| Hotline: 0983.970.780

Kiến nghị gói chính sách hỗ trợ khôi phục chăn nuôi sau dịch bệnh

Thứ Năm 14/10/2021 , 17:52 (GMT+7)

Nhằm khôi phục sản xuất sau dịch bệnh, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo 6 bộ tập trung hỗ trợ ngành đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2021.

Hội Chăn nuôi Việt Nam (Hội Chăn nuôi) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững.

Chi phí đầu vào thuộc nhóm cao trong khu vực

Tại văn bản gửi Thủ tướng, Hội Chăn nuôi nhận định, chưa bao giờ, ngành chăn nuôi Việt Nam đứng trước khó khăn, thách thức như hiện nay. Trong bối cảnh dịch bệnh, biến đổi khí hậu và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết phát huy hiệu lực..., ngành chăn nuôi trong nước gặp thêm những rủi ro về an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường và cạnh tranh thị trong hội nhập. Hội Chăn nuôi nêu 4 rào cản chính.

Chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn còn ở mức cao trong khu vực. Ảnh: TL.

Chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn còn ở mức cao trong khu vực. Ảnh: TL.

Thứ nhất, không gian chăn nuôi nước ta không rộng như các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác, mật độ chăn nuôi của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất của khu vực và thế giới. Mặt khác, chăn nuôi chủ yếu là quy mô nhỏ, số người tham gia chiếm tỷ lệ cao, nhưng mức đầu tư cho chăn nuôi lại thấp, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh theo ngành hàng còn nhiều bất cập.

Thứ hai, là việc kiểm soát dịch bệnh, giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi còn nhiều tồn tại. Chi phí đầu vào của chăn nuôi trong nước thuộc nhóm cao trong khu vực, nhất là chi phí mặt bằng, vận chuyển và tín dụng.

Thứ ba, là tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cao. Việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các loại thực phẩm giá rẻ ngày càng gia tăng. Khi các dòng thuế quan nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đang về mức 0%, áp lực thị trường với chăn nuôi trong nước tăng cao, nhưng các ngành công nghiệp phụ trợ cho chăn nuôi còn hạn chế.

Cuối cùng, Hội Chăn nuôi cho rằng, tổ chức bộ máy hệ thống quản lý ngành chăn nuôi, thú y hiện nay còn những chồng chéo trong quản lý, không tổng hợp được sức mạnh chung cho quá trình phát triển. Lấy ví dụ về yêu cầu kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát giết mổ phải bắt đầu từ quy trình, công nghệ chăn nuôi, vùng chăn nuôi... Hội Chăn nuôi đánh giá, cách thức tổ chức bộ máy hiện tại chưa giải quyết hiệu quả vấn đề này. 

Dù còn nhiều bất cập, Hội Chăn nuôi tin rằng ngành chăn nuôi Việt Nam đủ khả năng sản xuất, đáp ứng nhu cầu các loại thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu nếu xét tổng thể về hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật, trình độ quản lý và quy mô đàn vật nuôi các loại. 

Kiểm soát chặt nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi

Nhằm đáp ứng nhu cầu các loại thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước, gia tăng xuất khẩu, đảm bảo sinh kế của hàng chục triệu nông dân, Hội Chăn nuôi kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo 6 bộ liên quan.

Cụ thể, với Bộ NN-PTNT, Hội Chăn nuôi kiến nghị ba vấn đề. Một là cơ cấu và chỉ đạo điều hành sản xuất một số sản phẩm chăn nuôi chính như thịt lợn, thịt gia cầm, thịt trâu bò, trứng và sữa theo các chuỗi liên kết khép kín phù hợp với tiềm năng, nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập quốc tế. Trong đó, cần phát huy tối đa vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội để cân đối, điều hòa sản xuất sát hơn với thị trường.

Hội Chăn nuôi kiến nghị tạo điều kiện tốt nhất cho lưu thông và bình ổn thị trường sản phẩm chăn nuôi. Ảnh: Lê Bền.

Hội Chăn nuôi kiến nghị tạo điều kiện tốt nhất cho lưu thông và bình ổn thị trường sản phẩm chăn nuôi. Ảnh: Lê Bền.

Hai là kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và phân cấp hơn các dịch vụ công cho các hội, hiệp hội ngành hàng lĩnh vực chăn nuôi, thú y phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Ba, là phối hợp với Bộ Công Thương, kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm. Hội Chăn nuôi lấy dẫn chứng về việc năm 2020, nhập khẩu thịt lợn tăng 404%, thịt gia cầm tăng 15%, thịt trâu bò tăng 44%... khiến các sản phẩm chăn nuôi trong nước đang bán dưới giá thành sản xuất và không tiêu thụ được.

Với Bộ Công thương, Hội Chăn nuôi kiến nghị tạo điều kiện tốt nhất cho lưu thông và bình ổn thị trường sản phẩm chăn nuôi nhằm khuyến khích chăn nuôi trong nước phát triển, đồng thời mở rộng hệ thống cửa hàng, siêu thị thực phẩm trên thị trường, kể cả vùng nông thôn.

Hội Chăn nuôi đề xuất việc đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, trong đó chú ý đến các sản phẩm thịt gia cầm đã qua xử lý nhiệt. Đây là mặt hàng có lợi thế của chăn nuôi trong nước.

Cùng với đó, Hội kiến nghị Bộ Công thương tăng cường đàm phán với các nước xuất khẩu lớn như Mỹ, Brazin, Argentina, Ấn Độ, Australia, Nga, Ukraine... để có chính sách, điều kiện thương mại ưu đãi cho xuất khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản vào Việt Nam. Đây là nhóm hàng Việt Nam đang nhập siêu, trung bình khoảng 6 - 6,5 tỷ USD/năm.

Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu ngô, đậu tương

Với Bộ Tài chính, Hội Chăn nuôi mong muốn gói chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất sau dịch bệnh, trong đó có hỗ trợ lãi suất tín dụng cho người chăn nuôi vay vốn khôi phục và mở rộng sản xuất.

Bên cạnh đó, Hội kiến nghị việc điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu nhằm hỗ trợ chăn nuôi trong nước theo khung cam kết trong các hiệp định thương mại. Cụ thể, tăng hoặc giữ mức thuế nhập thịt lợn, thịt gia cầm; giảm thuế nhập khẩu ngô, đậu tương và điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu một số nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi bổ sung mà trong nước có thể sản xuất được như các loại thức ăn khoáng, axit hữu cơ...

Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Chính phủ có gói chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất sau dịch bệnh. Ảnh: VĐT.

Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Chính phủ có gói chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất sau dịch bệnh. Ảnh: VĐT.

Với Ngân hàng Nhà nước, Hội Chăn nuôi kiến nghị chính sách tín dụng ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho doanh nghiệp và người chăn nuôi vay vốn khôi phục sản xuất. Nguyên do bởi, so với các ngành khác, sản xuất chăn nuôi bị "dịch chồng dịch" suốt 2 năm qua.

Với Bộ Giao thông - Vận tải, Hội Chăn nuôi đề xuất chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống kho, cảng biển, cảng sông và logistics hỗ trợ xuất nhập khẩu, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và nông sản. Nếu không sớm có những chính sách này, ngành chăn nuôi sẽ khó giảm chi phí bởi hàng năm nước ta nhập khẩu 20 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản và trên 100 triệu tấn thức ăn tinh, thức ăn thô xanh lưu chuyển trong nước.

Với Bộ Tài nguyên - Môi trường, Hội Chăn nuôi quan tâm tới chính sách đất đai cho phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn, sao cho phù hợp với Luật Chăn nuôi và Luật Đất đai sửa đổi. Ngoài ra, Hội mong muốn Bộ sẽ điều chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật về nước thải phù hợp với thực tế của ngành chăn nuôi.

Về phía địa phương, Hội Chăn nuôi kêu gọi tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, khôi phục chăn nuôi, nhất là để người sản xuất được tiếp cận tốt nhất với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên người và vật nuôi.

Theo thống kê của Hội Chăn nuôi, mức tăng trưởng bình quân của ngành trong gần 30 năm qua luông giữ ở ngưỡng từ 5 - 6%/năm. Nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng trên 2 con số trong nhiều năm như chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến sữa... đáp ứng cơ bản nhu cầu cho tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.

Cả nước có hơn 2 triệu hộ nuôi lợn, gần 2,2 triệu hộ nuôi trâu bò, gần 7 triệu hộ nuôi gia cầm và hàng trăm ngàn hộ nuôi các loại vật nuôi khác.

Hầu hết vốn đầu tư cho hạ tầng phát triển ngành chăn nuôi những năm gần đây đều do tư nhân và doanh nghiệp FDI đầu tư. Nhiều lĩnh vực, Việt Nam có thứ bậc cao trong khu vực và trên thế giới như: Quy mô đàn lợn đứng tốp 7, đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới, công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, năng suất bò sữa và công nghiệp chế biến sữa đứng đầu các nước ASEAN.

Xem thêm
Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).