| Hotline: 0983.970.780

Mỗi tháng vượt rừng gần 600km nhờ… phần mềm Smart

Thứ Hai 27/05/2024 , 07:30 (GMT+7)

Kon Tum Nhờ phần mềm Smart, quãng đường di chuyển tuần tra của nhân viên bảo vệ rừng thuộc Vườn quốc gia Chư Mom Ray tăng nhiều lần, góp phần đẩy lùi tình trạng xâm hại rừng.

Vườn quốc gia Chư Mom Ray là nơi bảo tồn các nguồn gen động thực vật quý hiếm. Ảnh: Tuấn Anh.

Vườn quốc gia Chư Mom Ray là nơi bảo tồn các nguồn gen động thực vật quý hiếm. Ảnh: Tuấn Anh.

Vườn quốc gia Chư Mom Ray (nằm trên địa bàn huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi của tỉnh Kon Tum) hiện đang quản lý, bảo vệ trên 56.000ha rừng đặc dụng và hơn 4.000ha rừng sản xuất. Nơi đây còn được biết đến là nơi bảo tồn các nguồn gen động thực vật quý hiếm.

Diện tích rừng rộng lớn trong khi lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chỉ có 71 người. Điều đáng nói, hầu hết các trạm quản lý bảo vệ rừng đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện giao thông, thông tin liên lạc còn khó khăn. Đặc biệt, có 6 trạm chưa có sóng điện thoại và lưới điện thắp sáng.

Trước những khó khăn đó, những năm qua, Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã áp dụng nhiều phần mềm trong công tác quản lý bảo vệ rừng như GIS, WebGis. Đặc biệt, phần mềm Smart giúp Ban quản lý giám sát được quãng đường đi tuần tra và việc xử lý vi phạm của nhân viên trên hành trình tuần tra, phát hiện dấu vết động vật, thực vật… Nhờ vậy kịp thời phát hiện ngăn chặn từ xa các nguy cơ xâm hại đến rừng.

Nhờ phần mềm Smart, công tác bảo vệ rừng trở nên hiệu quả hơn. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhờ phần mềm Smart, công tác bảo vệ rừng trở nên hiệu quả hơn. Ảnh: Tuấn Anh.

Những ngày này, chúng tôi đặt chân đến Trạm Bảo vệ rừng Bargook, thuộc Vườn quốc gia Chư Mom Ray (xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy) và chứng kiến những cánh rừng cổ thụ cao ngút trời, mọc san sát nhau. Để đi được đến khu rừng này phải men theo triền núi, bám theo những con đường mòn. Khi chúng tôi đến nơi cũng là lúc kiệt sức, mồ hôi nhễ nhại. Thấy vậy, anh Lê Trọng Hảo (nhân viên trạm) mỉm cười nói: “Anh mới đi có mấy trăm mét mà đã thở không ra hơi. Còn chúng tôi, mỗi ngày đi cả chục km, thành quen rồi nên dốc cao, rừng sâu nào cũng không thành vấn đề”.

Để chứng minh quãng đường di chuyển, anh Hảo lấy chiếc điện thoại ra rồi mở ứng dụng phần mềm Smart. Lập tức, phầm mềm này hiển thị điểm đầu anh Hảo đi tuần tra, quãng đường di chuyển cho đến điểm kết thúc. Anh Hảo cho biết, để sử dụng phần mềm Smart, các nhân viên được Ban quản lý mua cho mỗi người 1 chiếc điện thoại và được cài sẵn ứng dụng. Khi đi tuần tra sẽ bấm nút khởi hành, trong quá trình di chuyển bắt gặp vụ việc gì thì đánh dấu vào phần mềm, hết chuyến thì ấn nút kết thúc.

“Qua 2 năm áp dụng, tháng cao điểm mình di chuyển 300km, trong khi tối thiểu chỉ cần 150km là hoàn thành nhiệm vụ. Quãng đường đi tuần rừng của mình dựa trên kết quả có thật vì được đo đạc bằng phần mềm công nghệ”, anh Hảo chia sẻ.

Phần mềm Smart sẽ ghi lại những sự việc mà nhân viên bắt gặp trong quá trình tuần tra. Ảnh: Tuấn Anh.

Phần mềm Smart sẽ ghi lại những sự việc mà nhân viên bắt gặp trong quá trình tuần tra. Ảnh: Tuấn Anh.

Chia sẻ về phần mềm Smart, anh Lê Văn Nghĩa, trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Bargook cho biết, trạm có 6 nhân viên đều phải đi tuần tra, người cao nhất 1 tháng đi 380km. Riêng bản thân anh, tháng cao điểm đi 240km. “Từ khi áp dụng phần mềm Smart, việc tuần tra bảo vệ rừng của nhân viên được giám sát kỹ không có chuyện bao che, báo cáo gian dối hay nhờ ai đi tuần tra thay thế. Kết quả dữ liệu tuần tra hàng tháng sẽ làm căn cứ xếp loại nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên”, anh Nghĩa chia sẻ.

Theo dữ liệu từ phần mềm Smart, anh Nguyễn Bá Nam, Trạm trưởng Trạm  Quản lý bảo vệ rừng Ya Lân (Vườn quốc gia Chư Mom Ray) là người có tổng quãng đường đi tuần tra rừng nhiều nhất với gần 600km trong tháng 4/2024. Vào tháng cao điểm nắng nóng, anh Nam phải đi kiểm tra rừng thường xuyên nên quãng đường đi chuyển tăng đột biến so với thời gian trước.

Từ khi áp dụng phần mềm Smart, nhân viên hăng hái hơn trong quá trình tuần tra. Ảnh: Tuấn Anh.

Từ khi áp dụng phần mềm Smart, nhân viên hăng hái hơn trong quá trình tuần tra. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray cho biết, phần mềm Smart được đơn vị áp dụng từ năm 2022. Để công tác bảo vệ rừng hiệu quả, phần mềm này đã được điều chỉnh một số dữ liệu, quy định cho phù hợp hơn. Chẳng hạn như cuối tuyến thì phải có hình ảnh của các nhân viên để chứng minh kết quả công việc của người đi tuần tra. Nhờ đó nên đã xoá bỏ tình trạng trốn tránh nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Cũng theo ông Thủy, ngoài phần mềm Smart, Vườn quốc gia Chư Mom Ray còn áp dụng flycam và công nghệ bẫy ảnh (camera nhỏ) để quản lý bảo vệ rừng. Trong đó, flycam có tác dụng kiểm soát rừng ở tầm cao, bẫy ảnh được đặt trong rừng để kiểm soát tài nguyên rừng và ngăn chặn các đối tượng xâm hại rừng.

Nhiều đối tượng vào rừng với ý đồ xâm hại rừng, đã bị camera ghi lại, làm cơ sở để địa phương xử lý. Ông Thủy cho biết: “Mặc dù nhân viên bảo vệ rừng còn thiếu nhưng nhờ ứng dụng ứng phần mềm Smart và công nghệ trong tuần tra rừng nên 4 năm qua, Vườn quốc gia Chư Mom Ray không xảy ra tình trạng vi phạm lâm nghiệp, cháy rừng, giúp những cánh rừng thêm bình yên”.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.