| Hotline: 0983.970.780

Huyện Bình Sơn phá trường gần, đẩy học sinh đi học trường xa

Thứ Năm 09/06/2022 , 14:35 (GMT+7)

Quảng Ngãi Việc chính quyền huyện Bình Sơn, quyết định phá trường THCS Bình Minh vừa được trùng tu năm 2021, để xây trường mẫu giáo đang vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận.

Ngôi trường khang trang này sẽ bị huyện Bình Sơn phá bỏ.

Ngôi trường khang trang này sẽ bị huyện Bình Sơn phá bỏ.

Phá một trường để xây hai trường?

Nhiều người đặt câu hỏi về lý do thật sự của sự đập phá sắp tới này, vì sẽ gây lãng phí ngân sách gần chục tỉ đồng mà không hiệu quả, trong đó có không ít những ý kiến đặt nghi vấn về sự chi phối của lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân đến việc ra quyết định.

Một người dân quê Bình Sơn cho biết, ngôi trường này ra đời từ cái chết đau thương của 4 em học sinh lớp 6 vì phải vượt sông đi học cách đây 23 năm: Mùa lũ năm 1999, xảy ra vụ chìm đò làm 11 người chết, trong đó có 4 em học sinh lớp 6 (học cấp 2 ở trường Bình Mỹ thì phải qua một con sông, ranh giới tự nhiên của 2 xã Bình Minh - Bình Mỹ).

Sau cái chết đau thương tang tóc trong vụ chìm đò có 4 em học sinh này thì ngôi trường cấp 2, cụm Mỹ Long (tức trường THCS Bình Minh đang được nói tới – PV) này ra đời. Người dân ở đây vui mừng vì các con đã có được chỗ học gần hơn, đỡ vất vả hơn. Cha của 1 trong 4 em đó còn nói, cái chết của con anh và các em nhỏ kia đã đem lại ngôi trường cho các em học nên anh phần nào được an ủi, và cái chết đó cũng có ý nghĩa.

Vậy là hơn 20 năm trôi qua, các em nhỏ ở các thôn Mỹ Long, Lộc Thanh, Bá Lăng… đỡ vất vả hơn được chút, đoạn đường ngắn lại được một đoạn.

Không biết cán bộ ở đây nghĩ gì khi đập một ngôi trường còn đang đẹp để xây trường mẫu giáo, vì sao không tìm một chỗ đất khác? Vì sao cán bộ  không nghĩ là sau khi đập thì toàn bộ học sinh cấp 2 phải dời xuống Tân Phước học, đường xa, mùa mưa thì ngập nước, lạnh cắt da cắt thịt, mùa nóng thì như lửa đốt mà bắt học sinh cấp 2, nhất là mấy em lớp 6 phải đạp xe đi học rất xa như vậy? Ai đã gây nên nỗi khổ cho các em? Ai có thể cứu được ngôi trường để tránh lãng phí, đồng thời giúp các em nhỏ đỡ đi xa? Các em lớp 6 mà đi xa như vậy thì ai dám bảo đảm sức khỏe cho các cháu? Ai dám bảo đảm các gia đình sẽ cho các con tiếp tục đến trường? Dân ở đây hầu hết là làm nông và rất nghèo, họ không thể đưa đón con đi học được.

Xem ra đường đến trường của các cháu ngày càng xa, theo cả nghĩa đen lẫn bóng.

Lớp học, bàn ghế  vẫn còn chắc chắn, sạch sẽ

Lớp học, bàn ghế  vẫn còn chắc chắn, sạch sẽ

Ai sẽ cứu ngôi trường, và cứu các em?

Được biết, lý do chính quyền địa phương đưa ra để xây dựng trường THCS Bình Minh mới là theo chương trình sách giáo khoa mới thì việc học phải đi đôi với hành, đồng thời các hoạt động ngoại khóa hiện nay là một trong những chương trình bắt buộc. Trong khi đó các trang thiết bị điều tập trung tại cụm trường chính và thời gian đến UBND huyện sẽ đầu tư xây 10 phòng 2 tầng, theo quy mô mới: có ti vi và các đồ dùng học tập đạt yêu cầu; và sẽ đầu tư xây nhà thi đấu đa năng, bể bơi.... để phục vụ việc học cho các em theo chương trình học tập hiện nay. Nhưng tất cả các công trình này chỉ xây dựng ở cụm chính. Vì vậy nếu tiếp tục dạy học ở cụm Mỹ Long An thì các em rất thiệt thòi về việc học tập, nên mong các cán bộ hãy vì tương lai con em mình.

Một giáo viên, người trực tiếp làm giáo dục, cho rằng hoạt động ngoại khóa thì không phải là ở trung tâm mới ngoại khóa được, thậm chí hoạt động này cần phải di chuyển về các vùng ngoại biên. Còn ti vi thì cần thiết ở mức độ nào trong học tập? Câu trả lời thì ai cũng có thể tự giải được. Hồ bơi, nhà thi đấu đa năng có thì tốt, không có cũng không ảnh hưởng gì nhiều tới chất lượng học tập của các em cả. Đối với đồ dùng học tập thì thứ nào cần thiết hãy trang bị cho các em ngay tại điểm trường hiện tại, chứ sao lại di chuyển học sinh đến chỗ có đồ dùng?! Đó chẳng phải là một cách làm ngược đời sao?

“Vì tương lai con em” thì không ai lại phá ngôi trường mà các em nhỏ đang học để rồi chúng phải đạp xe cả 7 cây số trên con đường đầy ổ gà ổ voi như thế.

Trường THCS Bình Minh.

Trường THCS Bình Minh.

Trong “Báo cáo về việc xác định vị trí, địa điểm xây dựng, phương án thiết kế và tồn tại vướng mắc công trình: Trường Mầm non Mỹ Long An” của Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện Bình Sơn đưa ra 4 phương án để xây dựng một trường mầm non 6 phòng học và một số hạng mục khác, lần lượt là 7,75 tỉ đồng, 6,6 tỉ đồng, 6 tỉ đồng và 5 tỉ đồng. Nghĩa là phá ngôi trường 2 tầng THCS Bình Minh 12 phòng để xây một trường mẫu giáo 6 phòng học với kinh phí từ 5 – 7,75 tỉ đồng.

Nghĩa là phá ngôi trường 2 tầng THCS Bình Minh 12 phòng để xây một trường mẫu giáo 6 phòng học với kinh phí từ 5 – 7,75 tỉ đồng.

Còn theo văn bản của phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Sơn “Báo cáo về việc đưa học sinh trường THCS Bình Minh cụm Mỹ Long An về học tại cụm Tân Phước xã Bình Minh” thì "hiện nay giá trị sử dụng còn 181.200.173 đồng”.

Tuy nhiên, cũng trong báo cáo này cho biết, chỉ từ năm 2020 đến nay, được sự gúp đỡ, tài trợ của hội Chữ thập đỏ TP.HCM, cá nhân ông Trần Anh Thư và Ngân hàng Sacombank, đã có tổng 800 triệu đồng được dành cho tu sửa và làm mới ngôi trường đang sắp bị phá bỏ này.

Không rõ, con số về giá trị hơn 180 triệu đồng kia là dựa trên cơ sở khoa học nào để tính toán?

Dư luận đang rất quan tâm đến diễn biến của sự việc và chờ một sự trả lời chính thức của chính quyền huyện Bình Sơn. Mọi quyết sách cần hợp lòng dân, tránh gây lãng phí và đẩy nhân dân cùng học sinh của vùng quê nghèo vào cảnh đã khốn khổ lại càng khốn khổ hơn. 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.