Đàn ông thời nay mà “năm thê bảy thiếp” như ông Thào Nhìa Dia ở bản Hua Ty, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La quả là chuyện hiếm.
"Đa tình nhất Tây Bắc"
Loanh quanh hỏi đường mãi, chúng tôi cũng tìm được nhà ông Dia. Ông Dia không có ở nhà, chỉ có một phụ nữ đang cặm cụi ngồi thêu bên bậu cửa. Chị tên là Giàng Thị Và, vợ thứ 7 của ông Dia. Cạnh chị là mấy đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau, quần áo lấm lem bùn đất, trông chúng thì chẳng ai có thể nhận ra đứa nào là chị đứa nào là em.
Ông Dia trông vẫn còn phong độ lắm
Năm nay, chị Và mới ngoài 30 tuổi nhưng có 4 đứa con với ông Dia. Đó còn chưa tính cái bụng của chị đã lùm lùm lên rồi. Hỏi về chuyện những bà vợ trước của chồng, chị Và tỏ ra rất bình thản, luôn tự coi mình là em út của cả nhà. Chị cho biết, đến giờ tổng số con của chồng mình đã lên tới con số 23, trừ những đứa con gái lớn của bà cả đi lấy chồng, còn lại đều ở đây cả.
Mặt trời đứng bóng, dưới chân dốc, một người đàn ông đang chở nước lên nhà. Đó chính là ông Dia mà cánh xe ôm ngoài Thuận Châu phong là "người đàn ông đa tình nhất Tây Bắc".
Ông Dia sinh năm 1959. Khi tròn 15 tuổi, sau mấy phiên chợ xuân, ông để ý tới 1 cô gái tên là Lý Thị Sua rất xinh ở huyện Sông Mã. Mối tình lãng mạn đó để lại trong ông Dia nhiều ấn tượng. Khi đó ông mới 15 tuổi, vợ 13 tuổi. Lấy nhau được 2 năm, bà Sua đã sinh đứa con gái đầu lòng.
Lấy vợ xong, ông Dia tiếp tục đi học theo nguyện vọng của gia đình để sau này trở thành cán bộ. Trong những ngày học ở trường, vốn là người khéo miệng lại thổi kèn lá hay, ông Dia đã khiến nhiều cô gái chết mê chết mệt. Cô bé Mùa Thị Mái đã không thoát khỏi “lưới tình” của ông Dia. Ông Dia dẫn vợ 2 về nhà, “xin phép” vợ cả cho cô Mái ở cùng, lạ thay bà Sua đồng ý liền.
Có thêm vợ, ông Dia từ bỏ luôn ước mơ trở thành cán bộ. Bà Sua là người mắn đẻ nên đã có với ông Dia 13 đứa con. Riêng bà Mái cũng đã sinh cho ông Dia một cậu con trai.
Những tưởng khó khăn vất vả khi có cả đàn con sẽ khiến cái tính đa tình của ông Dia bị kìm lại, nào ngờ sau những chuyến chở đậu tương xuống huyện Thuận Châu bán, ông đã để ý tới 1 người phụ nữ đã có chồng là Và Thị Lánh (SN 1975). Theo như lời ông Dia, cô Lánh rất đáng thương. Cô Lánh đã có chồng, chưa có con, vợ chồng sống không hạnh phúc. Cô Lánh thường xuyên bị chồng đánh. Đến năm 1990, cô bị chồng ruồng bỏ. Thương cô Lánh phận liễu yếu đào tơ, giữa dòng đời cơ cực, ông Dia đã về nhà bàn với 2 người vợ xin đón cô Lánh về ở cùng.
Không kém cạnh gì bà cả, chỉ sau mấy năm sau, cô Lánh cũng đã có 4 đứa con. Nâng tổng số con của ông Dia lên 18 đứa.
Người vợ thứ 4 đến với ông cũng hết sức tình cờ. Cô này tên là Quàng Thị Thanh (SN 1973), là người Thái ở huyện Thuận Châu, đã có chồng và 3 đứa con. Chồng của Thanh buôn bán ma túy nên bị bắt ở tù. Hai người đã bỏ nhau. Hoàn cảnh của mẹ con cô Thanh này lúc đó rất đáng thương. Bốn mẹ con ở trong ngôi nhà dột tứ bề, đứt bữa thường xuyên. Thời gian đầu ông Dia giúp mẹ con cô Thanh củ khoai, củ sắn, thỉnh thoảng cho cái chăn khi đông về. Sự đi lại giữa hai bên ngày một thân thiết. Và rồi chuyện gì đến sẽ phải đến, vào một ngày xuân đẹp trời, ông Dia đã “thưa” chuyện này với bà vợ cả để đón bà vợ thứ 4 về nhà.
Kể về hoàn cảnh của bà vợ thứ 4, chúng tôi thấy trong mắt ông có gì đó xót xa lắm. Ông đưa ánh mắt buồn xa xăm nhìn về phía đỉnh núi xa mờ, làn sương mỏng đã giăng khắp lối. Chẳng mấy chốc ngôi nhà gỗ của ông đã tràn ngập trong sương mù. Sương lùa vào trong nhà lạnh buốt. Bỏ thêm củi vào bếp lửa, ông Dia tiếp tục câu chuyện về đời mình, tựa như do ông trời sắp đặt vậy. Ấy là câu chuyện về người vợ thứ 5. Cô này tên là Nguyễn Thị Hải, người Kinh, quê gốc ở Vĩnh Phúc. Cô Hải cũng có số phận long đong. Chồng mất sớm, để lại cho cô 1 người con trai. Cô Hải làm nghề bán hàng xén, ngày ngày rong ruổi đi khắp nơi. Chẳng hiểu trời xui khiến thế nào, khi cô dừng chân bán hàng tại xã Co Mạ lại quen được ông Dia. Biết ông là người nghĩa hiệp, hay thương người, Hải đâm mê tít cái anh chàng người Mông râu xồm. Đứa con trai của cô Hải là Nguyễn Văn Long cũng được ông Dia nhận là con của mình và được đặt thêm cái tên của người Mông là Thào Pó Của.
Khoác thêm chiếc áo vào vai, ông Dia xuýt xoa: “Chà, mình chưa phải là người nhiều vợ nhất xã Co Mạ này đâu. Ông ngoại của mình mới xứng danh là người đàn ông đã tình nhất. Ông có tới 9 người vợ, trong đó có cả người vợ quê ở Lào cơ. Ông có tất cả 37 cô con gái và 6 người con trai đấy”.
Không biết có phải do ông Dia được thừa hưởng cái nguồn gen quý của ông ngoại hay không, chứ cái tình, cái duyên trong ông vẫn chưa dừng lại. Bà vợ thứ 6 đến với ông như một điều tất yếu vậy. Bà vợ này tên là Nguyễn Thị Phương Oanh (SN 1965), người Kinh. Người vợ thứ 6 này của ông cũng có bản lý lịch tương đối dài. Quê gốc ở Hưng Yên, từng đi lang bạt kì hồ khắp nơi buôn bán thuốc Tây và chưa lấy chồng.
Một ngày đẹp trời, bà Oanh về bán thuốc tại cửa rừng Co Mạ. Loanh quanh thế nào, bà lại ở nhờ nhà ông Dia. Chứng kiến cảnh ông Dia đã có 5 người vợ nhưng bà Oanh vẫn yêu ông mới lạ. Bà Oanh yêu ông Dia quên luôn cả lối về, tự nguyện “nhập khẩu” vào đại gia đình của ông Dia.
Người vợ thứ 7 đến với ông cũng hết sức tình cờ. Ông Dia là người đi đầu trong phong trào trồng rừng ở xã Co Mạ. Không những thế, hằng ngày ông còn đi khắp các bản, vận động bà con tham gia trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc. Chính trong những ngày dài đánh vật với đất, với cây đó ông đã quen chị Giàng Thị Và (SN 1981) ở bản Hua Ty B, xã Chiềng Bôm. Và lấy chồng đã 13 năm mà không có con. Họ đã đi chạy chữa khắp nơi để kiếm một mụn con mà không thành. Chán cảnh vợ chồng sống với nhau quạnh quẽ, chồng Và đã đi tìm người khác. Khi người tình của chồng có thai, anh này cũng từ bỏ luôn người vợ sau bao năm má ấp vai kề. Thấu hiểu hoàn cảnh của Và, ông Dia đã động lòng chắc ẩn. Ông đã được “tập đoàn thê tử” đồng ý đón chị Và này về nhà “góp gạo thổi cơm chung”. Thế là sau gần 30 năm mải mê chinh chiến và yêu đương, ông Dia cũng đã kịp nâng số vợ của mình lên con số 7.
Ông Dia và người vợ thứ 7 cùng các con
Cư xử cao thượng
Ông Dia coi chuyện thêm vợ cũng tựa như vùng Co Mạ này có 2 mùa xuân và mùa đông vậy. Ông đông con nhiều vợ nhưng chưa bao giờ trong gia đình có sự xô xát hay to tiếng gì cả.
Có lẽ ngay cả ông Dia cũng không thể lý giải nổi vì sao ông có thể "tề gia" yên ổn đến thế. Khi số lượng vợ tăng lên nhanh chóng, ngôi nhà nhỏ ban đầu giờ bắt đầu được nới rộng ra. Ông còn làm thêm 3 cái nhà nhỏ nữa quanh nhà chính, mỗi vợ cai quản 1 nhà. Các bà vợ ở riêng nhưng nhất nhất phải đi làm nương, ăn cùng mâm với nhau. Mọi việc trong gia đình ông cắt cử đâu vào đó.
Mang tiếng là "năm thê bảy thiếp", ông Dia cũng chưa bao giờ giữ các bà vợ là của riêng mình. Ông kể, mỗi người vợ đến với ông theo mỗi cách khác nhau. Khi các bà đã là vợ ông, ông đều đối xử rất công bằng. Bà vợ thứ 4 là Quàng Thị Thanh khi về với ông đã có 3 đứa con riêng. Nhà chẳng còn gì ăn. Ăn ở với nhau được mấy năm, ông đã có với bà 1 đứa con. Khi chồng bà Thanh ra tù, muốn nối lại duyên cũ, ông Dia liền hỏi bà Thanh: “Mình còn tình cảm với người ta thì nên về. Tôi không ngăn cản gì đâu”.
Trước hôm bà Thanh về với chồng cũ, ông Dia mời anh chồng của bà Thanh đến nhà uống rượu. Ông còn cho gà, lợn, gạo… để cho họ đoàn tụ còn có cái mà sống trong những ngày đầu. Ông bảo: “Đấy, con của ông, tôi nuôi chúng nên người; từ lúc chúng đến ở với tôi, chúng chưa phải đói một bữa nào. Tôi luôn coi chúng như con của mình vậy. Giờ ông đón chúng về, còn đứa con của tôi với vợ ông thì ở lại cho tôi”.
Sau khi vợ thứ 4 ra đi, cuộc sống của ông Dia vẫn vậy. Ông bảo: “Cuộc sống là vậy, tôi chưa bao giờ ép bà nào phải theo ý mình cả”.