Thưa cô kính mến!
Anh trai cháu đi du học và ở lại và thành công ngay. Anh gặp một chị bên ấy, rồi yêu, rồi đưa về nước làm đám cưới rỡ ràng, lại thành công cô ạ. Cháu là gái, cháu không thấy bị áp lực danh vọng, tự hào gì cho bố mẹ cả. Cháu biết mình lơ phất phơ từ bé nên cũng không nghĩ mình sẽ học kinh tế hay IT như anh trai, để làm gì kia chứ? Nhưng vì bố mẹ mà cháu phải du học và học Kinh tế.
May là vừa học xong thì châu Âu lâm đại dịch. Cháu kẹt bên ấy hơn năm. Khi đó có nhiều thời gian để suy nghĩ và làm online những việc mình thích. Kết quả chưa gì nhưng sao cháu thấy hào hứng, rất hào hứng cô ạ. Được về nước khi dịch lắng xuống. Bố mẹ và con gái, gặp nhau mừng như vừa thoát khỏi tai ương chiến tranh. Vui dài bao lâu rồi thì cũng phải đối diện với công việc, xin việc và ánh nhìn băn khoăn của cha mẹ, của gia tộc, rằng cháu sẽ sống ở VN như thế nào: việc làm, yêu đương, hôn nhân, con cái?
Thở dài cho mình và phát hiện mẹ thở dài hơn bố. Bố có lẽ vì thương con gái theo thói thường và bố cũng lý trí hơn. Bố bảo mẹ đừng giục. Mẹ càm ràm sốt ruột, thời điểm cho việc này thời điểm cho việc kia, toàn chuyện hệ trọng cả. Mẹ ra cái hạn 26 hoặc 27 tuổi là phải công việc và yêu đương. Việc ở công ty ư, sao lại phải chui vào công ty nào đó như mọi người?
Cháu muốn viết, muốn làm phim ngắn, thì sao? Cháu không thể sống với khát khao nghệ thuật à cô? Sao cháu phải yêu và lấy chồng và sinh con trước 30 tuổi thế, cái hạn ấy nghĩa là gì chứ? Sao cháu phải như anh trai hay chị dâu mình, ông tiến sĩ bà thạc sĩ? Cháu có khác người nhưng không hoàn toàn khó hiểu, khó chấp nhận, đúng không cô?
Cháu thân mến!
Cô nghĩ, bố mẹ cháu có cả hai con du học là có nhận thức và có tiềm lực kinh tế mạnh. Nhưng cô không hình dung được hai vị ấy là người thực tế sâu sắc hay cũng chỉ là hai người có học mà vẫn bình dân? Là sao? Nghĩa là đầu tư cho bằng cấp du học, giờ phải nhìn thấy hiệu quả kinh tế, từ đó ngắm con cái bước từng bước vào con đường muôn người, ổn định nhanh, hôn nhân sáng, viên mãn sớm.
Cháu không viết kỹ nhưng cô biết từ bé cháu lơ phất phơ thì tạng cháu là gì. Là người có tố chất nghệ sĩ, có thiên tư nghệ thuật. Cô nhớ khi bé mình cũng một mình không giống ai, tha thẩn bướm vàng chim hót ong bay, gió mây vườn nhà, cá dưới mương, con cóc con dế…
Anh em cha mẹ sinh nhưng trời sinh tính.Cô vào đời làm báo, ai cũng nói trong báo có văn, sẽ viết văn. Và năm 26 tuổi, khi có đứa con thứ hai rồi, cô mới viết văn, bắt đầu. Đến năm 35 tuổi mới thực sự có tên trên văn đàn cháu ạ. Nếu trời cho tố chất thì không ai rẽ ngay con đường nghệ thuật từ sớm cả. Học lấy cái bằng đại học, thực ra là cái nền của văn hóa, tốt chứ sao. Bao nhiêu người học bác sĩ, học luật, rồi lại đi viết văn. Có bao người còn bỏ dỡ việc đại học để phụng sự đam mê ca hát, đóng phim rồi làm phim.
Nếu cháu quả quyết thì cháu phải cắn răng mai phục với thời gian. Lẳng lặng làm gì đó để có tiền ít nhất cũng tiêu xài cho mình đã, đừng để bố mẹ thấy ăn hại, ăn bám. Và trau dồi cháu nhé, muốn viết kịch bản phim, nghĩa là liên quan đến văn học, đọc nhiều vào, xem nhiều phim vào. Hay muốn làm thời trang, thiết kế chẳng hạn, hãy mày mò và đừng nản. Hay làm phim ngắn, như vừa qua có giải quốc tế cho “Câu chuyện gỏi cuốn” đó, thử xem và thử sức đi.
Nói chung, đường thành công của nghệ thuật là dằng dặc và gian nan. Chắc chắn như vậy. Ấy là đường đi của người hiếm, người tài. Không có cái hạn nào cho hôn nhân cả, có thể rất muộn mà có thể không kết đôi, không sinh con đẻ cái gì cả. Là phải xả thân và hy sinh, và phụng sự, thế thôi.Bản lĩnh của người dấn thân nghệ thuật là cô đơn với cả người thân, bất chấp thị phi và bất chấp thời gian. Rồi sẽ tới đích nếu ta dám đi con đường của chính mình.