| Hotline: 0983.970.780

Làm gì sau khi du học về nước

Thứ Hai 18/07/2022 , 10:48 (GMT+7)

Cháu nhìn lại những người mà cháu biết phải chạy vạy để lo việc thu nhập khoảng 20 triệu/tháng. Hỏi có xót tiền bố mẹ bỏ ra cho vi vu nước ngoài không?

Thưa cô kính mến!

Thế hệ cháu, nhìn những anh chị trong hai bên họ hàng nội ngoại, hoặc nhìn trong đám bạn, cháu thấy có hai khuynh hướng : 1) học đại học gì đó cho vui lòng bố mẹ, xong đi làm lất phất qua ngày; 2) ừ thì học bỏ túi tấm bằng, sau thì rẽ sang đường khác với ước mơ, khao khát. Sở dĩ cháu dám nói như tổng kết là vì cháu thấy kinh tế của số gia đình mà cháu biết rất thong dong. Con cái muốn du học, OK ngay, đa số đều du học. Không phải họ chạy khỏi nền giáo dục nước nhà, mà vì sau 18 tuổi, du học là chân trời, ai cũng muốn rảo bước. Săn học bổng, đỡ phần nào hay phần ấy, bố mẹ không quá bắt buộc con cái. Dĩ nhiên là họ không giàu hoặc không nhắm mắt khi con vào các trường ngốn tiền.

Đã đến lúc cháu nhìn lại những người mà cháu biết. Nếu không giỏi IT hay một vài ngành hot, là bố mẹ phải chạy vạy để lo việc ở các cơ quan nhà nước, thu nhập khoảng 20 triệu/tháng. Hỏi có xót tiền bố mẹ bỏ ra cho vi vu nước ngoài không, cháu không nghĩ bài toán ấy để trả lời cho họ và cho chính mình. Cũng tùy quan niệm và tùy hoàn cảnh từng gia đình, đúng không cô?

Cháu đi theo diện học bổng thấp, ở một nơi mọi thứ đều bình bình, không như Mỹ, hay Úc, hay Canada. Học tiếng 1 năm, đại học 4 năm, như bao người. Chừng năm thứ hai là cháu thấy tấm bằng đây không phải công việc mà cháu sẽ gắn bó. Cháu thích hội họa dù vẽ kém, cháu thích ngao du và viết dù không viết nhạc hay làm thơ. Cháu không rõ mình sẽ dừng lại với việc gì nhưng các giác quan cháu luôn lên tiếng: đi đi, ngắm nhìn và lắng nghe bản thân. Cháu trở về trong đại dịch, vừa vặn xong chương trình. Xem như có tấm bằng để bố mẹ an tâm (bố mẹ không hay khoe con với ai).

Cả năm nay cháu đã lắng nghe và đã bắt đầu những việc mà chưa thể nói với ai được. Bố mẹ có vẻ băn khoăn nhưng tôn trọng độc lập của con. Cháu thì chưa tin bản thân mình, liệu không vào công ty theo tấm bằng, hoặc vào guồng viên chức thì có sai lầm, có lỗi với bố mẹ với ông bà không nữa.

Cháu thân mến!

Quả nhiên, các cháu khác bố mẹ hay ông bà ngày trước nhiều lắm. Ngày bao cấp, chẳng ai chọn lựa được gì nhiều, kể cả trong chọn lựa bạn đời để hôn nhân. Đến bố mẹ cháu, học hành bài bản, bằng cấp vừa phải và lao ra chân trong chân ngoài, vật lộn với đồng tiền với quyết tâm “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Đến các cháu thì, như cháu viết, xem chuyện du học như chuyến đi phượt dài. Khác Tây ở chỗ, tiền cha tiền mẹ, bởi vì văn hóa tây là sau đại học mới đi nước ngoài để làm gì đó cho cộng đồng nhân loại và điểm xã hội ấy rất oách khi đầu quân học lên.

Làm sao chúng ta giống Tây được, đúng không, vì chúng ta đi ngay sau PTTH (thêm 1 năm học tiếng nữa). 18 tuổi thì ở xứ người chỉ được làm thêm trong quy định thôi. Cô không trách sao các cháu đi sớm và xài tiền bố mẹ một cách vô lo. Là vì thực ra sự học đại học ở VN có vẻ lãng phí mấy năm đầu do nhồi nhét đại cương, sâu xa bố mẹ các cháu biết và âm thầm ủng hộ con du học, sâu xa các cháu cũng biết mà không thể phản ứng. Đi bởi vì có đến hàng tá lý do, trong đó lý do sáng tươi, nhân bản nhất là thay đổi môi trường, từ chỗ kém đến chỗ tốt, văn minh, sang trọng.

Dần dần đi du học đông thì số người quay về cũng đông. Đơn giản do nhu cầu việc ở nước sở tại không dễ. Nói chung, có hàng ngàn lý do đi thì cũng có hàng trăm lý do để về. Không ai từng học ở nước ngoài, có văn hóa mới chút mà kiếm không ra ăn ở quê hương đất nước của mình cả. Cô thấy cháu có trái tim mẫn cảm, có tâm hồn lạ qua thư và chữ nghĩa trong đây. Có lẽ tố chất nghệ sĩ ở cháu đang lớn dần lên, lấn át sự vâng lời bố mẹ khi học đại học gì đó mà cháu không thấy gắn bó. Nếu nghệ sĩ thì sẽ thành công muộn, do họ phát hiện năng khiếu và khao khát muộn, vậy thôi. Nếu bố mẹ không thúc giục chồng con, không gây áp lực kinh tế, hãy khoan thai tìm chỗ đứng của mình trong cuộc đời này. Nhé, lắng nghe, thử nghiệm, mê say đi rồi cháu sẽ biết mình muốn làm gì. Không có gì muộn cả đâu, cháu nhé. 

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.