Đến hẹn lại lên
Xã vùng cao An Toàn thuộc huyện miền núi An Lão (Bình Định) có Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn có tổng diện tích hơn 25.000ha; trong đó có hơn 22.000ha là rừng đặc dụng với 547 loài thực vật quý hiếm. Khi những cánh rừng nguyên sinh trên vùng cao An Toàn tỏa ngát hương của muôn loài hoa rừng, cũng là khi các chàng trai Bana khoác gùi lên vai, cơm ăn cơm dỡ vào rừng săn mật ong.
Theo ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, những cánh rừng nằm trên độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển ở vùng cao này hiện còn giữ được vẻ nguyên sinh rất hấp dẫn. Rừng đầy hoa. Đặc biệt, ở An Toàn có đến hàng trăm ha rừng sim mọc rải rác, trong đó có đồi sim đông đặc rộng đến hơn 100ha.
Hàng năm cứ vào mùa hoa sim nở, khoe sắc tím phủ kín những ngọn đồi, tím rưng rức cả một góc trời. Đó cũng là mùa những đàn ong rừng bắt đầu làm mật. Anh Đinh Văn Thôi ở thôn 2 (xã An Toàn), người có thâm niên hơn 10 năm làm thợ săn mật ong rừng, cho biết: “Ở trong rừng An Toàn còn rất nhiều cây to, gốc to cả mấy người ôm. Trong rừng già không có nơi nào là ong không làm tổ, những cánh rừng có nhiều hoa sẽ có nhiều tổ ong, những cánh rừng ít hoa thì tổ ong thưa thớt hơn”.
Theo chia sẻ của anh Đinh Văn Trang, cũng là một thợ săn mật ong rừng thiện nghệ ở xã An Toàn, qua Tết Nguyên đán là ong đã bắt đầu làm tổ, đến mùa hoa nở đầy rừng là đến mùa ong làm mật. Từ tháng 4 âm lịch hàng năm là các tổ ong trong rừng đã bắt đầu có mật, nhưng khai thác mật ong rừng trong tháng này mật còn ít, phải đến tháng 5 tháng 6 trở đi mật ong mới mới nhiều.
Trước khi vào mùa săn mật ong rừng, các chàng trai Bana ở vùng cao An Toàn đã lặn lội vào rừng “trinh sát” những cây rừng có ong làm tổ. Ai phát hiện được cây rừng có tổ ong thì lấy rựa khắc dấu dưới gốc, để sau này cứ theo dấu rựa mà tìm đến khai thác mật. Người đến sau phát hiện cây có tổ ong mà đã có dấu rựa là biết tổ ong này đã có chủ, đi tìm tổ ong khác. Không xâm phạm những tổ ong đã có người “xí phần” rồi là “luật bất thành văn” của người dân vùng cao, những thợ săn mật ong rừng ở An Toàn ai cũng tuân thủ rất nghiêm ngặt.
“Đó là quy ước của cha ông chúng tôi, những thợ săn mật ong rừng từ xa xưa để lại”, thợ săn mật ong rừng Đinh Văn Trang chia sẻ.
Lân la trò chuyện với những chàng trai Bana ở vùng cao An Toàn vừa kết thúc chuyến săn mật ong quay về lại làng, đang cùng vợ tách tổ ong để vắt mật đi bán, chúng tôi được biết thêm nhiều chuyện thú vị của nghề săn mật ong rừng. Muốn theo dấu những tổ ong, thợ săn phải “phục kích” tại những con suối và những khe nước trong rừng. Bởi, những con ong thợ thường tìm đến các nguồn nước để lấy nước về làm tổ, thợ săn mật ong rừng cứ theo dấu những con ong thợ ắt sẽ biết tổ ong nằm ở đâu. Cánh thợ săn mật ong rừng ở vùng cao An Toàn ai cũng thấu đáo bí quyết này.
“Loài ong thợ rất khôn ngoan, lấy nước xong chúng không bao giờ bay thẳng về tổ ngay mà cứ bay lang thang, vòng vèo trong rừng như để đánh lạc hướng những thợ săn mật ong, thật lâu chúng mới bay về tổ. Do đó, đức tính cần có đầu tiên của thợ săn mật ong rừng là phải hết sức kiên nhẫn để lần theo hướng bay của những con ong thợ”, thợ săn mật ong rừng chuyên nghiệp Đinh Văn Lái ở thôn 1 (xã An Toàn), cho hay.
Lấy mật ong "2 trong 1"
Cũng theo lời kể của các chàng trai Bana ở xã vùng cao An Toàn, hoạt động săn mật ong rừng bây giờ không còn đốt “đuốc khói” như trước đây để vừa bảo toàn đàn ong vừa đề phòng nguy cơ rủi ro gây ra cháy rừng.
Săn mật ong rừng là nghề nguy hiểm, phải lặn lội vào tận rừng sâu. Mà rừng nguyên sinh thì còn nhiều động vật hoang dã, không biết chúng tấn công những người xâm phạm “lãnh địa” của chúng lúc nào. Băng rừng lội suối bị trượt ngã là “chuyện thường ngày” của cánh thợ săn mật ong rừng, hoặc đang chuyến săn mà bị đau ốm bất ngờ. Do đó, khi đi khai thác mật ong rừng những thợ săn thường lập thành từng nhóm 3 người để hỗ trợ lẫn nhau.
Trước kia, khi đến điểm có tổ ong, mỗi người trong các nhóm săn phải đảm đương mỗi phần việc tùy khả năng. Người thì đi bứt dây rừng quấn từng đoạn vòng quanh thân cây làm chỗ tựa đặt bàn chân leo lên cành cây cao có tổ ong để lấy mật. Người thì dạo quanh tìm nhánh cây khô, quấn lá rừng tươi bên ngoài đốt lên làm “đuốc khói”, nhằm xua đàn ong bay ra khỏi tổ để thợ săn gỡ lấy tổ ong. Người mang trọng trách leo lên cây lấy tổ ong phải là người gan lì và dày dặn kinh nghiệm.
Theo chia sẻ của anh Đinh Văn Thôi, thợ săn mật ong rừng ở thôn 2 (xã An Toàn), người lấy tổ ong phải leo lên những cây cao đến 20-30m. Nếu gặp cây to, ong đóng đến 20-30 tổ trên nhiều nhánh thì kể như chuyến săn ấy cả nhóm bội thu. Trước kia, khi còn dùng “đuốc khói” xua ong đi trước khi leo lên lấy tổ thường gặp trường hợp có nhiều con ong nằm sâu trong tổ không bị ngạt khói nên chưa bay đi, khi thấy động chúng bay ra tấn công người lấy tổ đang ở trên cành cây cao nên rất nguy hiểm.
“Bây giờ, thợ săn ong rừng đều trang bị bộ đồ chuyên dụng được may bằng chất liệu vải bạt hoặc vải jean có mũ trùm kín đầu, bao tay đàng hoàng, nên nếu bị ong tấn công người lấy tổ vẫn “bình chân như vại” tiếp tục công việc trên cành cây cao. Việc không còn dùng cây khô đốt làm “đuốc khói” xua ong bay đi, đồng nghĩa cánh rừng không bị rủi ro của khói lửa, tránh được nạn cháy rừng xảy ra. Tổ ong không bị đốt, lũ ong vẫn khỏe mạnh di tản trong rừng, sau đó chúng sẽ nhanh chóng đi tái tạo tổ ong mới. Đây là cách vừa bảo vệ rừng nhưng cũng đồng thời vừa là sinh kế của người dân vùng cao”, anh Thôi chia sẻ.
Theo những thợ săn mật ong rừng ở vùng cao An Toàn, năm nào những cây ươi, cây xay và hàng trăm ha sim trong rừng cho nhiều hoa thì năm ấy ong cho nhiều mật. Những tổ ong đóng ở những cánh rừng có nhiều hoa ươi, hoa xay mỗi tổ có thể khai thác được từ 12 đến 15 lít mật; tổ ong cho ít mật nhất cũng được 5 lít.
Những năm gần đây, việc săn mật ong rừng được người dân vùng cao An Toàn xem là cái nghề hẳn hoi, lại là nghề kiếm khá tiền, là sinh kế của người dân sống cạnh rừng. Bởi lẽ đó, các cô gái Bana ở xã vùng cao An Toàn khi đến tuổi cập kê thường chọn các chàng trai biết trèo cây thật giỏi để lấy làm chồng. Bởi lẽ, chàng trai nào trèo cây nhanh như đi trên nương ắt săn mật ong rừng rất giỏi, sẽ có nhiều tiền nuôi vợ nuôi con.
Trước đây, người săn mật ong rừng thường bán nguyên tổ ong cho đại lý thu mua, các đại lý sẽ tự tách tổ, vắt lấy mật. Thời gian gần đây, nhộng ong vừa có giá vừa được tiêu thụ mạnh, nên thợ săn mật ong rừng mang ổ ong về cất công tách nhộng ong ra để bán riêng, vắt mật ong bán riêng. Làm như vậy dù tốn công hơn nhưng lấy được 2 lần tiền. Theo ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, mỗi năm những cánh rừng nguyên sinh ở đây cho người dân địa phương khoảng hơn 5.000 lít mật ong rừng.
“Hiện nay, mỗi cân nhộng ong bán được từ 300.000đ-350.000đ; mật ong rừng có giá từ 370.000đ - 400.000đ/lít. Khi vào nhà hàng, quán nhậu, nhộng ong trở thành món đặc sản. Nhộng ong được xào với lá tía tô hay chiên giòn, trộn xoài, xào măng để làm món nhắm đưa cay, hoặc nấu cháo làm món “chữa lửa”. Nhiều người còn mua nhộng ong ngâm rượu uống để bồi bổ sức khỏe. Từ đầu mùa khai thác đến nay, mỗi ngày nhóm thợ săn mật ong rừng chúng tôi mỗi người bỏ vào túi tiền triệu. Mỗi chuyến đi rừng về vợ con mừng lắm”, thợ săn mật ong rừng Đinh Văn Đức ở thôn 2 (xã An Toàn), bộc bạch.