Tình trạng khai thác cát trái phép thời gian qua diễn biến phức tạp dưới rừng phòng hộ dọc tuyến đường đi qua các xã: Triệu Vân, Triệu Trạch, Triệu Sơn (huyện Triệu Phong); Hải An (huyện Hải Lăng) và khu phố 3, thị trấn Cửa Việt, xã Gio Mỹ (huyện Gio Linh).
Tại khu vực rừng phòng hộ giáp ranh giữa thôn An Trạch (xã Triệu Trạch) và thôn 8 (xã Triệu Vân), nhiều đồi cát trắng đã bị cày xới, khoét thành từng hố sâu từ 1 - 1,5 m, vết xúc còn tươi mới. Những cây tràm hoa vàng hàng chục năm tuổi thuộc khu vực rừng phòng hộ bị xới bật gốc, nằm nghiêng ngả, chỏng chơ. Nhiều con đường dẫn vào đồi cát trắng vẫn còn nguyên dấu vết bánh xe ô tô vận chuyển của các đối tượng khai thác trộm. Để dễ bề vận chuyển, các đối tượng còn lót bánh xe máy trên đường đi để tránh sụt lún xe.
Ông Lê Đắc Phong, thôn 8, xã Triệu Vân cho biết, từ khi tuyến đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị hoàn thành đưa vào sử dụng, tình trạng khai thác trộm cát trắng diễn ra nhiều hơn. Xe vận chuyển cát chạy liên tục đã khiến tuyến đường này xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho người dân trong việc lưu thông hàng hóa nông sản. Vùng đất cát rộng lớn dưới rừng phòng hộ tại các địa phương này cũng biến thành những ao hồ đầy nước, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và gia súc mỗi khi ngang qua đây; nhất là khi mùa mưa lũ về.
Tại các cuộc họp thôn, xã, người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh và đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, tình hình không hề thuyên giảm.
Ông Lê Văn Mẫn, Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch cho biết, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra từ nhiều năm qua luôn là vấn đề nóng được cấp ủy chính quyền quan tâm. Nhu cầu làm nền làm nhà, làm lăng mộ, san lấp mặt bằng của người dân ngày càng lớn cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng khai thác cát trái phép tiếp diễn.
Để hạn chế tình trạng này, UBND xã Triệu Trạch đã thành lập Tổ bảo vệ tài nguyên khoáng sản với lực lượng nòng cốt là công an, xã đội. Tổ thường xuyên tuần tra; tiếp nhận thông tin từ người dân để xử lý. Tuy nhiên, việc bắt quả tang gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng thường khai thác nhỏ lẻ, đưa xe đến múc đầy lập tức di chuyển ra khỏi hiện trường. Việc khai thác cát cũng thường diễn ra vào ban đêm. Nếu khai thác ban ngày, các đối tượng thường cử người canh chừng, có động tĩnh là lập tức bỏ chạy.
Cũng theo ông Mẫn, chỉ khi bắt quả tang tại hiện trường xã mới đủ thẩm quyền xử lý. Còn khi cát đã được xúc lên xe chạy trên đường thì lực lượng chức năng của xã không có quyền dừng xe để kiểm tra.
Ông Vũ Thành Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết, trước tình trạng khai thác cát trái trái phép diễn biến phức tạp, UBND huyện Triệu Phong đã có công văn chỉ đạo các địa phương và lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp để ngăn chặn, xử lý. Tuy nhiên, thực tế tình trạng khai thác cát trái phép hiện vẫn xẩy ra khiến người dân bức xúc.
Thất thoát tài nguyên, tác động tiêu cực
Đại diện chính quyền các địa phương để xẩy ra tình trạng khai thác cát trái phép cho biết, rừng phòng hộ được trồng hàng chục năm nay từ các chương trình dự án. Rừng có tác dụng chắn cát, giữ đất và tạo ra môi trường trong lành. Sau khi các dự án trồng và thành rừng, các địa phương tiếp nhận, quản lý diện tích rừng phòng hộ này. Tình trạng khai thác cát trái phép tại các địa phương trên xẩy ra trong khoảng thời gian dài, gây thất thoát tài nguyên; ảnh hưởng xấu đến môi trường; tác động tiêu cực đến rừng trồng, rừng phòng hộ và ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân.