Điểm trường mới xây xong phải bỏ
Tả Hồ, thôn vùng cao của xã Tòng Sành (huyện Bát Xát, Lào Cai), mặc dù đã có đường bê tông nhưng việc đi lại vẫn rất khó khăn nhất là khi trời mưa bão, đường trơn trượt, nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Điểm trường ở thôn Tả Hồ mới được xây dựng hoàn thành vào cuối năm 2020 với quy mô 3 phòng học, cho lớp 1+2 và lớp mầm non 3-4-5 tuổi. Chủ tịch UBND xã Tòng Sành là Chảo Hùng Phẩy cho biết, trước đây tại Tả Hồ chỉ có điểm trường tạm cho đến năm 2019 thì được đầu tư dự án của tổ chức phi chính phủ Save the children (SC) xây điểm trường cho con em người dân trên địa bàn khoảng 1 tỷ đồng.
Tại điểm trường Tả Hồ, diện tích xây dựng rất hạn chế vì thiếu mặt bằng, người dân phải hiến thêm đất cho nhà trường. Tuy nhiên, hiện nay, toàn bộ số học sinh học ở điểm trường Tả Hồ đã được chuyển sang học tạm tại nhà văn hoá của thôn.
Liên quan vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát cho biết, phòng học tại điểm trường Tả Hồ được xây dựng mới với quy mô nhà cấp 4, mái tôn. Sau khi xây dựng xong và nghiệm thu dãy nhà của điểm trường thì phát hiện có hiện tượng nứt trên đồi phía sau.
“Chúng tôi có theo dõi nhưng vì tính an toàn được đặt lên hàng đầu nên phòng giáo dục có giải pháp đưa học sinh 5 học sinh lớp 1, 5 học sinh lớp 2 và 8 học sinh nầm non đến nhà văn hoá thôn để học. Trước mắt là như vậy, huyện cũng đang tìm mặt bằng để xây phòng học mới. Do số học sinh lớp 2 có 5 em nên phòng chỉ đạo nhà trường làm việc với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương cho các em về trường chính. Còn lớp mầm non có giải pháp tìm mặt bằng mới để giảm thiểu đầu tư”, bà Ngọc Anh cho biết.
Cả trăm hộ dân phải di dời
Ông Tẩn Củi Vản ở sát khu vực trường học cho biết, người dân đi làm nương đã phát hiện vết nứt trên đồi. Nhà ông cùng nhiều hộ dân khác trong thôn hiện đã được di dời sang nơi ở mới, phòng tránh nguy cơ sạt lở, hết sức nguy hiểm.
Ngoài điểm trường, ở Tả Hồ đã có 8 hộ gia đình phải di chuyển khẩn cấp vì vết nứt lớn trên quả đồi nói trên. Một số hộ dân hiện đang làm nhà nhưng chuyển gấp đồ đạc, tài sản sang nơi khác vì những ngày qua trời mưa lớn. Các cô giáo ở điểm trường Tả Hồ cũng vội vã thu dọn đồ dùng dạy học, xem xét tận dụng được những gì có thể để mang ra nơi học tạm…
Theo UBND huyện Bát Xát, bước vào cao điểm mùa mưa lũ, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai, để có phương án di chuyển, sơ tán các hộ dân đến nơi an toàn trước khi thiên tai xảy ra. Tổ chức cắm biển cảnh báo tại các vị trí nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập úng trên địa bàn các xã, thị trấn.
Qua rà soát trên địa bàn huyện có 154 hộ cần được di chuyển đến nơi ở khác, an toàn. Trong đó, có 63 hộ có nguy cơ cao, các xã đã xây dựng phương án di dời, sơ tán các hộ dân; 91 hộ ở trong vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai, không bố trí được đất ở. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu quy hoạch, xây dựng đề án để có phương án cụ thể.
Theo UBND huyện Bát Xát khó khăn hiện nay là nguồn kinh phí dự phòng cấp huyện, xã còn có hạn, kinh phí hỗ trợ di chuyển thấp không có hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để sắp xếp cho các hộ; phong tục tập quán của người dân một số nơi còn lạc hậu; người dân chủ quan, chưa chủ động ứng phó, di chuyển nhà ở đến nơi an toàn, tâm lý trông chờ ỷ lại vào nhà nước…
Ngoài ra, những chỗ đảm bảo an toàn, làm nhà được đều là đất sản xuất nông nghiệp hoặc đất lâm nghiệp (đất rừng sản xuất), đất đã giao có chủ quản lý, sử dụng nên việc tổ chức sắp xếp cho các hộ phải di chuyển theo đúng quy hoạch sử dụng đất là rất khó và cần có chính sách phù hợp để kịp thời đảm bảo an toàn cho người dân…