| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông thổi làn gió mới cho nông nghiệp Vĩnh Thuận

Thứ Tư 02/11/2022 , 15:08 (GMT+7)

KIÊN GIANG Với sự đồng hành của lực lượng khuyến nông, liên kết sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, giảm chi phí, hiệu quả cao đã được lan tỏa ở Vĩnh Thuận.

Những năm qua, công tác khuyến nông trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân đổi mới và phát triển sản xuất nông nghiệp, giúp đỡ nông dân tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp của huyện nói riêng và tăng trưởng kinh tế của tỉnh Kiên Giang nói chung.

Mô hình lúa - tôm do khuyến nông Vĩnh Thuận triển khai đã tạo ra đột phá mới cho sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con. Ảnh: Diễm Trang.

Mô hình lúa - tôm do khuyến nông Vĩnh Thuận triển khai đã tạo ra đột phá mới cho sản xuất, nâng cao thu nhập cho bà con. Ảnh: Diễm Trang.

Đồng hành cùng nông dân, thúc đẩy liên kết sản xuất

Với phương châm "ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông", lấy nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, mọi hoạt động khuyến nông đều hướng tới nông dân, xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nông dân và phù hợp với năng lực, điều kiện sản xuất của nông dân.

Nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “Ðổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến nông góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát động, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang đã có nhiều đổi mới để phù hợp với hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, sự hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ của Phòng NN-PTNT, chính quyền và các ban ngành đoàn thể địa phương cùng sự nỗ lực của đội ngũ viên chức chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là sự hợp tác nhiệt tình của bà con nông dân tham gia mô hình, nhiều chương trình khuyến nông của huyện Vĩnh Thuận đã triển khai đúng kế hoạch và nội dung, các mô hình phát triển và đạt kết quả tốt.

Mô hình nuôi gà ô tía thương phẩm tại huyện Vĩnh Thuận mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương. Ảnh: Diễm Trang.

Mô hình nuôi gà ô tía thương phẩm tại huyện Vĩnh Thuận mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương. Ảnh: Diễm Trang.

Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ Trạm Khuyến nông huyện triển khai thực hiện nhiều mô hình, trong đó có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Dự án cánh đồng lớn trên cây lúa, đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó với biến đổi khí hậu tại xã Tân Thuận với diện tích 50ha, Bình Minh 100ha, Vĩnh Bình Bắc 50ha với tổng số 84 hộ nông dân tham gia, mô hình phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa, từ đó giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận trên đơn vị diện tích so với ngoài dự án. Nông dân có sự tuân thủ tốt các quy định của đơn vị đầu tư, quy trình thực hiện đơn giản, dễ áp dụng, phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương.

Từ nhiều năm qua, việc sản xuất theo chuỗi giá trị có quy mô như cánh đồng lớn đã mang lại rất nhiều lợi ích cho nông dân, dần thay đổi tập quán canh tác, tạo được sự đoàn kết, gắn bó và tương tác lẫn nhau giữa các hộ tham gia, làm nền tảng quan trọng trong việc hình thành cũng như phát triển các HTX sản xuất phù hợp với quy hoạch địa phương.

Đồng thời, việc thúc đẩy quan hệ hợp tác sản xuất đã tạo tiền đề để nông dân tiếp cận thị trường, ổn định giá cả vật tư đầu vào cũng như ổn định đầu ra; giảm rõ rệt lượng phân bón, thuốc BVTV, từ đó góp phần giảm tác động về môi trường, hướng đến sản xuất lúa bền vững, lợi nhuận ước đạt 20 - 25 triệu đồng/ha.

Các hội thảo có chất lượng, tạo sức lan tỏa về các tiến bộ kỹ thuật mới đã được nông dân nhiệt tình hưởng ứng. Ảnh: Diễm Trang.

Các hội thảo có chất lượng, tạo sức lan tỏa về các tiến bộ kỹ thuật mới đã được nông dân nhiệt tình hưởng ứng. Ảnh: Diễm Trang.

Dự án cánh đồng lớn được tổ chức theo hướng sản xuất tập trung, áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật như gieo sạ tập trung đồng loạt, sạ thưa, bón phân cân đối, quản lý dịch hại đồng loạt…, góp phần tăng năng suất, tăng hiệu quả sản xuất gắn với tiêu tụ sản phẩm với số lượng lớn, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, số lượng lớn tập trung cung cấp cho thị trường.

Qua triển khai, kết quả sản xuất lúa ở cánh đồng lớn đã từng bước hình thành vùng nguyên liệu lớn, tập trung, hợp tác trong sản xuất – tiêu thụ nông sản luôn có bước phát triển mới, chuyển đổi dần cơ cấu cây trồng, cắt đứt nguồn sâu bệnh.

Đưa "chất xám" vào sản xuất, thay đổi tập quán cũ

Đối với mô hình trồng dưa lê luân canh trên nền đất lúa theo hướng VietGAP, khuyến nông huyện Vĩnh Thuận đã thực hiện tổng số 10ha tại xã Vĩnh Bình Bắc (5ha), Tân Thuận (2ha), Vĩnh Bình Nam (2ha) và Bình Minh (1ha), có 10 hộ nông dân tham gia.

Quy trình thực hiện mô hình trồng dưa đơn giản, phù hợp với địa phương, tạo điều kiện luân canh để tránh bạc màu đất, tăng hiệu quả sử dụng đất. Tuy năng suất của mô hình không đạt theo yêu cầu, nhưng lợi nhuận mang lại đạt rất cao so với kế hoạch. Qua đó, tạo việc làm cho người dân trên cùng diện tích trong thời gian chờ sản xuất vụ lúa hè thu hàng năm, góp phần tăng thu nhập, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, nâng cao kỹ thuật cho người sản xuất...

Lực lượng khuyến nông huyện Vĩnh Thuận luôn kề vai sát cánh cùng nông dân trong các mô hình sản xuất. Ảnh: Diễm Trang.

Lực lượng khuyến nông huyện Vĩnh Thuận luôn kề vai sát cánh cùng nông dân trong các mô hình sản xuất. Ảnh: Diễm Trang.

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh 02 giai đoạn cũng đã được triển khai thực hiện ở xã Vĩnh Bình Bắc với quy mô 0,5ha. Việc triển khai và thực hiện trong thời gian ngắn nhưng bước đầu đánh giá hiệu quả kinh tế khá cao so với kế hoạch của mô hình và so với bên ngoài, nông dân giảm được giá thành sản xuất, tiếp cận được nguồn giống, nguyên liệu đầu vào có chất lượng tốt cùng với việc áp dụng tốt quy trình, từ đó giảm được chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận...

Riêng đối với mô hình nuôi vịt Grimaud thương phẩm theo hướng an toàn sinh học thuộc chương trình phát triển chăn nuôi gia cầm, trong thời gian 2 tháng nuôi, lợi nhuận trung bình đạt 2.283.800 đồng. Hộ có lợi nhuận cao nhất là 3.370.000 đồng. Giá vịt thịt ước tính 50.000đ/kg. Mô hình đã thành công bước đầu và chuyển giao được quy đình kỹ thuật cho bà con về công tác tiêm phòng vacxin, nhất là nuôi theo phương thức an toàn sinh học.

Nhìn chung, các điểm trình diễn của khuyến nông đã sử dụng chế phẩm sinh học, giảm phân bón hóa học, giảm thuốc BVTV nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm lượng nước tưới trên cây rau màu (sử dụng nước có hiệu quả) thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sản phâm tôm sinh thái trong mô hình tôm - lúa do khuyến nông Vĩnh Thuận triển khai. Ảnh: Diễm Trang.

Sản phâm tôm sinh thái trong mô hình tôm - lúa do khuyến nông Vĩnh Thuận triển khai. Ảnh: Diễm Trang.

Nông dân đã tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất một cách chủ động và hiệu quả. Nhiều hộ nông dân đã nắm bắt tốt các chính sách hỗ trợ, và định hướng phát triển của nhà nước, từ đó vận dụng để phát huy tốt tiềm năng về kinh tế cũng như thế mạnh của địa phương.

Ông Lâm Hoài Son, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thuận nhấn mạnh: Mục tiêu của việc thực hiện các nhiệm vụ khuyến nông là tiếp cận, chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp cho người dân thông qua các mô hình trình diễn, các buổi trao đổi tập huấn, hội thảo, tọa đàm, các kênh thông tin truyền thông, từ đó giúp nông dân tiếp cận sâu rộng hơn các vấn đề để phát triển hiệu quả nông nghiệp địa phương.

Để đơn vị hoạt động tốt hơn, góp phần thiết thực vào sự phát triển chung trong thời gian tới, đội ngũ khuyến nông cơ sở cần nỗ lực phấn đấu hơn nữa, không ngừng học tập nghiên cứu, vượt qua khó khăn để cùng các cấp, các ngành hỗ trợ tốt nhất cho người dân.

Mô hình nuôi vịt do khuyến nông Vĩnh Thuận hỗ trợ triển khai cho nông dân có hiệu quả cao. Ảnh: Diễm Trang.

Mô hình nuôi vịt do khuyến nông Vĩnh Thuận hỗ trợ triển khai cho nông dân có hiệu quả cao. Ảnh: Diễm Trang.

Ngoài ra, người dân cũng cần mạnh dạn áp dụng cũng như nhân rộng các mô hình được chứng minh có hiệu quả, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đồng thời tham gia có hiệu quả vào các chuỗi liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa thị trường với các đơn vị kinh tế tập thể được thành lập tại địa phương...

Ngoài các mô hình tiêu biểu nêu trên, khuyến nông huyện Vĩnh Thuận còn triển khai nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rất cao như mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, trồng lúa hữu cơ trên nền đất tôm, mô hình sản xuất tôm sú giảm chi phí, an toàn bằng chế phẩm sinh học...

Qua kết quả thực tế, các mô hình khuyến nông được triển khai trong thời gian qua trên địa bàn huyện đã giúp nông dân tiếp cận phương thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn, dần nâng cao nhận thức về tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo thu nhập ổn định.

Xem thêm
Kon Tum ưu tiên thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao

Tỉnh Kon Tum chú trọng thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao, quy trình khép kín từ khâu sản xuất, con giống đến chế biến, phân phối sản phẩm ra thị trường.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.