Trạm Kiểm soát Biên phòng Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn) cùng Chi cục Thủy sản Bình Định vừa tiến hành thả một cá thể rùa biển do ngư dân giao nộp về lại môi trường tự nhiên.
Cụ thể, sáng sớm 29/5, ông Nguyễn On (sinh năm 1963) ở khu phố Thiện Chánh 2, phường Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), trong lúc đang khai thác thủy sản gần bờ với chiếc xuồng nhỏ thì đánh bắt được cá thể rùa biển, nặng 8,5kg, có mai rộng 40 cm, dài 50 cm. Ông On được biết rùa biển là loài động vật quý hiếm qua công tác tuyên truyền của ngành chức năng, nên ông mang vào bờ giao nộp cho Trạm Kiểm soát Biên phòng Tam Quan.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ Trạm Kiểm soát Biên Phòng Tam Quan, Chi cục Thủy sản Bình Định cùng chính quyền địa phương đã tiến hành thả cá thể rùa biển nói trên về tự nhiên.
Cá thể rùa biển này có 4 đôi vảy bìa, đôi thứ nhất gắn với vảy gáy, 1 đôi vảy trước trán, răng dạng mỏ; mai rùa có màu đỏ gạch với một số vạch đỏ ở rùa biển sắp trưởng thành. Ngành thủy sản Bình Định xác định đây là loài vích (Chelonia mydas) đang bị đe dọa, theo phân loại của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Phụ lục I của Công ước CITES cấm buôn bán vận chuyển quốc tế. Là 1 trong 5 loài rùa biển quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng cần được bảo tồn.
Trước đó, vào ngày 18/4, một cá thể đồi mồi dứa nặng khoảng 13kg, mai đồi mồi có chiều dài và chiều rộng bằng nhau (cùng 48cm) dính lưới đánh cá của ngư dân bị thương nhẹ, được ông Nguyễn Trần Quốc Thông, (sinh năm 2000) ở thôn Xuân Bình, xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ) giao nộp cho Chi cục Thủy sản Bình Định. Tiếp nhận cá thể đồi mồi, ngành chức năng sơ cứu và thả về môi trường tự nhiên tại khu vực biển xã Nhơn Lý (thành phố Quy Nhơn).
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, từ năm 2016 đến nay, đã có 29 con rùa biển dính lưới; trong đó, có 19 đồi mồi, 9 vích và 1 đồi mồi dứa được người dân giải cứu, giao nộp cơ quan chức năng để thả về biển. Các tổ tình nguyện viên bảo vệ rùa biển cũng đã bảo vệ thành công 5 ổ trứng vích với 380 rùa con về biển an toàn.
Hoạt động bảo tồn rùa biển bắt đầu triển khai tại Bình Định vào năm 2007 với sự tư vấn của bà Gail Berbie, tình nguyện viên thuộc tổ chức VSA (New Zealand). Từ năm 2008 đến năm 2016, với sự hỗ trợ của các chương trình dự án của IUCN, WWF, Chi cục tiếp tục tổ chức các hoạt động khảo sát bãi đẻ rùa biển, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và quan sát cứu hộ rùa biển; thành lập các nhóm tình nguyện viên bảo vệ và cứu hộ rùa biển tại các địa phương, khen thưởng các cá nhân có thành tích cứu hộ rùa biển...
Từ các hoạt động trên đã giúp nhận thức cộng đồng được nâng cao, đến cuối năm 2022 Bình Định đã cứu hộ thành công 16 con rùa biển, trong đó có 4 con rùa xanh và 11 con đồi mồi, bảo vệ được 7 ổ trứng rùa và đưa 536 rùa con về biển an toàn.
Từ năm 2016, dù không còn sự hỗ trợ của IUCN, WWF, các hoạt động về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo tồn rùa biển vẫn được Chi cục lồng ghép thực hiện cùng nhiều chương trình, dự án khác, như: GEF, MCD, CRSD; hoặc thực hiện từ nguồn thu của Chi cục Thủy sản Bình Định. Hoạt động bảo tồn và cứu hộ rùa biển được cộng đồng dân cư địa phương ủng hộ cao, nhờ đó nhiều ngư dân đã chủ động báo tin, tham gia vận động thả và cứu hộ rùa biển.
“Thành công lớn nhất trong công tác bảo tồn rùa biển tại Bình Định là làm thay đổi được nhận thức của người dân, khi người dân chủ động bảo vệ thì cơ hội sinh sôi cho loài rùa biển sẽ cao hơn rất nhiều”, ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định chia sẻ.