| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát chặt nguồn thải vào hệ thống Liễn Sơn

Thứ Hai 09/12/2019 , 10:10 (GMT+7)

Trước thực trạng chất lượng nước sông trong hệ thống Liễn Sơn, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đã đề xuất những giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm…

unnmed092236246
Rác trên tràn ngập hệ thống thủy lợi Liễn Sơn tại khu vực Cầu Đất, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).

Kết quả giám sát và dự báo chất lượng nước trong hệ thống thủy lợi Liễn Sơn của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường cho thấy, chất lượng nước trong hệ thống thủy lợi Liễn Sơn vẫn diễn ra phức tạp, các nguồn gây ô nhiễm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ trước khi thải vào kênh, sông của hệ thống.

Trước tình trạng đó, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đã đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm như: Xây dựng cơ chế chính sách cụ thể về đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khu vực nông thôn, làng nghề; cơ chế hỗ trợ vốn cho cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp tham gia các hoạt động BVMT, đặc biệt là các hoạt động thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt. Xây dựng cơ chế ưu đãi để kêu gọi các cơ sở sản xuất trong làng nghề xen kẽ trong khu dân cư di chuyển ra khu quy hoạch làng nghề tập trung.

Cùng với đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể đối với các cơ sở áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp, làng nghề; sản xuất và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Công tác nâng cao năng lực quản lý môi trường cũng vô cùng quan trọng. Trong đó, cần kiện toàn bộ phận chuyên môn về quản lý môi trường cho cấp xã. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về quản lý môi trường cho cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên trách quản lý môi trường các cấp, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã.

Tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ BVMT; xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ bảo vệ môi trường giữa các ngành, các cấp; tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong công tác BVMT. Tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT và quản lý tài nguyên thiên nhiên; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm túc việc đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển; kịp thời điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển ngành, lĩnh vực hiện chưa đáp ứng các yêu cầu về BVMT, phát triển bền vững.

Tăng cường chất lượng thẩm định dự án đầu tư, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, công nghệ sạch; thường xuyên rà soát phát hiện kịp thời các điểm ô nhiễm môi trường bức xúc và đề xuất biện pháp xử lý.

Tăng cường công tác quản lý đa dạng sinh học (ĐDSH); phối hợp với các tổ chức phi chính phủ, tổ chức khoa học công nghệ trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố lân cận và các bộ, ngành liên quan để giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ vào xử lý môi trường, đặc biệt ưu tiên công nghệ mới, có vốn đầu tư và kinh phí vận hành thấp, dễ vận hành sử dụng. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất thủ công thay đổi công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Phổ biến áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tái chế, tái sử dụng chất thải; đẩy mạnh sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; khuyến khích áp dụng, đổi mới công nghệ sản xuất hướng tới ứng dụng công nghệ tiêu tốn ít nguyên, nhiên liệu, năng lượng, ít chất thải, hàm lượng các-bon thấp.

unnmed-2092236628
Rác chất thành đống cạnh hệ thống thủy lợi Liễn Sơn đoạn qua thôn Hòa Loan, xã Lũng Hòa (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).

Ông Lê Xuân Quang, Chủ nhiệm nhiệm vụ “Giám sát, dự báo chất lượng nước trong hệ thống công trình thuỷ lợi Liễn Sơn phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp” của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường cho biết: Để giảm thiểu ô nhiễm nước sông trong hệ thống Liễn Sơn, cần có sự theo dõi thường xuyên chất lượng nước tại các vị trí đã được lựa chọn trong mạng giám sát và tại các điểm xả nước thải trực tiếp ra hệ thống, nhằm đánh giá đầy đủ và toàn diện những thay đổi thường xuyên và bất thường trên mạng quan trắc chất lượng nước của hệ thống Liễn Sơn. Mở rộng phạm vi quan trắc để có dữ liệu đánh giá chất lượng nước trong hệ thống tại một số vị trí phát sinh ô nhiễm như: Vị trí trên sông Phan, sông Cà lồ, nơi tiếp nhận nước thải của thành phố Vĩnh Yên và khu công nghiệp.

Chính quyền các địa phương trong hệ thống cần quan tâm và phải có biện pháp mạnh trong việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến luật thủy lợi có hiệu lực từ 1/7/2017.

Tăng cường trong công tác kiểm tra, cấp phép xả thải và giám sát các nguồn xả thải vào hệ thống để nắm được quy luật xả thải cũng như tải lượng xả thải nhằm vận hành công trình trong hệ thống hợp lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tới từng địa phương về luật tài nguyên nước, pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, quy định thủ tục cấp giấy phép xả thải. Cấp có thẩm quyền thực hiện nghiêm việc xử phạt đối với các vi phạm về xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi.

Ông Quang cho biết thêm: Trong thời gian tới, cần điều tra, đánh giá bổ sung và thường xuyên hiện trạng xả nước thải và khả năng tiếp nhận của nước thải của nguồn nước trong toàn hệ thống thủy lợi Liễn Sơn.

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “Giám sát, dự báo chất lượng nước trong hệ thống công trình thuỷ lợi Liễn Sơn phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp” trong năm 2020 và các năm tiếp theo để đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành lấy nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, quản lý các nguồn thải gây ô nhiễm, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do ô nhiễm chất lượng nước gây ra…

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.