| Hotline: 0983.970.780

Kêu trời vì bị chặn tiêu thoát khu nuôi thủy sản

Thứ Sáu 21/02/2020 , 13:24 (GMT+7)

Một người dân ở Hải Dương, phản ánh đến Báo NNVN việc nhiều năm qua, khu nuôi cá của gia đình gặp khó khăn vì hệ thống mương tiêu bị lấn chiếm.

Ông Nền cho rằng, kênh tiêu nước đã bị gia đình ông Long lấn chiếm trồng cây, đào ao. Ảnh: Kế Toại. 

Ông Nền cho rằng, kênh tiêu nước đã bị gia đình ông Long lấn chiếm trồng cây, đào ao. Ảnh: Kế Toại. 

Bí cả đầu ra lẫn đầu vào

Người phản ánh là ông Phạm Văn Nền ở thôn Thọ Xương, xã Đức Xương, huyện Gia Lộc (Hải Dương).

Ông Nền cho biết, từ năm 2004, ông chuyển đổi diện tích ruộng của gia đình và 7 hộ khác thành khu nuôi trồng thủy sản. Tổng diện tích UBND xã Đức Xương cấp cho ông Nền khi đó là 4.100m2.

Sau nhiều năm, ông Nền gắn bó và ổn định kinh tế với nghề nuôi cá thịt. Mỗi năm, tiền lãi từ nuôi các loại cá trắm, chép, rô phi đơn tính khoảng 150 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Nền, từ năm 2016 tới nay, việc sản xuất của gia đình gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do kênh mương tiêu thoát nước sản xuất bị lấn chiếm, ách tắc nghiêm trọng.

Cụ thể, kênh tiêu thoát trước đây rộng 2m, nhưng đã bị hộ ông Nguyễn Văn Long (hàng xóm) lấn chiếm để trồng cây, đào ao. Hiện nay, kênh tiêu thoát chỉ còn rộng khoảng 0,5m.

Trước đây, để tát nước thu hoạch cá, gia đình ông chỉ mất khoảng 2 ngày. Nhưng 3 năm qua, ông phải mất tới 4 ngày tát nước gạn ao nuôi. Ông Nền khẳng định, vì lý do này, cuối năm 2019, khi thu hoạch, cá bị sặc chết hơn 2 tấn, thiệt hại trên 30 triệu đồng.

Thực tế ghi nhận, kênh tiêu thoát rộng 2m, nay thu hẹp còn 0,5m. Ảnh: Kế Toại. 

Thực tế ghi nhận, kênh tiêu thoát rộng 2m, nay thu hẹp còn 0,5m. Ảnh: Kế Toại. 

Ngoài ra, theo ông Nền, không chỉ đường tiêu thoát, việc lấy nước đang hết sức khó khăn. Nguồn nước dẫn vào ao nuôi, nhiều năm trước được dẫn từ sông Đồng Sau về. Tuy nhiên, đến nay, hệ thống mương bị xuống cấp, gần như biến mất khi nhiều hộ xây nhà. Chính vì vậy, nhiều ao nuôi tại đây trở thành “ao tù, nước đọng”.

Để khắc phục, ông Nền cũng như nhiều hộ khác phải khoan giếng, lấy nước bơm vào ao nuôi cá. “Tính ra mỗi tháng bây giờ, nhà tôi tốn khoảng hơn 2 triệu tiền điện chạy máy bơm nước giếng khoan vào ao. Trước đây còn nước dẫn từ sông, mỗi tháng gia đình chỉ hết một ít tiền điện thắp sáng trông coi thôi”, ông Nền cho hay.

Theo ông Nền, trước sự việc này, nhiều lần gia đình gửi đơn kiến nghị tới Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, huyện Gia Lộc và xã Đức Xương nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Sẽ giải quyết dứt điểm

Để xác minh thông tin, phản ánh đa chiều, chúng tôi đã tìm gặp những người trực tiếp xử lý vụ việc gồm ông Phan Đăng Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Xương; bà Trần Thúy Nga, cán bộ địa chính, nông nghiệp xã.

Sự việc khiếu kiện giữa gia đình ông Nền và ông Long diễn ra nhiều năm qua. Ảnh: Kế Toại.

Sự việc khiếu kiện giữa gia đình ông Nền và ông Long diễn ra nhiều năm qua. Ảnh: Kế Toại.

Ông Nghị xác nhận, sự việc của gia đình ông Nền và ông Long xảy ra kéo dài. Hai năm qua, nhiều lần chính quyền địa phương đã tổ chức xác minh, đưa ra nhiều phương án giải quyết cả lý và tình, nhưng chưa thành công.

Theo ông Nghị, thông tin ông Nền tố gia đình ông Long lấn chiếm kênh tiêu thoát là chưa chính xác. Có thể nguyên nhân là do kênh mương (bờ đất) sử dụng lâu ngày, không được tu sửa nên bị sụt lún, bồi lấp. Từ đó dẫn tới việc lòng kênh bị bồi lấp, ảnh hưởng việc tiêu thoát nước.

Cuối năm 2019, UBND xã Đức Xương đã thuê một đơn vị đo đạc độc lập về xác định lại toàn bộ diện tích khu nuôi trồng thủy sản thôn Thọ Xương.

Kết quả đo đạc cho thấy, diện tích thực tế nhà ông Nền dư ra 118m2 so với diện tích được cấp năm 2004. Trong khi đó, diện tích nhà ông Long cũng dư ra 114m2. Riêng gia đình ông Long được xác định, lấn chiếm 327m2 để làm đất ở, so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau đó, UBND xã Đức Xương quyết định, với diện tích chuyển đổi dôi dư, tiếp tục cho hai gia đình sử dụng. Riêng diện tích đất ở nhà ông Long lấn chiếm, xã sẽ có văn bản báo cáo UBND huyện xử lý.

Với diện tích đất chuyển đổi dôi dư, theo ông Nghị, có thể chỉ là do phương pháp đo từ năm 2004 (bằng thước dây) chưa chính xác. Với cách đó bằng máy trắc địa hiện nay, chính xác gần như tuyệt đối, nên việc dôi dư không hẳn kết luận là người dân lấn chiếm.  

Về phương án khôi phục kênh tiêu thoát, ông Nghị cho biết, hướng giải quyết là hai gia đình tự bỏ kinh phí để mở rộng, trả lại nguyên trạng như thời điểm năm 2004, căn cứ theo hồ sơ địa chính gốc. Thứ Sáu (21/2) tới đây, xã sẽ cho mời hai gia đình và các ban ngành liên quan họp bàn lần cuối để giải quyết.

Ông Nền bên cạnh diện tích ao nuôi cá của gia đình, chuyển đổi từ năm 2004. Ảnh: Kế Toại.

Ông Nền bên cạnh diện tích ao nuôi cá của gia đình, chuyển đổi từ năm 2004. Ảnh: Kế Toại.

Về khó khăn nguồn nước nuôi trồng thủy sản, theo bà Nga, đây là tình trạng chung của xã Đức Xương chứ không phải vài hộ riêng lẻ. Hệ thống cấp nước trước đây rất nhỏ, chạy vòng vèo qua khu dân cư, giờ gần như không còn.

Thứ hai, nguồn nước sông chảy qua xã rất ô nhiễm, nên nếu còn, các hộ cũng không dám cấp vào ao. Hiện nay, đa phần các hộ đã tự khoan giếng, lấy nước sản xuất.

Nói về hiện tượng lấn chiếm đất ở như gia đình ông Long, bà Nga khẳng định, trên địa bàn xã Đức Xương không ít. Tuy nhiên, việc lấn chiếm đã diễn ra từ nhiều năm trước.Riêng năm 2019, UBND xã Đức Xương xử lý điểm 6 trường hợp vi phạm. Phương án là xác định diện tích vi phạm, sau đó áp dụng theo giá đất (UBND tỉnh Hải Dương ban hành) để các hộ này nộp tiền vào ngân sách.Nếu tính theo giá đất ban hành năm 2019, gia đình ông Long tối thiểu phải nộp ngân sách gần 230 triệu đồng cho 327m2 đất lấn chiếm (mức thấp nhất là 700 nghìn đồng/m2).

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm