| Hotline: 0983.970.780

Người dân chưa đồng thuận Dự án Khu nhà ở Sông Hồng và chợ nông sản

Thứ Hai 19/12/2022 , 17:46 (GMT+7)

Chưa giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư Dự án Khu nhà ở Sông Hồng và chợ nông sản huyện Yên Mỹ, Hưng Yên đã tự ý đào bới nghĩa trang thôn Từ Hồ...

Dân chưa đồng thuận

Ngày 22/4/2019, Công ty CP Xây dựng, thương mại và vật liệu Sông Hồng (Công ty Sông Hồng) được UBND tỉnh Hưng Yên lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu nhà ở Sông Hồng và chợ nông sản (Dự án nhà ở Sông Hồng). Trước đó, tháng 10/2018 chính Công ty Sông Hồng đã là nhà đầu tư duy nhất trúng vòng sơ tuyển. Đây cũng là đơn vị lập đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu nhà ở Sông Hồng và chợ nông sản trên địa bàn huyện Yên Mỹ, tỷ lệ 1/500 vào tháng 2/2018.

Cây ăn trái bị úng chết vì Công ty Sông Hồng san lấp chặn đường thoát nước. 

Cây ăn trái bị úng chết vì Công ty Sông Hồng san lấp chặn đường thoát nước. 

Mục tiêu của Dự án là hình thành một khu dân cư - thương mại dịch vụ đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, tạo cửa ngõ thông thương, thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa các vùng miền, đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương và kinh tế vùng, với công năng là Khu dân cư - Thương mại dịch vụ, quy mô dân số dự kiến 1.000 người. 

Theo phê duyệt Quy hoạch chi tiết ngày 12/02/2018, khu vực nghiên cứu lập Quy hoạch xây dựng Khu nhà ở Sông Hồng và chợ nông sản tại xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên có quy mô rộng gần 10ha, diện tích lập quy hoạch khoảng gần 8ha.

Tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 548 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện dự án là gần 500 tỷ đồng, giá trị đền bù giải phóng mặt bằng là khoảng 48 tỷ đồng. Giá trị đề xuất nộp ngân sách nhà nước không bao gồm tiền thuê sử dụng đất là 430 triệu đồng. 

Đường giao thông nội đồng, đê ven sông Từ Hồ một nhánh của hệ thống Bắc Hưng Hải bị hủy hoại bởi sự san gạt của Dự án Khu nhà ở Sông Hồng và chợ nông sản.  

Đường giao thông nội đồng, đê ven sông Từ Hồ một nhánh của hệ thống Bắc Hưng Hải bị hủy hoại bởi sự san gạt của Dự án Khu nhà ở Sông Hồng và chợ nông sản.  

Tháng 8/2021, UBND huyện Yên Mỹ đã triển khai ban hành các Quyết định thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân nằm trong Dự án trên. Đến đây, dự án đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân thôn Từ Hồ, bởi sự san lấp mặt bằng bừa bãi khi doanh nghiệp chưa đạt được sự thống nhất về giải phóng mặt bằng và phần đất nông nghiệp nơi đây là sinh kế duy nhất của hầu hết bà con nông dân.

Đê bao thủy lợi bị phá hủy.

Đê bao thủy lợi bị phá hủy.

Công ty Sông Hồng tự ý đào bới nghĩa trang khi chưa được giao đất

Theo phản ánh của người dân, khi dự án chưa được giao đất, Công ty Sông Hồng đã tự ý san gạt vào phần đất đang canh tác của các hộ dân, phá hủy đường bê tông nội đồng, cống rãnh mương tiêu thoát nước làm ngập úng hoa màu, cây ăn trái gây thiệt hại nặng nề cho bà con thôn Từ Hồ.

Bà Trang (nhân vật đã được đổi tên) cho biết: “Nếu dự án là điện, đường, trường, trạm, việc thu hồi đất vì lợi ích, mang lại sự phát triển cộng đồng nói chung thì chẳng cần đến cưỡng chế, chúng tôi sẽ tự nguyện hiến đất, nhưng đây là dự án của tư nhân, nhà ở thương mại, người dân cần được thỏa thuận, chúng tôi không chấp nhận việc trả tiền đền bù với mức giá 90.000đ/m2. Dự án chưa được bàn giao đất hết mà phía doanh nghiệp đã tự ý san gạt, chặn dòng thoát nước gây ngập chết hoa màu, ủi đất vào mồ mả của các hộ dân mà chưa được cải táng”.

Phần đất chôn cất người đã khuất bị san gạt vùi lấp khi chưa được phép. Ảnh: cắt từ clip người dân cung cấp. 

Phần đất chôn cất người đã khuất bị san gạt vùi lấp khi chưa được phép. Ảnh: cắt từ clip người dân cung cấp. 

"Người xưa có câu “đào sâu chôn chặt”, nguyện vọng của người đã khuất chỉ mong được đặt yên chỗ, vạn bất đắc dĩ mới phải di rời. Vậy mà để thúc ép người dân nhanh chóng giao đất. Công ty Sông Hồng đã san gạt, vùi lấp cả vào phần đất mà người dân thôn Từ Hồ sử dụng để chôn cất người đã khuất”, bà Trang cho biết. Trong đó, đáng chú ý là việc vùi lấp nghĩa trang nhân dân tại thôn Từ Hồ.

Người dân đào bới tìm lại phần mộ của người đã khuất sau khi bị san gạt, vùi lấp. Ảnh: cắt từ clip người dân cung cấp. 

Người dân đào bới tìm lại phần mộ của người đã khuất sau khi bị san gạt, vùi lấp. Ảnh: cắt từ clip người dân cung cấp. 

Ông Hiếu (nhân vật đã được đổi tên) cho biết: “cả khu nghĩa trang rộng 5000m2 của người dân thôn Từ Hồ chưa được cải táng cũng bị hủy hoại, khi máy ủi san lấp, chôn vùi mồ mả của người dân. Sau khi máy ủi của Công ty Sông Hồng phá nhà quản trang, san gạt lấp cát đầy nghĩa trang nhân dân, họ lập ra một nghĩa trang khác để chúng tôi lượm nhặt hài cốt của người đã khuất mang đến đấy để chôn, có những ngôi vừa mới chôn xong cũng phải quật lên mang đi nơi khác khiến chúng tôi vô cùng bất bình. Họ làm không có kế hoạch cũng chẳng thông báo chỉ có đưa máy vào ủi đất”.

Theo ông Hiếu do người dân thôn Từ Hồ quá phẫn uất trước việc làm này, để xoa dịu dư luận, ngày 27/8/2021, UBND huyện Yên Mỹ đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai số 3744 xử phạt Công ty sông Hồng 75 triệu đồng, đồng thời buộc đơn vị này khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm, dừng việc san lấp mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ đất đai theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, qua tài liệu, hình ảnh người dân cung cấp, đơn vị này vẫn “lén lút” thực hiện san lấp, không chấp hành quyết định của UBND huyện.

Ngày 03/11/2021, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên đã ban hành Công Văn số 34 gửi Chủ tịch UBND xã Yên Phú Nguyễn Quang Nghiệp để kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Nhưng văn bản chỉ đạo vẫn không có hiệu lực.

Phải đến tháng 6/2022, UBND huyện Yên Mỹ mới ban hành các Quyết định thu hồi đất, nhưng thời điểm người dân nhận được Quyết định thu hồi đất không kèm theo Phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, theo luật định hai văn bản này phải ban hành cùng một ngày, cùng một thời điểm.

Cưỡng chế?

Lực lượng cưỡng chế chặn đường vào trường tiểu học Yên Phú II. 

Lực lượng cưỡng chế chặn đường vào trường tiểu học Yên Phú II. 

Sau thời gian dài không thể tìm được tiếng nói chung giữa người người dân và chính quyền sở tại, ngày 09/12/2022, UBND huyện Yên Mỹ đã ban hành Thông báo về việc Cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ gia đình có đất, cây cối hoa màu trong phạm vi GPMB dự án đầu tư, xây dựng Khu nhà ở Sông Hồng và Chợ nông sản tại xã Yên Phú. Theo đó, yêu cầu các hộ dân có mặt tại UBND xã Yên Phú vào ngày 14/12/2022 để bố trí phương tiện đưa người dân đến thửa đất của hộ gia đình thuộc phạm vi GPMB thực hiện dự án đầu tư, xây dựng Khu nhà ở Sông Hồng và Chợ nông sản.

Mọi ngả đường đi qua Dự án Khu nhà ở Sông Hồng và chợ nông sản đều bị phong tỏa. 

Mọi ngả đường đi qua Dự án Khu nhà ở Sông Hồng và chợ nông sản đều bị phong tỏa. 

Đúng 7h sáng ngày 14/12/2022, UBND huyện Yên Mỹ đã huy động lực lượng  công an để cưỡng chế 49 hộ dân có đất thuộc phạm vi dự án Sông Hồng. 

Xe chở đất san lấp mặt bằng tại Dự án Khu nhà ở Sông Hồng và chợ nông sản. 

Xe chở đất san lấp mặt bằng tại Dự án Khu nhà ở Sông Hồng và chợ nông sản. 

Ngoài ra, theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường lực lượng cưỡng chế đã chặn đường vào trường Tiểu học Yên Phú II, mọi nẻo đường đi qua khu vực cưỡng chế đều bị phong tỏa. Phóng viên đã có mặt tại hiện trường và đề nghị được tác nghiệp, ghi nhận việc cưỡng chế, trước đó phóng viên đã đặt lịch làm việc tại UBND huyện Yên Mỹ và UBND xã Yên Phú. Tại hiện trường, lực lượng cưỡng chế đã ngăn cản không cho phóng viên được vào tác nghiệp, ghi nhận sự việc. Phóng viên đã liên hệ đến số máy của Chủ tịch xã Yên Phú Nguyễn Quang Nghiệp nhưng không bắt máy. Một người trong đoàn cưỡng chế đã liên hệ với ông Nghiệp và cho biết: "Sếp không cho vào mong thông cảm".  

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.