân Phú Đông và một phần ở phường 2 và xã Tân Quy Tây. Trước nay, tập quán sản xuất của bà con làng bột là lấy bột cặn để chăn nuôi heo kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, việc chăn nuôi lại gây ra ô nhiễm môi trường, người dân thường thua lỗ do dịch bệnh, giá cả bấp bênh.
Để phát huy giá trị của làng nghề trăm tuổi này, UBND Thành phố Sa Đéc đã có kế hoạch phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống, Thành phố đã có chủ trương thu hẹp dần đàn heo, vận động bà con làng nghề không tái đàn.
Theo đó, địa phương đã hỗ trợ bà con tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại, hỗ trợ vốn đầu tư máy móc, thiết bị. Hiện tại, làng bột đã có nhiều cơ sở đầu tư máy móc, thu mua bột cặn để sấy khô, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, từ đó giúp bà con giải quyết bài toán khó về tiêu thụ bột cặn, vừa có thêm thu nhập.
Từng là địa phương có tổng đàn heo lớn nhất nhì của tỉnh Đồng Tháp, có lúc cao điểm Thành phố Sa Đéc có tổng đàn heo lên đến 55 ngàn con. Tuy nhiên hiện nay, tổng đàn heo trên địa bàn thành phố đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 3.000 con.