Cổng làng quê Bắc Bộ |
Những nếp nhà không nguy nga nhưng trau chuốt cỏ xanh hoa hồng cây biếc. Con kênh quanh quanh, rộng cỡ mương vườn của dân miền Tây Nam bộ nhưng sạch bong, thuyền du khách thong dong đôi bờ tiên cảnh. Giá như trên thế gian này ở đâu cũng khiêm nhu, tao nhã như vậy. Nhưng những nơi đó ở đâu? Xin thưa, của châu Âu hết, cái nôi văn minh của nhân loại. Bạn sẽ tặc lưỡi, biết ngay mà, khen châu Âu thì khen hết đời chưa hết!
Người Pháp làm du lịch, có lẽ đẳng cấp vào loại nhất nhì thế giới. Làng Pe’rouges có từ thế kỷ 13 ở Lyon cho thấy người ta cố tình nhấn nhá vẻ tróc lở của nó trên những mảng tường. Những con dốc, ngõ hẻm cũ một cách khô ráo, thậm chí rêu phong. Yên lặng như tờ, không bóng người không chó sủa mèo kêu nhưng rèm tuyn vẫn động đậy, hoa ngũ sắc vẫn tươi trên bậu cửa. Nghĩa là dân cư nghe thấy tiếng chân du khách và họ náu mình để không khí của chữ Làng viết hoa thấm đẫm hồn thu thảo. Du khách thả chân, trầm trồ thán phục và lưu luyến. Vài shop hội họa cho nhu cầu souvenir, vài quán cà phê để thấy làng sống động và ở cuối cửa ra vào là những người thợ làm bánh cổ truyền bán tại chỗ. Du khách không kêu ca đắt quá, hoa ấy, cây ấy, vẻ đẹp tiếp nối ấy ai người làm ra nếu dân làng không hợp tác?
Nhớ làng Đường Lâm đặc trưng cho văn hóa làng của phù sa sông Hồng. Cổng làng trầm mặc, những cây bồ đề cây đa cây gạo bên đường che chở và nuôi dưỡng hồn khí cư dân hàng mấy trăm năm can qua dâu bể. Những nếp nhà gỗ, sân gạch, mùi tương, chao ơi, đặc sệt Việt Nam. Nhưng cư dân quẫy đạp không yên, người ta lên nhà mấy tấm, sao tôi phải ôm phận nhà gỗ cũ? Du khách nản dần, thưa thớt, chỉ thấy lôm nhôm, bất mãn và cả mùi hôi hôi muôn thuở của cống rãnh xập xệ. Dân nhà cổ hậm hực dân nhà bê tông nhôm kính, vẻ thân thiện với nhau không có, du khách họ cảm được hết, đừng tưởng!
Một lần đưa cháu đi thử tour Sài Gòn - miền Tây hai ngày một đêm. Ăn uống ngủ nghỉ đạm bạc không thành vấn đề vì giá tour như thế thì phải chấp nhận như thế. Nhưng cảnh khẩn nài du khách bước xuống những chiếc xuồng của bà con nông dân Tiền Giang đi vào rạch giống hệt cảnh chèo kéo quen thuộc ở Chùa Hương, Tràng An, Hạ Long… sao người mình quá giống nhau ở chỗ chăm chăm nhìn vào túi người ta một cách trắng phớ như vậy? Chặng khám phá bằng xe ngựa trên đường làng mới thật ái ngại. Ngựa nhỏ thó thiếu đói, cỗ xe hôi rình và làng chẳng có gì để xem. Màn hát ca mới thật miễn cưỡng, cũng đã bắt gặp cảnh qua loa này ở Bắc Ninh, thậm chí ở Văn Miếu! Chao ơi du lịch xứ ta mấy thập kỷ vẫn bát nháo, chộp giựt, qua quýt y sì như vậy sao?
Biết bao nhiều làng ở nước mình, ngành thống kê chắc biết nhưng ta cứ nói là hàng vạn đi. Quá nhiều, quá phong phú. Tinh thần làng ở ta ngoài chiến lũy khi có chiến trận còn là làng nghề, từ sự tinh tế, khéo tay của người Việt. Đâu chỉ có Vạn Phúc, Bát Tràng, Cát Hải, Chợ Lách, Phong Điền… Phải ghi nhận Hội An thời ngài Nguyễn Sự dẫn đầu về tổng thể cho du lịch: khách tản bộ thong dong toàn bộ khu phố cổ, xe đạp cho người đi trồng rau, cưỡi trâu, làm lúa… du khách luôn muốn trở lại vì sự thanh bình ngăn nắp ở đây. Sao chỉ có mỗi Hội An, có lẽ vì ở đó vị đứng đầu chính quyền không xa dân, không đánh đổi môi trường để tư túi cho mình và bè nhóm của mình.
Du lịch miệt vườn |
Đang có rất nhiều bạn trẻ xong đại học là khăn gói về quê. Họ lưu loát tiếng Anh, họ giỏi kỹ năng điện tử và họ nhiều khát vọng “làm gì cho quê hương đi chứ, trống vắng đủ rồi, nghèo khó đủ rồi, phải tự mình vùng dậy thôi”. Họ bắt đầu từ cây trong vườn, cái mương, hàng rào, bờ bến. Họ í ới bà con dòng họ cùng làm để kéo tour cho du lịch. Bưởi da xanh, nước dừa xiêm và tôm càng, chừng ấy thôi chưa đủ, ẩm thực giữa những khu vườn nên thơ và không rác nilon mới là mục tiêu của đời họ. Nghĩa là ăn trong vui, đi trong thơm và về trong thương nhớ. Vậy là có qui hoạch cây hàng rào cho từng nhà, những bồn hoa, cây lành trái ngọt chim sóc tìm về, nước trong xuồng len trong mương vườn và xe đạp free thoải mái. Đã manh nha các bạn ạ, ở Tiền Giang, ở Bến Tre, cái nôi của văn minh miệt vườn đang vẫy bạn bằng những cánh tay trẻ măng, hăm hở!
Có thế chứ. Cứ một cụm làng thành một điểm sinh thái cho tour, có vui không? Ấy gọi là tự cứu trước khi trời cứu, những lớp người đầu tiên có học quay về với nơi chôn nhau cắt rốn. Ở đâu có trí thức là sẽ có tri thức và sau họ, là sẽ có tất cả.