Tại Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ, Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) vừa tổ chức chương trình bàn giao hỗ trợ và tập huấn cho lãnh đạo HTX, cán bộ khuyến nông tại 15 tỉnh, thành phía Nam.
Chương trình tập huấn kéo dài từ ngày 15 – 18/10 với 150 học viên là cán bộ chủ chốt, cán bộ khuyến nông/nông nghiệp của 40 HTX đến từ các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang và TP Cần Thơ.
Nội dung tập huấn gồm 7 chuyên đề, trong đó trọng tâm gồm: Quản trị HTX hiệu quả và đúng luật; kỹ năng phát triển, phân tích, xác định cơ hội thị trường; chiến lược định vị cho sản phẩm; kỹ năng thiết kế bao bì, truyền thông, quảng bá; hướng dẫn bán hàng trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội; quản trị tài chính…
Hoạt động tập huấn lần này nằm trong khuôn khổ Dự án “Hợp tác xã liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững”, do Quỹ Thiện Tâm tài trợ từ năm 2022.
Mục tiêu dự án hướng đến là 100% HTX tham gia đều phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn với đa dạng hoạt động sản xuất từ trồng trọt, chăn nuôi tới chế biến. Từ đó tạo thành chuỗi sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của HTX và cán bộ nông nghiệp thông qua việc phối hợp với các trường đào tạo đầu ngành tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn.
Ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương mong muốn, thông qua sự hỗ trợ từ Dự án, các HTX sẽ trở thành những hạt nhân điển hình để nhân rộng các cách làm hay tại các địa phương, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, Dự án “Hợp tác xã liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững” sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu cho cán bộ khuyến nông giúp họ trở thành những “chuyên gia nông nghiệp” lan tỏa kỹ thuật mới, tiến bộ khoa học công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của các HTX.
Dịp này, Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ vốn vay ưu đãi không lãi suất cho 24 HTX phía Nam với giá trị 1 tỷ đồng/HTX, thời gian hoàn vốn tối đa 10 năm. Trong đó, 5 năm đầu HTX sẽ hoàn lại 50% vốn vay và tất toán toàn bộ khoản vay trong 5 năm tiếp theo.
Bà Phan Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Thiện Tâm cho rằng, thay vì hỗ trợ theo cách truyền thống cho từng hộ dân, việc chuyển hướng hỗ trợ trực tiếp cho các HTX sẽ đem lại hiệu quả về kinh tế trong thời gian ngắn nhất, giúp các hộ nghèo có thu nhập ổn định ngay từ thời điểm đầu tham gia dự án.
Đồng thời, Dự án giúp phát huy nguồn lực tại chỗ với sự vào cuộc của các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn để hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, đầu ra cho sản phẩm, giúp các hộ gia đình thoát nghèo bền vững.
Nguồn vốn sau khi được các HTX hoàn trả, Dự án sẽ tiếp tục tái đầu tư, hỗ trợ cho các mô hình nông nghiệp tiềm năng khác hoặc ưu tiên phân bổ xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh tại các địa phương.
Định hướng trong các năm tới, Quỹ Thiện Tâm tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ các HTX nông nghiệp điển hình. Đặc biệt là các HTX trồng lúa tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng gạo, phát thải thấp.
Đến nay, Dự án “Hợp tác xã liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững” đã được triển khai đến 171 HTX tại 40 tỉnh/thành trên cả nước. Trong đó, 69 HTX được lựa chọn là HTX điển hình được hỗ trợ bàn giao trang thiết bị, máy móc, vật tư, cây giống, con giống...