| Hotline: 0983.970.780

Hủy chứng nhận thương binh

Thứ Hai 11/01/2016 , 14:05 (GMT+7)

Do mâu thuẫn gia đình, người thân đưa đơn tố cáo Chứng nhận thương binh (CNTB) của bà là giả. Cơ quan chức năng vào cuộc, chẳng biết xác minh thế nào lại ra quyết định hủy luôn...

Do mâu thuẫn gia đình, người thân đưa đơn tố cáo Chứng nhận thương binh (CNTB) của bà là giả. Cơ quan chức năng vào cuộc, chẳng biết xác minh thế nào lại ra quyết định hủy luôn chứng nhận đó, trong khi lãnh đạo, bạn bè công tác cùng thời lại đứng ra minh chứng cho bà.

Triển khai Quyết định tôi mới biết!

Câu chuyện bất hạnh trên của bà Nguyễn Ngọc Diệp (ngụ ấp 1, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, Cà Mau). Theo trình bày của bà Diệp, trong thời kháng chiến chống Mỹ, bà làm cơ sở mật của công an tỉnh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Lê Văn Gòng (lúc đó là Trung đội phó Trung đội I, phụ trách Cà Mau bắc).

Năm 1973, ông Gòng phân công cho bà và đứa em tên Nguyễn Văn Hòa lúc đó mới 11 tuổi đến nhà ông Lưu Văn Nở (hiện ngụ ấp 4, xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau) để lấy tin, trên đường đi đã đạp phải trái nổ do địch gài khiến hai người bị thương rất nặng.

Sau đó, hai người được bà Lưu Thị Hoa hiện vẫn còn sống đưa đến Bệnh viện Cà Mau điều trị. Hòa bình lập lại, bà Diệp được Hội đồng xét duyệt xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình, Cà Mau) cho bà được hưởng chế độ thương binh và bị nhiễm chất độc hóa học.

Cách đây hơn 1 năm, do mâu thuẫn gia đình, người thân của bà đã gửi đơn đến cơ quan chức năng tố giác, cho rằng vết thương của bà do đạp phải trái nổ trong khi đi lao động và xảy ra sau chiến tranh.

Chẳng biết xác minh thế nào, đến ngày 3/8/2015, Sở LĐ-TBXH Cà Mau đã ra quyết định 175/QĐ-LĐTBXH, thu hồi Giấy chứng nhận thương binh của bà Nguyễn Ngọc Diệp. Quyết định do ông Võ Hoàng Hiệp, Giám đốc sở LĐ-TBXH Cà Mau ký.

Ngày 10/8/2015, tại xã Trí Phải, ông Nguyễn Hoàng Bé, Trưởng phòng LĐ-TBXH huyện Thới Bình đã triển khai quyết định trên và thu hồi luôn sổ Lĩnh tiền chất độc hóa học của bà.

Bà Diệp buồn bã nói: Người đứng đơn là người thân của tôi. Thời điểm đó, em rể (một trong hai người gửi đơn tố giác) tôi chưa về địa phương, sao biết được nội tình mà đứng ra tố giác. Còn cách xác minh và làm việc của cơ quan chức năng cũng không phù hợp.

Cũng cần thông tin thêm, sau khi ông Gòng đứng ra làm chứng cho bà Diệp, ông đã được Phòng LĐ-TBXH huyện Thới Bình mời lên làm việc, và đã mượn chứng nhận thương binh của ông khoảng một tuần không biết để làm gì? Sau đó, cho người đến xin lỗi, rồi trả lại.

Bà Nguyễn Ngọc Diệp khẳng định rằng: “Triển khai quyết định tôi mới biết”. Như để minh chứng, bà đưa cho chúng tôi xem biên bản làm việc “Về việc công bố Quyết định 175/QĐ-LĐTBXH”, trong đó có đoạn nêu ý kiến bà Nguyễn Ngọc Diệp như sau: “Ngày 8/10/2014, tôi có nhận thông báo về UBND xã Trí Phải làm việc. Đến nay chưa mời giải quyết lần nào, nếu xác minh nơi cơ sở tôi làm việc, phải mời tôi. Từ đó đến nay, không ai mời tôi làm việc, đến nay có quyết định thì tôi không chấp nhận”.

Từ bức xúc về cách làm việc thiếu căn cứ của cơ quan xác minh, bà Diệp đã gửi đơn đến Sở LĐ-TBXH Cà Mau, khiếu nại Quyết định 175, đòi công lý cho mình. Kèm theo những nhân chứng sống, chứng minh vào năm 1973, bà đi thực hiện nhiệm vụ bị thương chứ không phải xác minh như trong Quyết định 175 đã nêu.

Kết luận có vấn đề?

Trả lời chúng tôi về vấn để trên, ông Võ Hoàng Hiệp, Giám đốc Sở LĐ-TBXH Cà Mau xác nhận đã nhận được đơn của bà Nguyễn Ngọc Diệp và đang chỉ đạo xử lý. Để hiểu thấu đáo vụ việc, ông Hiệp mời chúng tôi làm việc với ông Hà Văn Thắm (Chánh Thanh tra Sở).

Khi PV liên hệ với ông Thắm, lúc đầu ông đã từ chối cung cấp thông tin. Sau đó, được lãnh đạo sở LĐ-TBXH tạo điều kiện, ông Chánh Thanh tra đã cung cấp cho chúng tôi kết luận thanh tra của đơn vị.

Theo nội dung kết luận số 76/KL-LĐTBXH ngày 09/4/2015 nêu rõ: “Trong thời kỳ kháng chiến tuy gia đình bà Diệp ở gần nhà ông Gòng nhưng ông không rõ bà có công tác và bị thương hay không. Ông Gòng khẳng định từ trước tới giờ ông không có xác nhận cho bà Diệp, chữ viết và chữ ký trong hồ sơ thương binh của bà Diệp không phải của ông”.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, cũng như đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng, ông Lê Văn Gòng thừa nhận chữ ký trong hồ sơ của bà Diệp là của ông Gòng và nội dung xác nhận là hoàn đúng sự thật. “Tôi khẳng định rằng, bà Diệp xưa kia là cơ sở của công an tỉnh do tôi gây dựng”, ông Gòng nói.

Bên cạnh đó, còn có nhiều bạn bè công tác cùng thời khi biết bà Diệp bị thu hồi chế độ thương binh như ông Lưu Văn Nở, bà Lưu Thị Hoa, bà Dương Thị Tiến… cùng đứng ra kêu oan cho bà Diệp.

Trong tờ tường thuật gửi Sở LĐ-TBXH Cà Mau, ông Lưu Văn Nở nêu rõ: Vào năm 1972, ông được bố trí hoạt động làm cơ sở mật và quan hệ công tác với bà Nguyễn Ngọc Diệp. Vào tháng 10/1973, bà Diệp đến ông nhận tin, vướng phải trái do địch gài, bị thương và được dân đưa đến Bệnh viện Cà Mau điều trị.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.