| Hotline: 0983.970.780

Hòa Bình: Nhiều hợp tác xã áp dụng tưới tiết kiệm ứng phó hạn hán

Chủ Nhật 28/06/2020 , 09:40 (GMT+7)

Hòa Bình được xem là một trong những địa phương tiên phong trong ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước vào sản xuất, bước đầu đưa lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Công nghệ tưới nhỏ giọt quấn vòng quanh gốc cây ăn quả ở Hòa Bình. Ảnh: Trần Hồ.

Công nghệ tưới nhỏ giọt quấn vòng quanh gốc cây ăn quả ở Hòa Bình. Ảnh: Trần Hồ.

Bước đầu hiệu quả

Theo Sở NN – PTNT Hòa Bình, đến hết năm 2019 trên toàn tỉnh có 893ha cây trồng cạn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm; trong đó sử dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt trên cây công nghiệp, cây ăn quả có múi và một số diện tích trồng rau quả công nghệ cao.

Bước đầu, việc áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm đem lại hiệu quả bằng việc giảm công lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu tư vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới…

Cây ăn quả có múi được áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt quấn quanh gốc, trải theo hàng; công nghệ tưới phun mưa được áp dụng trên 500ha tại các huyện Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi…Vận hành công nghệ tưới tiết kiệm bước đầu áp dụng phương thức bán tự động.

Đối với sản xuất rau, quả, việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm còn hạn chế. Một số doanh nghiệp áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước như: Cty TNHH MTV Hòa Bình GAP áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel có diện tích 1ha nhà màng; Cty Cổ phần SkyFarm áp dụng tưới nhỏ giọt và phụn sương diện tích 0,8ha nhà màng.

Sản xuất chè đã áp dụng tưới phun quy mô hộ trên một số diện tích thuộc Cty TNHH MTV Sông Bôi – Lạc Thủy với 120ha. Các diện tích còn lại canh tác phụ thuộc tự nhiên hoặc sử dụng biện pháp tưới thủ công, tưới tràn.

Ông Trần Quốc Toản, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hòa Bình đánh giá: “Mặc dù chưa có đánh giá cụ thể hiệu quả áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đối với từng loại cây trồng cạn nhất định. Tuy nhiên việc áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước có thể giúp tăng năng suất 10 - 15%; giảm chi phí lao động để tưới và chăm sóc từ 20 - 30%; lượng nước tiết kiệm được so với tưới truyền thống từ 20 - 50% tùy thuộc vào công nghệ áp dụng”.

Công nghệ tưới phun sương áp dụng trên cây trồng ngắn ngày. Ảnh: Trần Hồ.

Công nghệ tưới phun sương áp dụng trên cây trồng ngắn ngày. Ảnh: Trần Hồ.

Bên cạnh đó, việc áp dụng tưới tiết kiệm giúp các HTX và người dân có thu nhập cao hơn so với cùng diện tích canh tác cây trồng sử dụng biện pháp tưới truyền thống. Hiệu quả trong công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; giảm mức độ thiệt hại sản xuất do thiếu nước gây ra.

Tuy nhiên khó khăn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng cạn chưa được nhân rộng do sản xuất nông nghiệp luôn chịu rủi ro, bấp bênh, đại đa số hộ gia đình vẫn sử dụng phương thức tưới truyền thống, chưa được tiếp cận với công nghệ tưới tiết kiệm nước.

Công nghệ tưới tiết kiệm đòi hỏi kinh phí đầu tư ban đầu lớn, dao động từ 50 - 70 triệu đồng/ha, có thể 200 - 300 triệu đồng/ha đối với hệ thống tưới tự động và kỹ thuật phức tạp hơn tưới truyền thống. Chất lượng nước nhiều đá vôi nên hệ thống phun mưa, nhỏ giọt sau một thời gian sử dụng bị tắc, hoạt động kém. Hệ thống điện phục vụ các khu gieo trồng, sản xuất không thuận lợi.

Hệ thống ống tưới rải ra gốc cây nên chiều dài ống rất lớn. Khu vực bố trí tưới xa nguồn nước. Đa số doanh nghiệp, HTX, người dân chưa nhận thức rõ về lợi ích của áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.

Tưới tiết kiệm, việc cần làm ngay

Sau 2 năm áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm vào sản xuất, HTX Hà Phong (xã Bắc Phong, huyện Cao Phong) đã biến một vùng đồi núi đá cằn cỗi, thiếu nước sản xuất thành những đồi cây ăn quả xanh mướt. Hiện HTX có tổng diện tích gần 500ha, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho gần 400ha cây ăn quả.

HTX Hà Phong thành lập từ năm 2013, sản xuất trên vùng đồi núi rộng, đất dốc nên nguồn nước tưới, lượng nước hao hụt rất lớn. Nếu tưới thủ công riêng 200ha cần 70 công nhân để phun tưới, làm cỏ, chăm bón…

Anh Dương Văn Cường, cán bộ phụ trách HTX Hà Phong chia sẻ: “Từ khi HTX áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước làm thay đổi căn bản toàn bộ quy trình sản xuất của HTX. Thứ nhất: Về ngày công chăm sóc trong sản xuất giảm đi rất nhiều, giảm sức lao động của công nhân; thứ hai, giảm chi phí vận hành, giảm phân gio; thứ ba, khi có nước đầy đủ thì sâu bệnh trên cây trồng ít hơn, chăm sóc tốt nên có hiệu quả cao hơn…”.

Cũng theo anh Cường, thời gian tới HTX sẽ mổ rộng thêm các diện tích còn lại nhằm đồng bộ hệ thống tưới, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Các chuyên gia trao đổi với người dân về công nghệ tưới tiết kiệm đang áp dụng tại Hòa Bình. Ảnh: Trần Hồ.

Các chuyên gia trao đổi với người dân về công nghệ tưới tiết kiệm đang áp dụng tại Hòa Bình. Ảnh: Trần Hồ.

Còn anh Nguyễn Mạnh Trường, Chủ tịch HTX Dịch vụ xanh Hữu Thịnh cho hay: HTX đang có 14ha trồng rau quả, trong đó có 7ha sử dụng công nghệ tưới phun sương. Cách đây 2 năm, HTX nhận thấy sử dụng nước tưới cho cây trồng theo kiểu truyền thống không hiệu quả cao mà còn rất tốn kém: nước chảy tràn lan khắp cánh đồng, lượng nước thất thoát, lãng phí rất nhiều, sử dụng nhiều lao động trong phun tưới cây, mất nhiều thời gian...

Thấy được công nghệ tưới tiết kiệm đang là hướng đi mới, HTX đã đầu từ 2 tỷ đồng vào công nghệ tưới phun sương. Từ khi HTX áo dụng công nghệ tưới tiết kiệm đã chủ động được nguồn nước tưới, lượng nước tiết kiệm lên đến 60% nên năng suất sản xuất cũng được tăng lên.

“Thời gian tới, xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể để khuyến khích các hộ gia đình và mở rộng các mô hình tưới tiết kiệm đối với các loại cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao. Có chính sách hỗ trợ vốn, đầu ra sản phẩm cho các HTX, hộ gia đình; xây dựng các lớp tập huấn, tuyên truyền và hướng dẫn về mặt kỹ thuật công nghệ để các doanh nghiệp và người dân tiếp cận; cần đầu tư nâng cấp các hồ chứa, hỗ trợ xây dựng các bể chứa để ổn định nguồn nước phục vụ tưới. Đầu tư hệ thống điện, khảo nghiệm các giống cây trồng có năng suất, chất lượng tốt…”, ông Trần Quốc Toản nhấn mạnh.

Xem thêm
Dân đeo khẩu trang đi ngủ vì trại lợn 30.000 con

THANH HÓA Trại lợn của Công ty Agri-Vina lại gây thối, khiến nhiều người dân tại xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh mất ăn mất ngủ.

Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.